Cột mốc kém vui của Mỹ
Nợ công của chính phủ liên bang Mỹ vừa vượt qua cột mốc cao kỷ lục 34.000 tỉ USD, theo báo cáo mới của Bộ Tài chính hôm 2-1.
Vấn đề nợ công tăng cao là nguồn gây chia rẽ chính trường Mỹ thời gian qua. Hồi tháng 6-2023, các nghị sĩ Đảng Cộng hòa và Nhà Trắng nhất trí tạm thời nâng trần nợ công, qua đó tránh được nguy cơ vỡ nợ. Thỏa thuận này sẽ có hiệu lực đến tháng 1-2025.
Theo Reuters, căng thẳng dự kiến gia tăng khi các thành viên quốc hội chuẩn bị tranh luận về vấn đề cấp ngân sách cho chính phủ thời gian tới. Nếu dự luật ngân sách cho tài khóa 2024 không được thông qua, các cơ quan chính phủ Mỹ sẽ bị đóng cửa.
Dù vậy, trong bối cảnh cuộc bầu cử tổng thống đang đến gần, không dễ để các bên đối đầu đi đến thỏa hiệp về vấn đề chi tiêu.
Cả hai đảng Cộng hòa và Dân chủ đều kêu gọi giảm thâm hụt ngân sách nhưng bất đồng về cách thức thực hiện phù hợp. Chẳng hạn như một trong những biện pháp của chính quyền Tổng thống Joe Biden là thúc đẩy tăng thuế đối với người giàu và doanh nghiệp lớn.
Phát ngôn viên Nhà Trắng Michael Kikukawa nhấn mạnh Tổng thống Biden có kế hoạch giảm thâm hụt ngân sách 2.500 tỉ USD trong vòng 10 năm bằng động thái nói trên, bên cạnh một số biện pháp khác.
Trong khi đó, các nghị sĩ Đảng Cộng hòa kêu gọi giảm mạnh ngân sách dành cho các chương trình phi quân sự của chính phủ hoặc bỏ biện pháp cắt giảm thuế năng lượng sạch…
Theo AP, nợ công dường như chưa tác động nhiều đến kinh tế Mỹ lúc này vì các nhà đầu tư vẫn sẵn sàng cho chính phủ liên bang vay tiền. Việc vay nợ này sẽ giúp chính phủ Mỹ tiếp tục chi tiêu cho nhiều chương trình mà không cần phải tăng thuế.
Dù vậy, đường đi của nợ công trong vài thập kỷ tới có thể đe dọa an ninh quốc gia và nhiều chương trình lớn của chính phủ, như chính sách an sinh xã hội và chương trình bảo hiểm y tế quốc gia Medicare.
Ông Michael Peterson, Giám đốc điều hành Quỹ Peterson (Mỹ), cho biết con số này sắp tới sẽ tiếp tục tăng mạnh vì Bộ Tài chính Mỹ đến cuối tháng 3 dự kiến vay thêm gần 1.000 tỉ USD.
Ông Sung Won Sohn, chuyên gia của ĐH Loyola Marymount, nhận định nợ gia tăng có thể gây áp lực khiến lạm phát tăng và lãi suất duy trì ở mức cao. Điều này cũng có thể làm tăng chi phí trả nợ của chính phủ.
Trong bối cảnh đó, "cuộc chiến" nâng trần nợ công có thể là một rủi ro tài chính nếu giới đầu tư lo ngại về ý định trả nợ của các nghị sĩ Mỹ.
Theo phân tích của Quỹ Peterson, tỉ lệ nắm giữ trái phiếu kho bạc Mỹ của nước ngoài đạt đỉnh 49% trong năm 2011 nhưng đã giảm xuống còn 30% vào cuối năm 2022.
Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/cot-moc-kem-vui-cua-my-196240103213022306.htm