Cốt cách có từ nếp nhà

Đến hôm nay, khi những ngày Quốc tang trầm mặc đã đi qua, nhịp sống thường nhật đã trở lại, nhưng hình ảnh dung dị cùng lời cảm tạ khiêm nhường của con trai vị Tổng Bí thư đáng kính vẫn cứ làm xao động trái tim người Hà Nội và người dân cả nước.

Đến hôm nay, khi những ngày Quốc tang trầm mặc đã đi qua, nhịp sống thường nhật đã trở lại, nhưng hình ảnh dung dị cùng lời cảm tạ khiêm nhường của con trai vị Tổng Bí thư đáng kính vẫn cứ làm xao động trái tim người Hà Nội và người dân cả nước. Bởi hiển hiện ở đó là cốt cách người Hà Nội, là nếp nhà Hà Nội trang nghiêm, bình dị, rất đáng trân trọng.

Không ai có thể nghĩ, lời cảm tạ của gia đình trong lễ tang của người đứng đầu đất nước lại bình dị đến thế “Bố chúng cháu không còn nữa, mang đến nỗi đau sâu sắc đối với gia đình, nhất là mẹ cháu…”. Bình dị, khiêm tốn thế mà những cụm từ “bố chúng cháu”, “gia đình”, “mẹ cháu”… cứ văng vẳng trong tâm khảm mỗi người chứng kiến. Nó tựa như những hồi chuông nhắc nhớ tình cảm gia đình, nếp nhà, gia phong gia đạo - những điều đang chênh vênh trong xã hội đương đại hiện đại, trong cơn lốc đô thị hóa và hội nhập văn hóa như vũ bão.

Thì đúng, ông là người đứng trên vạn người, nhưng mãi mãi vẫn là một người chồng, một người cha đáng kính, rèn giũa, dạy dỗ con cái từ thuở chập chững bước đi đầu tiên trong đời.

Phụ huynh cùng trẻ thi cắm cờ định vị các hòn đảo của Việt Nam trên bản đồ tại Bảo tàng Dân tộc học. Ảnh: Phạm Hùng

Phụ huynh cùng trẻ thi cắm cờ định vị các hòn đảo của Việt Nam trên bản đồ tại Bảo tàng Dân tộc học. Ảnh: Phạm Hùng

Đúng là cốt cách bắt nguồn từ mỗi nếp nhà, văn hóa bắt nguồn từ mỗi gia đình… Nếu không được sống và lớn lên trong mái nhà tràn ngập tình yêu thương, trong nếp nhà kính trên nhường dưới, gia phong bền vững, gia đạo ấm êm, thì làm sao những đứa con biết tự nguyện gạt bỏ xa hoa để sống một cuộc đời được xây bằng chính đôi bàn tay của mình, biết nói những lời dung dị khiêm nhường, biết ngồi xuống gạt những cánh cúc vàng vào ngôi mộ của cha…

Đúng là hành động nhỏ mà chở theo biết bao ý nghĩa nhân sinh, như thay lời muốn nói về việc giáo dục trong gia đình, về văn hóa sống và nếp nhà người Hà Nội. Chợt tự hỏi, Hà Nội còn nhiều không những nếp nhà bình dị và đáng trân trọng như thế?

Hà Nội những ngày cuối Hạ, mưa lắc rắc trên các nẻo phố khiến bản tính hoài cổ của người Hà Thành như được đánh thức. Ông giáo già là tôi vẫn nhớ như in những tháng ngày lớn lên ở con phố Đình Ngang đầy kỷ niệm.

Ở đó, trong ngôi nhà 3 thế hệ, tôi được ông nội, được cha mẹ rèn dạy không chỉ là cách viết chữ, đọc sách, mà nhiều hơn là lời ăn tiếng nói, chuyện đi thưa về gửi, kính trên nhường dưới; là cách sống bình dị, không khoe khoang; cả cách “ăn trông nồi, ngồi trông hướng”, là “đói cho sạch, rách cho thơm”… Nết ăn, nết ở dần hình thành như một thói quen, rồi ăn sâu vào trong tâm khảm mỗi người, tạo thành nếp sống, thành cốt cách không thể mờ phai dù cho thời gian có phủ màu rêu phong lên năm tháng.

Thế hệ con cháu của tôi giờ mỗi đứa một gia đình nhỏ, có đứa du học châu Âu, chúng mặc những bộ trang phục thời hiện đại, nói tiếng Anh như ngôn ngữ thứ 2. Mỗi dịp lễ, Tết hay gia đình hội ngộ đông đủ, tôi vẫn hay âm thầm nhìn ngắm cách chúng nói năng, giao tiếp, ứng xử. Giữa lối sống công nghiệp hôm nay, chúng vẫn đi thưa về gửi như bố mẹ chúng, vẫn ý tứ chọn chỗ “đúng vai vế” khi ngồi vào mâm, vẫn “bé nhỏ” khi nói về những gì chúng làm được ngoài xã hội… Thực may mắn vô cùng khi những mai một văn hóa ngoài kia không “đánh cắp” chúng khỏi nếp nhà mà cha ông tôi bao đời đã gìn giữ.

Thế mới hiểu, cốt cách bắt nguồn từ gia đình, nó sẽ không mất đi nếu các thế hệ đi trước nâng niu và hướng con cháu theo nếp gia phong vốn là truyền thống, là niềm tự hào của gia đình.

Chợt nhớ, PGS.TS Đỗ Thị Hảo - nguyên Chủ tịch Hội Văn nghệ dân gian Hà Nội, có lần nhận định, văn minh, thanh lịch Hà Nội không phải là cái gì đó quá cao siêu mà không ai thực hiện được, ngược lại nó rất đời thường, đó chính là thói đất nết người, cách ăn ở ứng xử thường ngày. Lớp trẻ hôm nay rất cần được trao truyền những giá trị văn hóa đạo đức mà cha ông ta để lại từ ngàn xưa, đồng thời phải biết kế thừa và phát huy những giá trị văn hóa mới để Hà Nội văn minh thanh lịch, cổ kính nhưng không cổ hủ, văn minh hiện đại nhưng không lai căng và làm lu mờ bản sắc.

Không thể phủ nhận, dưới tác động của nhịp sống hiện đại, sự hội nhập, những giá trị văn hóa người Hà Nội được vun đắp qua bao thế hệ đang dần phai nhạt.

Yếu tố cốt lõi làm nên “chất” Hà Nội là lối sống tao nhã, cung cách ứng xử thanh lịch đang “mờ đi” trong cơn lốc mở cửa và hội nhập, làm mất đi sức hấp dẫn riêng có của Thăng Long - Hà Nội trong vai trò là một “điểm đến” thân thiện, mến khách. TP Hà Nội đã và đang kiên trì trong cuộc vận động xây dựng nếp sống người Hà Nội văn minh, thanh lịch, đưa Bộ Quy tắc ứng xử công cộng vào đời sống, đưa giáo dục nếp sống vào trường học…

Tuy nhiên, để giữ được những nếp nhà, nết người xưa trong bối cảnh nay là cả một sự kỳ công, dù văn minh thanh lịch là những điều “rất đời thường”.

Trong rất nhiều cuộc bàn tròn về văn hóa Hà Nội thời nay, nếp nhà Hà Nội được nhắc đến như nền tảng làm nên cốt cách người Hà Nội - nhân tố trọng yếu để duy trì văn hóa Hà Nội, con người Hà Nội thanh lịch, văn minh.

Thế nên, các chuyên gia cho rằng, để những giá trị văn hiến của đất kinh kỳ, cốt cách, khí phách, sự lịch lãm của người Hà Nội tiếp tục được duy trì, biến thành hành động thường nhật, thì mỗi người dân Hà Nội hãy luôn ý thức sâu sắc về niềm vinh dự và trách nhiệm khi được làm “công dân Thủ đô”; hãy luôn đề cao giáo dục từ trong gia đình, duy trì những nếp nhà với gia phong, gia đạo bền vững, để nuôi lớn những “người Hà Nội” sẵn có cốt cách hào hoa tự trong trái tim.

Vậy là, nếp nhà Hà Nội với những nét đặc trưng đã phần nào phản chiếu chiều sâu văn hóa, lịch sử của Thủ đô; là nhân tố không thể thiếu để tạo dựng cốt cách riêng của người Hà Nội.

Trải qua thời gian, những nếp nhà xưa vẫn còn hiện hữu trong ký ức một thời, trong những câu chuyện kể và đặc biệt vẫn được tiếp nối qua nhiều thế hệ gia đình Hà Nội. Dẫu vậy, sự phát triển của đời sống xã hội hiện đại kéo theo không ít đổi thay trong lối sống của người Hà Nội đương đại.

Bởi thế, gìn giữ nếp nhà xưa sao cho hài hòa với nhịp sống mới là điều không thể không làm khi nơi đó là khởi nguồn của những cốt cách người Hà Nội tỏa sáng. Đây chính là gốc rễ để xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh, góp phần xây dựng văn hóa Hà Nội tinh hoa và bền vững.

Nếu gia đình là một bụi cây nhỏ, gia tộc là cả một khóm rừng, khóm rừng che chở cho bụi cây, nhưng bụi cây dù nhỏ cũng góp phần vào để làm cho khóm rừng thêm rậm rạp. Muốn biết khóm rừng phải đi từ bụi cây, muốn hiểu xã hội phải đi từ gia đình.

Trích “Nếp cũ - Con người Việt Nam”, nhà văn Toan Ánh

Nhật Minh

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/cot-cach-co-tu-nep-nha.html