COP28: Tiếng nói chung trong cam kết mạnh mẽ ứng phó biến đổi khí hậu
Ngày 13/12, hội nghị COP28 đưa ra thỏa thuận mới mạnh mẽ hơn nhằm kêu gọi giảm thiểu sử dụng nhiên liệu hóa thạch, sau khi dự thảo ban đầu đối mặt với nhiều chỉ trích.
Đồng thuận ứng phó biến đổi khí hậu
Ngày 13/12, các nước tham dự Hội nghị lần thứ 28 các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc (LHQ) về biến đổi khí hậu (COP28) tại Dubai, Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE), đã thông qua một thỏa thuận về khí hậu, trong đó lần đầu tiên từ trước đến nay kêu gọi thế giới tiến tới từ bỏ nhiên liệu hóa thạch. Đây được xem là bước ngoặt đối với thế giới trong công cuộc cắt giảm khí thải nhà kính gây biến đổi khí hậu.
Theo hãng AP, đề xuất mới trong dự thảo lần này không đi xa đến mức tìm cách "loại bỏ dần" nhiên liệu hóa thạch - điều mà hơn 100 quốc gia đã kêu gọi. Thay vào đó, các bên tham gia đã kêu gọi "chuyển đổi việc sử dụng nhiên liệu hóa thạch trong các hệ thống năng lượng một cách công bằng, có trật tự và bình đẳng, thúc đẩy hành động trong thập kỷ này". Quá trình chuyển đổi sẽ đưa thế giới đạt mức phát thải khí nhà kính bằng 0 vào năm 2050 và tuân theo các yêu cầu của khoa học khí hậu.
Các phiên họp chuyên sâu tại hội nghị COP28 đã diễn ra tốt đẹp trong sáng 13/12 sau khi dự thảo ban đầu của Chủ tịch hội nghị nhận về nhiều chỉ trích vì tránh né những lời kêu gọi hành động quyết liệt nhằm hạn chế hiện tượng nóng lên.
Cụ thể, Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE) đã đề cập đến tài liệu trọng tâm mới, được gọi là kiểm kê toàn cầu. Mục đích của việc kiểm kê toàn cầu là giúp các quốc gia điều chỉnh kế hoạch khí hậu phù hợp với Thỏa thuận Paris năm 2015 nhằm hạn chế sự nóng lên ở mức 1,5 độ C.
Tính cấp thiết cắt giảm lượng khí thải đòi hỏi các nước gạt bỏ lợi ích riêng để tìm tiếng nói chung trong một thỏa thuận về chống biến đổi khí hậu.
Các bên tham gia COP28 đưa ra dự đoán thế giới sẽ đạt đến đỉnh điểm về mức độ ô nhiễm carbon ngày càng tăng vào năm 2025. Bộ trưởng Môi trường Ireland Eamon Ryan nhận định thế giới đang "bùng cháy", chúng ta cần phải hành động ngay bây giờ".
Các phiên họp chuyên sâu đã diễn ra tốt đẹp trong vài giờ nhưng vẫn tồn tại căng thẳng vì tránh né những lời kêu gọi hành động mang tính quyết liệt giải quyết biến đổi khí hậu. Cụ thể, dự thảo cho biết các bên "có thể" thực hiện một số hành động nhất định để giảm lượng khí thải, thay vì nói rằng họ "sẽ" hoặc "phải" thực hiện.
Đề xuất dần loại bỏ việc sử dụng nhiên liệu hóa thạch là một trong những nội dung được đưa vào bản dự thảo đầu tiên của thỏa thuận hành động chống biến đổi khí hậu. Đây là vấn đề mà các đại biểu của khoảng 200 nước nỗ lực đạt đồng thuận tại COP28.
Tuy nhiên, trong bản dự thảo mới mà Chủ tịch COP28 đưa ra, cụm từ nêu trên đã không được đề cập, thay vào đó là cụm từ "giảm thiểu" sản xuất và sử dụng nhiên liệu hóa thạch như dầu khí và than đá, để đạt được mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.
"Vấn đề với văn bản là bao gồm những lỗ hổng lớn cho phép Mỹ và các nước sản xuất nhiên liệu hóa thạch khác tiếp tục mở rộng nhiên liệu hóa thạch. Có một lỗ hổng lớn trong văn bản, cho phép tiếp tục sử dụng nhiên liệu chuyển tiếp", ông Jean Su đến từ Trung tâm Đa dạng sinh học nhận định.
Trong khi đó, ông Mohamed Adow của Power Shift Africa, một tổ chức tư vấn về khí hậu năng lượng vẫn nhấn mạnh đến sự quyết liệt trong cuộc chiến chống lại nhiên liệu hóa thạch.
"Thần đèn sẽ không bao giờ quay trở lại và các COP trong tương lai sẽ chỉ siết chặt hơn nữa năng lượng bẩn", ông Mohamed Adow nói.
Điều chỉnh kế hoạch khí hậu quốc gia
Mục đích của việc kiểm kê toàn cầu là giúp các quốc gia điều chỉnh kế hoạch khí hậu quốc gia phù hợp với thỏa thuận Paris năm 2015 kêu gọi hạn chế sự nóng lên ở mức 1,5 độ C (2,7 độ F). Trái đất đang trên đường phá vỡ kỷ lục năm nóng nhất, gây nguy hiểm cho sức khỏe con người và dẫn đến thời tiết khắc nghiệt và tốn kém hơn bao giờ hết.
"Nhìn chung, tôi nghĩ dự thảo mới này có tính quyết liệt hơn những bản trước đó. Tuy nhiên vẫn không thể huy động được nguồn tài chính cần thiết để đáp ứng các mục tiêu", cố vấn cấp cao về thích ứng của Quỹ Liên hợp quốc Cristina Rumbaitis del Rio cho biết.
Hội nghị thượng đỉnh về khí hậu của Liên hợp quốc lần thứ 28 dự kiến kết thúc vào ngày 12/12 sau gần hai tuần làm việc và phát biểu. Tuy nhiên các nhà đàm phán đã phải kéo dài thời gian hơn so với kế hoạch do các quốc gia vẫn tiếp tục tranh cãi về loại bỏ nhiên liệu hóa thạch.
Bên cạnh đó, các tài liệu khác đề cập đến các vấn đề khó khăn về tiền bạc để giúp các quốc gia nghèo hơn thích ứng với sự nóng lên toàn cầu và thải ra ít carbon hơn, cũng như cách các quốc gia nên thích ứng với khí hậu ấm lên.
Nhiều vấn đề tài chính dự kiến sẽ được giải quyết trong hai năm tới tại các hội nghị về khí hậu sắp tới ở Azerbaijan và Brazil. Chương trình Môi trường Liên Hợp Quốc ước tính rằng các quốc gia đang phát triển cần 194-366 tỷ USD mỗi năm để giúp thích ứng với một thế giới ấm áp hơn và hoang dã hơn.
Dầu, khí đốt và than đá là những nguyên nhân chính gây ra hiện tượng ấm lên và chuyên gia cũng như nhiều đại diện các quốc gia lập luận rằng việc hạn chế mạnh mẽ nhiên liệu hóa thạch là rất quan trọng để hạn chế hiện tượng nóng lên.