Constrexim Holdings chật vật xử lý khối tài sản nghìn tỷ

CTX Holdings với hơn 30 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực xây dựng đã phải liên tục chuyển nhượng các dự án 'đất vàng' vẫn còn hàng trăm tỷ đồng nợ xấu, nợ ngân hàng quá hạn chưa thanh toán cần xử lý.

“Xây dựng Việt Nam đàng hoàng hơn, to đẹp hơn bằng những công trình mang thương hiệu CTX” – đó chính là sứ mệnh mà Constrexim lựa chọn trong chiến lược phát triển của mình. Nhưng trên thực tế, ngoài việc “xí phần” đất vàng rồi đắp chiếu hàng chục năm qua, đến nay CTX đã phải lần lượt chuyển nhượng các dự án của mình cho đối tác.

Xí phần 15.00m2 “đất vàng” rồi đắp chiếu

Mới đây, ngày 15/5/2017, Công ty cổ phần FPT đã có thông báo chính thức về việc nhận chuyển nhượng toàn bộ Dự án D28 Cầu Giấy – Hà Nội từ Tổng CTCP Đầu tư Xây dựng và Thương mại Việt Nam (Constrexim Holdings – mã CK: CTX). CTX sẽ chỉ còn là Tổng thầu thiết kế và Thi công xây dựng toàn bộ phần thô bê thông cốt thép tại dự án hơn 15.000m2 giữa trung tâm Thủ đô đã được vẽ ra cả thập kỷ qua.

Được biết, dự án Trung tâm thương mại dịch vụ tại lô đất D28 (D28 Cầu Giấy) đã Thành phố Hà Nội giao cho Tổng công ty cổ phần Đầu tư xây dựng và Thương mại Việt Nam (Comtrexim Holdings) thực hiện từ năm 2008.

 CTX đã phải chuyển nhượng toàn bộ dự án D28 Cầu Giấy cho FPT sau 10 năm "đắp chiếu" (Ảnh: Thành Long)

CTX đã phải chuyển nhượng toàn bộ dự án D28 Cầu Giấy cho FPT sau 10 năm "đắp chiếu" (Ảnh: Thành Long)

Tuy nhiên sau nhiều năm để dự án “đắp chiếu”, đầu năm 2016, dự án được tái khởi động nhờ sự tham gia hợp tác của FPT để xây dựng tòa nhà văn phòng FPT.Khu đất D28 đô thị Cầu Giấy là một trong những khu “đất vàng” hiếm hoi còn sót lại quận Cầu Giấy, TP Hà Nội. Dự án có vị trí rất đắc địa, nằm tại trung tâm khu đô thị mới Cầu Giấy, có 4 mặt giáp với các con đường có mặt cắt 40m và 25m, liền kề với công viên Cầu Giấy.

Theo phương án được UBND quận Cầu Giấy phê duyệt, dự án có tổng diện tích 15.832,8 m2 được thu hồi từ 57 tổ chức, hộ gia đình, cá nhân. Tính đến tháng 3/2016, mới có 56/57 trường hợp nhận tiền và bàn giao mặt bằng cho Constrexim Holdings. Ngày 16/3/2016, UBND quận Cầu Giấy đã thực hiện cưỡng chế thu hồi 245m2 đất còn lại để giao cho chủ đầu tư triển khai xây dựng.

Giữa tháng 7/2016, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội - ông Nguyễn Quốc Hùng ký quyết định số 3833/QĐ-UBND về việc thu hồi 3.026,3m2 đất tại ô đất ký hiệu D28 thuộc Khu đô thị mới Cầu Giấy, phường Dịch Vọng, quận Cầu Giấy; đồng thời cho CTX Holdings thuê 15.832,8m2 đất tại ô đất ký hiệu D28 thuộc Khu đô thị mới Cầu Giấy.

Hình thức thuê đất là trả tiền hàng năm, thời hạn thuê đất 45 năm, có hiệu lực đến hết ngày 19/12/2061 (ngày hết thời hạn hoạt động của dự án ghi tại giấy chứng nhận đầu tư). Nếu tiến độ sử dụng đất chậm 24 tháng so với tiến độ ghi trong dự án đầu tư kể từ khi nhận bàn giao đất trên thực địa, Contrexim được gia hạn thêm 24 tháng và phải nộp cho nhà nước khoản tiền tương ứng với mức tiền thuê đất đối với thời gian chậm tiến độ thực hiện dự án trong thời gian này.

Hết thời hạn được gia hạn mà Constrexim vẫn chưa đưa đất vào sử dụng hoặc sử dụng đất không đúng nội dung cho phép thì UBND TP Hà Nội thu hồi đất mà không bồi thường về đất và tài sản gắn liền với đất.

Gần 300 tỷ vay quá hạn ngân hàng

Đáng chú ý, dự án D28 Cầu Giấy không chỉ là dự án duy nhất mà Constrexim Holdings phải bán cho đối tác thời gian gần đây. Hồi tháng 2/2017, dư luận xôn xao về thông tin dự án Khu du lịch sinh thái biển cao cấp của CTX Holdings tại Quảng Nam cũng đã được “sang tay” cho MBLand. Giữa năm 2011, CTX cũng đã “nhanh tay” chuyển nhượng dự án 39 Nguyễn Đình Chiểu – TP Hồ Chí Minh cho tập đoàn Hòa Phát mà thương vụ này đã bị thanh tra Bộ Xây dựng kết luận sai phạm trong quá trình chuyển nhượng.

Được thành lập từ năm 1982 theo quyết định của Bộ Xây dựng, Constrexim được coi là anh cả trong ngành Tổng thầu xây lắp, phát triển các dự án bất động sản.

Tính đến nay, tổng tài sản của Constrexim Holdings lên tới 2.348 tỷ đồng với hàng loạt dự án đang được triển khai như khách sạn 5 sao tại Sapa, khu du lịch biển sinh thái tại Quảng Nam, Tổ hợp công trình dịch vụ thương mại, nhà trẻ và nhà ở (Dự án Tây Hồ Park View); Dự án Thủy điện La Ngâu, thực hiện giải phóng mặt bằng tòa nhà hỗn hợp Constrexim Complex…

Trong một vài năm gần đây, CTX liên tục gặp khó khăn do các dự án đang trong giai đoạn triển khai, chưa kể các dự án “đắp chiếu” vì nhiều lý do, sai phạm trong quá trình quản lý, sử dụng các khu đất được giao khiến áp lực từ các khoản nợ ngân hàng đến hạn thanh toán ngày càng lớn.

Trong báo cáo tài chính được kiểm toán năm 2016, đơn vị kiểm toán là công ty Ernst & Young đã phải nhấn mạnh về khoản gốc và lãi vay ngân hàng quá hạn chưa thanh toán lần lượt là 278,8 tỷ và 16,8 tỷ đồng. Đây là khoản vay tín chấp của CTX tại ngân hàng Eximbank Long Biên và SHB Thăng Long đã quá hạn từ tháng 3, tháng 4 năm 2016. Ngoài ra, công ty cũng có các khoản vay tín chấp gần 50 tỷ đồng đối với các cá nhân trong ban lãnh đạo công ty sẽ đến hạn thanh toán trong tháng 7/2017 sắp tới.

Đây được coi là một yếu tố không chắc chắn trọng yếu ảnh hưởng đến khả năng hoạt động liên tục của Constrexim trong thời gian tới.

Tình hình kinh doanh không đạt chỉ tiêu đại hội đồng cổ đông đề ra cũng là một vấn đề lớn khiến Ban điều hành đau đầu. Năm 2016, doanh thu mà “ông lớn” Constrexim đem về chỉ đạt 287 tỷ đồng – giảm 13% so với năm 2015. Bên cạnh đó, các khoản chi phí lại không ngừng tăng cao, đặc biệt phải kể đến khoản chi phí tài chính 40 tỷ đồng – tăng gần gấp 3 lần năm trước và khoản lỗ đến từ các công ty liên kết như CTCP Đúc Tân Long Constrexim hay CTCP Constrexim Đông Đô.

Trong năm 2016, Constrexim đã phải thanh lý lỗ vốn khoản đầu tư 92 tỷ đồng tại CTCP Địa ốc Phú Tân – một trong những “đại gia địa ốc” từng bị Bộ Tài chính “bêu tên” trong danh sách nợ thuế hàng trăm tỷ đồng. Mức giá chuyển nhượng cho đối tác là 63,4 tỷ đồng.

Tính đến ngày 31/12/2016, Constrexim có một khoản tiền khá lớn là 290 tỷ đồng được gửi tại ngân hang PGBank tuy nhiên khoản tiền này đang bị phong tỏa cho đến khi CTX hoàn tất các giấy tờ liên quan giữa chủ đầu tư – khách hàng – ngân hàng bảo lãnh dự án Olalani. Khoản nợ xấu 125 tỷ đồng từ các khoản phải thu khách hàng, trả trước cho người bán hay tạm ứng nội bộ cũng là vấn đề mà cổ đông cần lưu tâm.

Hoa Liên

Nguồn Người Đưa Tin: http://www.nguoiduatin.vn/constrexim-holdings-chat-vat-xu-ly-khoi-tai-san-nghin-ty-a326412.html