COP28: Hành động vì tương lai nhân loại

Hội nghị về biến đổi khí hậu của Liên hợp quốc lần thứ 28 (COP28) diễn ra từ ngày 30/11 đến ngày 12/12 tại Dubai, Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE). Đây là sự kiện COP lớn nhất kể từ lần đầu tiên được tổ chức tại Berlin, Đức vào tháng 3/1995 với khoảng 70.000 người tới Dubai. Các phái đoàn từ tất cả 199 bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (UNFCCC) đều tham dự hội nghị.

Tại COP28, các nhà lãnh đạo thế giới, các tổ chức toàn cầu và các bên liên quan cùng đàm phán và hợp tác nhằm giải quyết cuộc khủng hoảng khí hậu, cuộc khủng hoảng toàn cầu cấp bách, vượt ngoài biên giới quốc gia, đòi hỏi sự hợp tác quốc tế và nỗ lực chung của tất cả mọi quốc gia, tổ chức và cá nhân.

COP28 là hội nghị COP lớn nhất từ trước tới nay.

COP28 là hội nghị COP lớn nhất từ trước tới nay.

Vì sao COP28 quan trọng?

COP28 có ý nghĩa quan trọng vì nó đánh dấu sự kết thúc của đợt Kiểm kê toàn cầu (GST) đầu tiên. GST như được nêu trong Điều 14 của Thỏa thuận Paris năm 2015, sẽ tiết lộ khoảng cách mà thế giới đạt được mục tiêu giữ nhiệt độ không tăng quá 1,5°C cho đến cuối thế kỷ và xác định các hành động cần thiết để thu hẹp khoảng cách đó.

Trong bối cảnh một năm nóng nhất trong lịch sử dễ dàng được cảm nhận trên khắp thế giới, các quốc gia sẽ phải đưa ra quyết định cho kỳ kiểm kê tiếp theo vào năm 2025. Sự kiện này là cơ hội để các quốc gia cập nhật và nâng cao Đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC), nêu rõ cách thức giảm phát thải khí nhà kính và thích ứng với tác động của biến đổi khí hậu. Nghiên cứu mới nhất của Nhóm công tác tại Hội đồng liên chính phủ về biến đổi khí hậu (IPCC) công bố tháng 3/2023 cho thấy “chúng ta đang đi chệch hướng mục tiêu”, đồng thời nhấn mạnh sự cấp thiết phải cắt giảm 43% lượng khí thải vào năm 2030, so với mức của năm 2019, để có cơ hội cứu vãn tình thế.

Hội nghị thượng đỉnh được tổ chức trong chuỗi hoạt động của COP28 đóng vai trò nền tảng để huy động và phân bổ các nguồn tài chính hỗ trợ hành động về khí hậu, đặc biệt đối với các nước đang phát triển dễ bị tổn thương nhất trước biến đổi khí hậu, thí dụ châu Phi, nơi có ít năng lực ứng phó nhất. Thỏa thuận Paris đặt mục tiêu huy động 100 tỷ USD/năm vào năm 2020 từ các nước phát triển sang các nước đang phát triển, mục tiêu này vẫn chưa đạt được và nó “phải” đạt được vào năm nay.

COP28 sẽ tổ chức Hội nghị thượng đỉnh Hành động vì khí hậu thế giới (WCAS) lần đầu tiên theo lời mời từ ông Sheikh Mohamed bin Zayed Al Nahyan, Tổng thống UAE, tới các nguyên thủ quốc gia khắp thế giới. WCAS là sự nâng cấp của Hội nghị thượng đỉnh về Thích ứng với biến đổi khí hậu (CAS) vốn được tổ chức thường niên từ năm 2021, nhưng nhấn mạnh vào yếu tố “hành động”. Đây là lời thúc giục mạnh mẽ nhất đến từ nước chủ nhà COP28 khi bao năm qua những hội nghị kết thúc cùng lời hứa mà thiếu hành động cụ thể.

Thượng đỉnh hành động

Trong hai ngày 1 và 2/12, 176 nhà lãnh đạo thế giới đã tập trung tham dự WCAS đầu tiên trong lịch sử báo hiệu một kỷ nguyên mới về hành động vì khí hậu. Các nhà lãnh đạo thế giới đã tham gia cuộc gặp cùng các tổ chức xã hội, doanh nghiệp, người dân bản địa, thanh niên,... trên tinh thần chung để thể hiện nhu cầu đoàn kết và hành động khẩn cấp nhằm thu hẹp khoảng cách đến mục tiêu 1,5°C.

Các nhà lãnh đạo đã thể hiện sự kiên định của mình là giữ các mục tiêu Paris trong tầm tay và tăng cường các giải pháp ngắn hạn. Sau khi sớm thông qua báo cáo về tổn thất và thiệt hại, 18 quốc gia đã đưa ra cam kết 725 triệu USD để giúp đỡ các quốc gia đang chịu ảnh hưởng của hiện tượng nóng lên toàn cầu. Phát súng nổ ngay ngày đầu tiên đã mở đầu cho một chuỗi những thỏa thuận mạnh mẽ sau đó.

Trong hội nghị bàn tròn cấp cao về chuyển đổi năng lượng, 22 nguyên thủ quốc gia cũng như lãnh đạo doanh nghiệp đã gặp nhau để thảo luận về cơ hội tăng gấp 3 lần công suất năng lượng tái tạo nhằm duy trì mức 1,5°C trong tầm tay. 119 quốc gia tán thành Cam kết hiệu quả năng lượng và năng lượng tái tạo toàn cầu như sự thừa nhận tương lai của năng lượng tái tạo. Một sáng kiến mới, máy gia tốc chuyển đổi công nghiệp (ITA), đã được đưa ra nhằm đẩy nhanh quá trình khử cacbon trong các lĩnh vực phát thải nặng trên toàn cầu với sự tham gia của 35 công ty. Hiến chương khử cacbon trong dầu khí (OGDC) thu hút 51 công ty, bao gồm 29 công ty dầu khí quốc gia, ủng hộ mục tiêu đạt mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 hoặc sớm hơn. Trong đó 30 công ty cam kết lần đầu tiên đạt mức phát thải khí metan gần như bằng 0. Hội nghị về khí metan và không phải CO2 giữa Mỹ-Trung Quốc-UAE nhấn mạnh hành động toàn diện nhằm giải quyết tác động của các loại khí này trong ngắn hạn với hơn 1,2 tỷ USD được công bố để hỗ trợ giảm khí metan và các khí nhà kính không phải CO2 khác.

Biến đổi khí hậu không phải là chuyện của riêng ai.

Biến đổi khí hậu không phải là chuyện của riêng ai.

Đức và Canada đã thúc đẩy khoản đóng góp 3,16 tỷ USD cho Quỹ khí hậu xanh, nâng lần bổ sung thứ hai lên con số lịch sử là 12,48 tỷ USD. Ngân hàng Thế giới công bố mục tiêu tài trợ khí hậu tăng thêm 45%, cam kết triển khai hơn 40 tỷ USD mỗi năm vào năm 2025. Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) thông báo nhận được bổ sung 200 triệu USD cho Quỹ tín thác bền vững từ các nhà tài trợ. Sáng kiến Công nghiệp xanh mới đã được công bố với sự tham gia của 12 nguyên thủ quốc gia châu Phi nhằm mở rộng quy mô năng lượng sạch ở châu Phi, dựa trên Sáng kiến Đầu tư xanh của UAE từ Hội nghị thượng đỉnh về khí hậu châu Phi vào tháng 9.

137 người đứng đầu các nhà nước và chính phủ đã cam kết với tham vọng mới về chuyển đổi hệ thống thực phẩm trong kế hoạch khí hậu quốc gia của họ theo Tuyên bố về nông nghiệp bền vững. Việc xây dựng hệ thống thực phẩm có khả năng phục hồi và hành động vì khí hậu đã nhận được khoản tài trợ 2,6 tỷ USD. Trong thời điểm mang tính bước ngoặt về khí hậu và sức khỏe, 125 quốc gia đã thông qua Tuyên bố COP28 về khí hậu và sức khỏe, đồng thời cung cấp tài chính 1 tỷ USD cho các giải pháp mới.

Các quốc gia nhiều rừng trên khắp châu Á, châu Phi và Nam Mỹ cũng như các quốc gia đại dương ở Thái Bình Dương giới thiệu các kế hoạch đầu tư mang tính bước ngoặt để thực hiện đồng thời Thỏa thuận Paris và Khung đa dạng sinh học toàn cầu mới, nhấn mạnh các mục tiêu đảm bảo sinh kế và phát triển của cộng đồng địa phương và bản địa với nguồn tài trợ 2,59 tỷ USD từ nhà nước và tư nhân. Tuyên bố Thanh niên toàn cầu với ý kiến đóng góp từ hơn 750.000 thanh niên lần đầu tiên được chuyển giao trong một COP. Các nhà lãnh đạo nhấn mạnh sự cần thiết phải chuyển đổi hệ thống giáo dục và khoản đầu tư 70 triệu USD đã được công bố để xây dựng các trường học có khả năng chống chọi với khí hậu ở các quốc gia dễ bị tổn thương. Hơn 500 thị trưởng, thống đốc và lãnh đạo địa phương khác đã tham gia WCAS huy động được 470 triệu USD cho hành động về khí hậu ở đô thị. Các nhà lãnh đạo tôn giáo thế giới cùng nhau đánh dấu lễ khánh thành Nhà thờ Đức tin đầu tiên vào ngày 2/12. Với 84% dân số thế giới theo một tôn giáo, Nhà thờ Đức tin sẽ tìm cách đoàn kết các tôn giáo, cộng đồng để hỗ trợ hành động vì khí hậu. Hơn 850 doanh nghiệp và tổ chức từ thiện đã tham gia Diễn đàn Kinh doanh và Từ thiện công bố khoản tài trợ mới trị giá 5 tỷ USD để thúc đẩy quá trình chuyển đổi khí hậu ở các nền kinh tế mới nổi.

Trong suốt WCAS, các nhà lãnh đạo đã nhấn mạnh đến nhu cầu làm cho tài chính khí hậu trở nên sẵn có, dễ tiếp cận hơn. Nhiều quốc gia đã kêu gọi đưa ra GST tham vọng hơn để thông báo các hành động ngoài COP28, bao gồm cả việc tăng cường tham vọng chung từ vòng NDC tiếp theo. Ý chí chính trị mạnh mẽ đối với hành động vì khí hậu khi các bên thống nhất tiến hành WCAS định kỳ, đặc biệt là trên đường tới COP30. Và, cho dù COP28 chưa kết thúc, triển vọng về việc đạt được khoản tài trợ 100 tỷ USD trong năm nay cho hoạt động chống biến đổi khí hậu là rất khả quan.

Một lần nữa, lời cảnh báo từ thiên nhiên đã giúp cho nhân loại cảnh tỉnh và sẵn sàng đoàn kết hơn để cứu vãn tương lai của chính mình.

Tử Uyên

Nguồn ANTG: https://antgct.cand.com.vn/chuyen-de/cop28-hanh-dong-vi-tuong-lai-nhan-loai-i716714/