COP16 thành lập cơ quan thường trực cho người dân bản địa
Các quốc gia tham dự Hội nghị lần thứ 16 Các bên tham gia Công ước Liên hợp quốc (LHQ) về đa dạng sinh học (COP16) tại thành phố Cali, Colombia ngày 1-11 đã nhất trí thành lập cơ quan thường trực để tham vấn các quyết định của LHQ về bảo tồn thiên nhiên, theo Reuters.
Cơ quan tham vấn này được coi là bước đột phá trong việc công nhận vai trò của người bản địa để bảo tồn thiên nhiên trên toàn cầu, bao gồm một số khu vực có đa dạng sinh học nhất hành tinh, đồng thời sẽ mở rộng đến các cộng đồng địa phương, giúp đưa kiến thức và tập quán truyền thống vào các nỗ lực bảo tồn.
Các quốc gia cũng đã thông qua một biện pháp công nhận vai trò của người gốc Phi trong việc chăm sóc thiên nhiên. Theo Colombia- nước chủ nhà của COP16, biện pháp này sẽ giúp các cộng đồng dễ dàng tiếp cận các nguồn lực hơn để tài trợ cho các dự án đa dạng sinh học và tham gia vào các cuộc thảo luận về môi trường toàn cầu.
Bộ trưởng Ngoại giao Colombia Luis Gilberto Murillo cho biết bước đột phá này đặc biệt quan trọng đối với Mỹ Latinh và Caribe.
"Lãnh thổ của chúng tôi, nơi bao phủ phần lớn tài nguyên thiên nhiên của hành tinh, cũng là nơi sinh sống của những người gốc Phi và người bản địa, những người cần có các hoạt động bền vững để đối mặt với những thách thức về môi trường mà tất cả chúng ta đang cùng chia sẻ ngày nay", ông nhận định.
Diễn ra từ ngày 21-10 đến 1-11 tại thành phố Cali của Colombia, COP16 có chủ đề “Hòa bình với thiên nhiên”. Sự kiện đã thu hút sự tham gia kỷ lục với 23.000 đại biểu, khoảng 1.200 nhà báo cùng hàng nghìn nhà hoạt động môi trường với mục tiêu thực hiện Khung Đa dạng sinh học toàn cầu Côn Minh - Montreal (GBF), được thông qua năm 2022, nhằm ngăn chặn sự suy giảm nhanh chóng của thiên nhiên vào năm 2030.
Đầu tuần này, Armenia đã được công bố là nước chủ nhà của COP17, sẽ được tổ chức vào năm 2026.