COP 26: Sản xuất lúa gạo phát thải thấp - Thích ứng với biến đổi khí hậu
Lúa gạo là mặt hàng nông nghiệp quan trọng, chiếm hơn 50% diện tích đất nông nghiệp ở nước ta. Nhưng xuất lúa gạo hiện chiếm 48% lượng phát thải khí nhà kính của ngành nông nghiệp và hơn 75% lượng khí thải mê-tan. Việc tạo điều kiện cho lĩnh vực sản xuất lúa gạo chuyển đổi sang một con đường bền vững hơn, phát thải thấp là cần thiết và ngày càng cấp bách.
CH4, N2O, CO2 – đây là những loại khí thải nhà kính phát sinh trong sản xuất lúa. Trong đó, chủ yếu là phát thải khí CH4 (Metan). Loại khí này sinh ra chủ yếu do các chất hữu cơ bị phân hủy trong điều kiện yếm khí khi ruộng lúa bị ngập nước.
Ngoài ra, canh tác liên tục, sử dụng giống, phân bón, tưới tiêu quá độ là một trong những nguyên nhân khiến hoạt động canh tác trở nên kém hiệu suất trong khi sản sinh khí CO2 quy đổi lớn. Riêng về phân bón, số liệu năm 2019 cho thấy trung bình một ha lúa sử dụng hơn 0,4 tấn phân bón, tăng gấp 10 lần so với gần 60 năm trước.
Sau những đánh giá về thực trạng phát thải của lĩnh vực sản xuất lúa gạo Việt Nam, báo cáo của Ngân hàng thế giới cũng chỉ ra: Giải pháp chính giúp cắt giảm lượng khí thải trong ngành lúa gạo phù hợp với Việt Nam là cải thiện hệ thống tưới tiêu, quản lý nước nông nghiệp, và quản lý đầu vào, áp dụng 1 phải 5 giảm (phải sử dụng hạt giống được chứng nhận; giảm lượng hạt giống, phân bón hóa học, thuốc bảo vệ thực vật, giảm lượng nước được sử dụng và giảm thất thoát sau thu hoạch).
Theo các chuyên gia, nếu mở rộng quy mô áp dụng những phương pháp này trên toàn ngành nông nghiệp, Việt Nam sẽ tiến dần tới mục tiêu phát thải khí nhà kính bằng không vào năm 2050, góp phần đạt được cam kết giảm 30% lượng khí metan vào năm 2030 tại COP26. Mặt khác, chất lượng lúa gạo cũng sẽ được nâng cao, giá gạo của Việt Nam cũng sẽ vì thế mà được cải thiện.
Xin mời quý vị và các bạn theo dõi nội dung chương trình!
Thực hiện : Kim Thanh Kim Thoa Hiền Trang