COP29 tập trung vào tài chính khí hậu giúp các quốc gia nghèo ứng phó thiên tai

Các cuộc đàm phán về khí hậu của Liên Hợp Quốc tại COP29 sẽ tập trung vấn đề tài chính nhằm giúp đỡ các quốc gia nghèo cắt giảm ô nhiễm carbon.

Các quốc gia nghèo chịu nhiều rủi ro

Theo hãng AP, quá trình ứng phó với nhiệt độ khắc nghiệt, lũ lụt, hạn hán và bão ngày càng trở nên tồi tệ do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu toàn cầu. Nhiều báo cáo và chuyên gia ước tính tổn thất do thiên tai có thể lên tới hàng nghìn tỷ đô la và các quốc gia nghèo sẽ khó có thể đủ tài chính để sẵn sàng chi trả cho vấn đề khí hậu.

Lực lượng cứu hộ lội nước trên đường và tìm đến nhà dân giải cứu người mắc kẹt do lũ lụt ở Bahamas. Ảnh: AP

Lực lượng cứu hộ lội nước trên đường và tìm đến nhà dân giải cứu người mắc kẹt do lũ lụt ở Bahamas. Ảnh: AP

Ngày 11/11, Hội nghị lần thứ 29 Các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về Biến đổi khí hậu (COP29) đã chính thức khai mạc tại thủ đô Baku của Azerbaijan với sự tham dự của hơn 51.000 đại biểu đến từ gần 200 nước trên thế giới.

Trong khuôn khổ COP29, các bên sẽ đàm phán Mục tiêu định lượng tập thể mới (NCQG) — một mục tiêu tài chính khí hậu tham vọng hơn, minh bạch hơn và có thể dự đoán được nhằm hỗ trợ tốt hơn cho các nước đang phát triển trong ứng phó với biến đổi khí hậu.

Một thỏa thuận lên tới 1.000 tỷ USD tài chính khí hậu hàng năm cho các nước đang phát triển cũng nằm trong danh sách ưu tiên hàng đầu của COP29. Thỏa thuận này sẽ thay thế cam kết 100 tỷ USD mỗi năm mà các nước phát triển đã đưa ra vào năm 2009 để hỗ trợ các nước đang phát triển.

Các chuyên gia cho biết nếu không có tài chính khí hậu, thế giới sẽ không thể kiểm soát được tình trạng ấm lên, và hầu hết các quốc gia cũng không thể đạt được mục tiêu cắt giảm ô nhiễm carbon hiện tại hoặc các mục tiêu mới sẽ đệ trình vào năm tới.

Ông Pablo Vieira, người đứng đầu đơn vị hỗ trợ tại NDC Partnership, tổ chức giúp các quốc gia đạt được mục tiêu cắt giảm khí thải, cho biết nếu chúng ta không thể khắc phục vấn đề tài chính thì chắc chắn sẽ không thể giải quyết được vấn đề khí hậu.

Theo ông Vieira và một số chuyên gia khác, nếu không đủ khả năng loại bỏ than, dầu và khí đốt thì các quốc gia không thể cắt giảm ô nhiễm carbon. Các quốc gia nghèo bày tỏ nhiều lo lắng vì họ được yêu cầu phải làm nhiều hơn nữa để ứng phó với biến đổi khí hậu trong khi không đủ khả năng chi trả.

Theo Liên Hợp Quốc, ước tính khoảng 77% khí phát thải giữ nhiệt trong khí quyển đến từ các quốc gia giàu có trong nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) dù nhiều quốc gia trong số đó hiện đang nỗ lực cắt giảm ô nhiễm.

"Các quốc gia phát triển ngày càng giàu có hơn nhưng lại là tác nhân gây ra ô nhiễm Trái đất nghiêm trọng", ông Ani Dasgupta, Chủ tịch Viện Tài nguyên Thế giới cho biết.

Chukwumerije Okereke, Giám đốc Trung tâm Biến đổi Khí hậu và Phát triển tại Nigeria nhận định nếu cộng đồng toàn cầu không đạt được mục tiêu tài chính thì điều này thực sự giống như việc ký "bản án tử hình" cho nhiều nước đang phát triển.

Tài chính khí hậu

Ông Michael Wilkins, Giáo sư trường Imperial College tại Vương quốc Anh nhận định kể từ năm 2022, chi phí cho khí hậu đã lên tới 1,5 nghìn tỷ đô la. Nhưng ông cho biết chỉ có 3% trong số đó hỗ trợ các quốc gia kém phát triển nhất.

Mark Munyua, kỹ thuật viên của CP solar, đang kiểm tra các tấm pin mặt trời trên mái nhà của một công ty ở Nairobi, Kenya vào năm 2023. (Ảnh: AP/Brian Inganga, File)

Mark Munyua, kỹ thuật viên của CP solar, đang kiểm tra các tấm pin mặt trời trên mái nhà của một công ty ở Nairobi, Kenya vào năm 2023. (Ảnh: AP/Brian Inganga, File)

Sunita Narain, Tổng giám đốc Trung tâm Khoa học và Môi trường có trụ sở tại New Delhi cũng nhấn mạnh các nước Nam bán cầu đã liên tục thất vọng vì những lời cam kết và lời hứa hỗ trợ tài chính không thể thực hiện.

Nhà khoa học khí hậu người Bahamas Adelle Thomas khẳng định tài chính thực sự là yếu tố chính thúc đẩy hành động ứng phó với khí hậu. Nếu không có nguồn tài chính đó, các nước đang phát triển nói riêng sẽ không thể làm được gì nhiều.

Chuyên gia Thomas cho biết đây là vấn đề liên quan đến cả lợi ích cá nhân và công lý. Việc giúp các quốc gia nghèo giảm phát thải carbon không phải là việc làm từ thiện vì các quốc gia giàu cũng sẽ được hưởng lợi khi tất cả các quốc gia cắt giảm khí thải. Xét cho cùng, một thế giới ấm lên sẽ gây tổn hại cho tất cả mọi người.

Bồi thường thiệt hại do khí hậu và giúp các quốc gia chuẩn bị cho tác hại trong tương lai là vấn đề công lý. Mặc dù họ không tạo ra vấn đề, nhưng các quốc gia nghèo — đặc biệt là các quốc đảo nhỏ — đặc biệt dễ bị tổn thương trước mực nước biển dâng cao và thời tiết khắc nghiệt. Bà Thomas cũng đề cập đến cơn bão Dorian năm 2019 đã đánh sập nhiều ngôi nhà và hậu quả thật khủng khiếp.

Một báo cáo của ủy ban tài chính khí hậu của Liên hợp quốc đã xem xét nhu cầu hỗ trợ tài chính từ 98 quốc gia và ước tính rằng chi phí dao động từ 455 tỷ đô la đến 584 tỷ đô la mỗi năm.

Số tiền này không chỉ là viện trợ trực tiếp của chính phủ từ quốc gia này sang quốc gia khác mà còn là nguồn tài trợ đến từ các ngân hàng tài chính phát triển đa quốc gia như Ngân hàng Thế giới. Ngoài ra, đầu tư tư nhân cũng được coi là một khoản lớn.

COP29 sẽ là sự kiện cuối cùng trước thời hạn tháng 2/2025 để cập nhật các Đóng góp do quốc gia tự xác định (NDC), từ đó tạo động lực cho các cam kết khí hậu quốc gia tham vọng hơn./.

Hồng Nhung

Nguồn Tổ Quốc: https://toquoc.vn/cop29-tap-trung-vao-tai-chinh-khi-hau-giup-cac-quoc-gia-ngheo-ung-pho-thien-tai-20241112101639923.htm