COP26 trước nhiều thách thức

Các nhà lãnh đạo thế giới đang đối mặt sức ép phải tập trung vào kế hoạch hành động chi tiết, thay vì chỉ đưa ra cam kết, khi tham dự Hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia Công ước khung của Liên Hợp Quốc về biến đổi khí hậu (COP26), diễn ra tại Glasgow, Scotland - Vương quốc Anh, từ ngày 31.10 - 12.11.

Hội nghị lần này có thể được xem là cơ hội cuối để đưa thế giới trở lại đúng quỹ đạo trong nỗ lực đạt được mục tiêu đề ra trong Thỏa thuận Paris năm 2015, tức nhiệt độ toàn cầu vào cuối thế kỷ này chỉ tăng từ 1,5 - 2 độ C so với mức trung bình của thời kỳ tiền công nghiệp.

Dù vậy, một loạt diễn biến trước thềm COP26 báo hiệu không ít khó khăn đang chờ đón hội nghị trên. Một nhóm nhà lãnh đạo các đảo quốc Thái Bình Dương hôm 29.10 thúc giục thế giới đoàn kết và có hành động cụ thể, mạnh mẽ và tức thì để đối phó tình trạng biến đổi khí hậu đang đe dọa sự tồn tại của các đảo quốc này.

Lời kêu gọi trên được đưa ra một ngày sau khi Trung Quốc, nước phát thải lớn nhất thế giới (chiếm đến 27% tổng lượng khí phát thải toàn cầu), đệ trình lên Liên Hợp Quốc kế hoạch cắt giảm lượng khí phát thải gây hiệu ứng nhà kính của họ, theo đó, Bắc Kinh cam kết lượng khí phát thải CO2 sẽ đạt mức cao nhất trước năm 2030 sau đó giảm dần và đạt mục tiêu trung hòa carbon trước năm 2060. Tuy nhiên, giới phân tích đánh giá kế hoạch trên không có nhiều thông tin mới, thiếu tham vọng và không đủ để giúp thế giới đạt mục tiêu trong Thỏa thuận Paris.

Trong khi đó, Tổng thống Mỹ Joe Biden muốn chứng tỏ tại COP26 rằng quốc gia phát thải lớn thứ hai thế giới đang trở lại cuộc chiến chống sự ấm lên của toàn cầu. Tuy nhiên, những tranh cãi trong nước đang đe dọa làm suy yếu thông điệp này. Theo Reuters, ông Biden từng hy vọng sẽ công bố tại hội nghị này mục tiêu vào năm 2030 sẽ cắt giảm khí thải nhà kính từ 50%-52% so với mức năm 2005, từ đó khích lệ các quốc gia khác đưa ra hành động nhanh chóng, táo bạo để bảo vệ trái đất.

Kế hoạch của ông chủ Nhà Trắng còn bao gồm khoản đầu tư hàng trăm tỉ USD vào năng lượng sạch. Dù vậy, các nghị sĩ Đảng Dân chủ hiện vẫn chưa tìm được tiếng nói chung về kế hoạch chi tiêu 1.750 tỉ USD của ông Biden, trong đó có 555 tỉ USD dành cho vấn đề biến đổi khí hậu. Nếu không có thỏa thuận nào đạt được trước khi ông Biden đến Glasgow ngày 1.11, nhà lãnh đạo Mỹ khó có thể thuyết phục thế giới rằng ông có thể hiện thực hóa các cam kết giảm phát thải đã đưa ra.

Q.Đạt

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/cop26-truoc-nhieu-thach-thuc-wufpg3in16-65502