Công viên TP.HCM sau gần 20 năm xóa bỏ hàng rào
Người dân TP.HCM hầu như quên mất từng có giai đoạn các công viên vẫn còn hàng rào bao quanh và cho rằng thủ đô cũng nên sớm gỡ bỏ hàng rào quanh công viên để người dân tiếp cận.
Cứ khoảng 16h hàng ngày, ông Nguyễn Văn Thành (ngụ phường Cầu Ông Lãnh, quận 1) lại dành 2 giờ đi bộ thể dục tại khu A, công viên 23 tháng 9 (phường Phạm Ngũ Lão, quận 1). Thói quen này được ông duy trì cả chục năm nay, nhưng ông chưa bao giờ phải mua vé để vào công viên nào của thành phố.
Bất ngờ là phản ứng của ông khi nghe chuyện bán vé vào công viên. "Vào công viên mà thu vé thì kỳ quá! Đó là không gian công cộng mà", ông băn khoăn.
65 năm sinh ra và lớn lên tại TP.HCM, tính phí vào công viên là một khái niệm tương đối xa lạ với ông Thành. Khi biết rằng việc bán vé vào cửa và lập hàng rào quanh công viên vẫn được duy trì tại thủ đô Hà Nội, ông Thành càng ngạc nhiên hơn.
Dân quên thời công viên có rào chắn
Tại TP.HCM, hàng rào xung quanh các công viên đã được dỡ bỏ gần 20 năm nay. Dự án "xóa" hàng rào công viên được triển khai từ 2003-2004 và gây nhiều tranh cãi ngay từ khi đề xuất. Lo lắng chính của cơ quan quản lý là việc khó đảm bảo an ninh trật tự tại công viên khi không còn hàng rào, đặc biệt là nguy cơ từ các tệ nạn xã hội. Cuối cùng, dự án vẫn được triển khai trước sự đồng thuận của đa số người dân và báo chí.
Nơi đầu tiên được "xóa hàng rào" là công viên Tao Đàn (quận 1). Sau đó, các công viên khác cũng được gỡ rào và cải tạo như công viên Gia Định (quận Gò Vấp), công viên Hoàng Văn Thụ (quận Tân Bình), công viên Phú Lâm (quận 6)... Đến nay, người dân TP.HCM đã gần như quên mất một thời công viên còn có rào chắn và cổng vào. Nhiều người trẻ thậm chí không biết từng có giai đoạn này.
Chứng kiến quá trình thay đổi đó, ông Thành cho rằng chính quyền khi ấy đã lo lắng "thái quá". Thực tế, khi công viên thành không gian mở, người dân có thể tiếp cận và quan sát công viên từ mọi hướng. Càng nhiều con mắt giám sát thì các hành vi xấu càng khó thực hiện hơn.
Trong khi đó, người dân, khách du lịch đều thấy thoải mái khi có thể tiếp cận công viên từ mọi hướng, cảm giác không gian xanh trong thành phố cũng nhiều hơn khi gỡ bỏ các hàng rào.
Điều ông băn khoăn không phải là tệ nạn xã hội, mà nhiều không gian của công viên đang bị chiếm dụng cho các dịch vụ giải trí. Ví dụ, không gian của khu B và khu C của công viên 23 tháng 9 hầu hết đang cho thuê để kinh doanh ăn uống, mua sắm... nên ông chỉ có thể tập thể dục ở khu A.
Còn về việc mua vé vào công viên, ông Thành "tổng kết" ngắn gọn rằng công viên là một không gian công cộng và người dân đã đóng thuế để đóng góp cho việc xây dựng, vận hành, thế nên dĩ nhiên phải được hưởng thụ miễn phí. Người dân thủ đô cũng vậy.
Là một người gốc Hà Nội, chị Trần Thu Thảo (29 tuổi, ngụ quận 3) kể đường Trương Định, đoạn qua công viên Tao Đàn (quận 1), là con đường yêu thích của chị. Từ quận 1 về nhà ở Vườn Chuối, chị Thảo có thể về nhanh hơn nếu đi Cách Mạng Tháng Tám, nhưng chị hầu như luôn chọn về bằng đường Trương Định. Chị Thảo lý giải cảm giác thư giãn khi đi qua công viên mỗi buổi chiều tan tầm giúp chị giảm căng thẳng sau một ngày làm việc.
Từng nhiều lần tới công viên Thống Nhất, chị Thảo chia sẻ cảm thấy khá bất tiện khi công viên này rất rộng nhưng chỉ có một vài cổng vào nhất định. Ủng hộ việc thủ đô gỡ bỏ hàng rào, chị đề xuất có thể mở thêm các tuyến đường cho xe cộ chạy xuyên qua công viên. Cách làm này vừa tăng khả năng tiếp cận của người dân với công viên, vừa tăng không gian xanh cho thành phố mà cũng không ảnh hưởng tới cảnh quan của công viên.
Gỡ rào, tệ nạn có tăng?
Ông Lê Công Phương, Giám đốc Công ty TNHH MTV Công viên Cây xanh TP.HCM, đơn vị quản lý nhiều công viên tại TP.HCM, kể lại trước đây, chỉ khi tổ chức các sự kiện, hội hè trong công viên thì có kiểm soát ra vào và bán vé cho người tham dự sự kiện. Còn bình thường, công viên không bán vé vào cửa mà cho ra vào tự do.
Sau khi TP.HCM gỡ bỏ hàng rào, người dân có tâm lý thoải mái hơn dù công tác bảo vệ cực hơn so với khi có hàng rào. Giải pháp của các ban quản lý công viên là tăng cường chốt xung quanh. Để đảm bảo an ninh trật tự, đội bảo vệ phải trực gác tăng cường, phối hợp với công an chặt chẽ hơn để xử lý các trường hợp lấn chiếm, bán hàng rong trên vỉa hè, lòng lề đường, tệ nạn xã hội...
"Lúc mới triển khai nhiều ý kiến lắm, cuối cùng mấy anh, mấy chú tham quan các nước thấy họ đều làm vậy, nên quyết yêu cầu gỡ bỏ hàng rào", ông kể.
Ở góc độ chuyên môn, ông Trần Thiện Hà, Phó chủ tịch, kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Công viên, Cây xanh Việt Nam, nhìn nhận việc xóa bỏ hàng rào công viên mang lại nhiều lợi ích hơn cho người dân, dù đơn vị quản lý sẽ vất vả hơn.
Nguyên là Giám đốc Công ty TNHH MTV Công viên Cây xanh TP.HCM giai đoạn thực hiện dự án xóa bỏ hàng rào, ông Hà cho biết việc này không khó mà chỉ cần có chủ trương từ chính quyền địa phương là làm được.
Sau khi bỏ rào, một số khó khăn phát sinh như quản lý, bảo vệ các tài sản trong công viên (cây cối, khu vui chơi...). Ban quản lý công viên đã phối hợp chặt chẽ với công an địa phương để phát hiện, giải quyết.
Ví dụ như công viên 23 tháng 9 là địa bàn tương đối phức tạp vì gần khu phố đi bộ Bùi Viện, đặc biệt thường xuyên xảy ra các tệ nạn liên quan đến ma túy. Sau khi gỡ bỏ hàng rào, dù tình trạng này còn xảy ra, ông Hà khẳng định số vụ vi phạm không tăng lên và thậm chí ngày càng được quản lý tốt hơn nhờ sự can thiệp của công an cùng sự giám sát của người dân.
Về việc thu phí công viên, ông cho rằng vài nghìn đồng tiền vé thực chất không phải con số lớn để trang trải cho việc duy trì vận hành. Tùy vào từng địa phương và tính chất từng công viên, chính quyền nên chọn cách làm phù hợp.
Tại TP.HCM, Thảo Cầm Viên cũng từng được cân nhắc gỡ bỏ hàng rào để người dân tiếp cận từ mọi hướng. Tuy nhiên, sau khi xem xét, nhà chức trách đánh giá cần giữ hàng rào để bảo vệ thú trong công viên. Do đó, nơi đây vẫn được duy trì hàng rào và bán vé.
"Cần nhớ nguyên tắc mục đích của công viên là phục vụ nhân dân, không phải nhóm lợi ích nên cần lựa chọn giải pháp nào tốt cho dân", ông nêu quan điểm.
Hầu hết công viên lớn tại Hà Nội có tường rào bao quanh. Hàng rào sắt cao bao trọn khuôn viên không chỉ là đặc trưng tại các công viên nuôi thú như Bách Thảo, Thủ Lệ, mà còn xuất hiện ở nhiều công viên cây xanh như Thống Nhất, Cầu Giấy, Nghĩa Đô, Hòa Bình… Bên cạnh mục đích bảo vệ, hàng rào nhằm hạn chế người dân tiếp cận tự do vào công viên, thuận tiện cho hoạt động thu phí vào cửa và giữ xe.
Theo kế hoạch của UBND Hà Nội, trong giai đoạn 2021-2025, công viên Thống Nhất sẽ được cải tạo và nâng cấp với mức độ cao nhất. Việc cải tạo sẽ theo hướng công viên mở và được thực hiện bằng ngân sách thành phố. Đồng thời, 44 công viên và vườn hoa khác tại thủ đô sẽ được cải tạo và nâng cấp theo nhiều mức độ, bên cạnh việc xây mới 6 công viên.
Nguồn Znews: https://zingnews.vn/cong-vien-tphcm-sau-gan-20-nam-xoa-bo-hang-rao-post1302821.html