Covid-19 ảnh hưởng tới du lịch Thái-lan có thể kéo dài tới ba năm

Ngày 18-11, tại một diễn đàn do Quỹ Xúc tiến Việc làm và Lao động (Homenet) Thái-lan tổ chức, các học giả và doanh nhân trong ngành du lịch Thái-lan đã bày tỏ lo ngại, tác động của đại dịch Covid-19 tới ngành du lịch nước này có thể kéo dài và kêu gọi chính phủ đẩy nhanh hỗ trợ cho những doanh nghiệp du lịch bị ảnh hưởng nặng nề bởi Covid-19.

Ngày 18-11, tại một diễn đàn do Quỹ Xúc tiến Việc làm và Lao động (Homenet) Thái-lan tổ chức, các học giả và doanh nhân trong ngành du lịch Thái-lan đã bày tỏ lo ngại, tác động của đại dịch Covid-19 tới ngành du lịch nước này có thể kéo dài và kêu gọi chính phủ đẩy nhanh hỗ trợ cho những doanh nghiệp du lịch bị ảnh hưởng nặng nề bởi Covid-19.

Tờ Bưu điện Bangkok dẫn phát biểu của bà Kiriya Kulkolkran, giảng viên Khoa Kinh tế Trường ĐH Thamasat tại diễn đàn cho biết, lượng du khách nước ngoài đến nước này đã giảm tới 80%, từ 40 triệu xuống chỉ còn 8 triệu. Bà cũng dự báo tác động của đại dịch tới ngành du lịch Thái-lan còn có thể kéo dài tới hơn ba năm nữa. Bất chấp các doanh nghiệp du lịch đã mở cửa trở lại vào tháng 9 vừa qua và tình hình chung đang dần cải thiện, doanh thu của họ vẫn chưa hồi phục trở lại mức độ bình thường. Hiện mới chỉ có 4% số doanh nghiệp nói rằng đã đạt mức doanh thu bằng hoặc cao hơn so với thời gian trước khi đại dịch Covid-19 xảy ra.

Bà Kiriya nói thêm rằng, có thể sẽ mất rất nhiều thời gian để ngành du lịch khôi phục trở lại và đề nghị chính phủ nên đưa ra những gói hỗ trợ riêng cho những doanh nghiệp bị ảnh hưởng, đặc biệt là các doanh nghiệp khách sạn ở Phuket, với lượng khách chủ yếu là người nước ngoài.

Học giả này cho rằng những lao động làm trong chuỗi cung ứng, đặc biệt là những người mới tốt nghiệp và vừa đi làm, sẽ cảm nhận được rõ ràng hơn tác động của đại dịch. Kết quả một cuộc khảo sát đối với các lao động trong ngành du lịch cho thấy, có tới hơn một nửa số người được hỏi tỏ ra rất lo ngại về vấn đề nợ nần.

Ông Bovorn Subsing, một học giả đến từ Viện nghiên cứu Xã hội, Trường ĐH Chulalongkorn, cũng chỉ rõ tác động của đại dịch tới các lao động không chính thức trong ngành du lịch và cho biết thu nhập của những lao động này đã sụt giảm tới 60%, trong khi chi phí sinh hoạt vẫn duy trì ở mức bằng hoặc cao hơn thời trước đại dịch. Ông cho biết thêm, hầu như tất cả những lao động này đều đang phải gánh những khoản nợ nần.

Tại diễn đàn, Chủ tịch Homenet Thái-lan Manop Kaewphaka đã thúc giục chính phủ cung cấp hỗ trợ tài chính và cho phép khách du lịch nước ngoài nhập cảnh vào Thái-lan. Ông kêu gọi chính phủ đưa ra những biện pháp trợ giúp những lao động không chính thức như bảo đảm tiền lương tối thiểu và chi trả một phần lương cho họ, tương tự như một chương trình dành cho sinh viên mới tốt nghiệp.

Đề xuất này cũng được bà Anchisa Sirinanthasak, một nhân viên khách sạn ở Phuket tới tham dự diễn đàn, ủng hộ. Bà cho rằng, dự án đồng chi trả này sẽ giúp ngăn chặn nạn thất nghiệp trong ngành du lịch. Bà cho biết phần lớn các doanh nghiệp khách sạn chỉ chi trả cho nhân viên từ 62 đến 75% mức lương thông thường, hoặc từ 8.000 – 9.000 bạt mỗi người. Số tiền này không đủ để bù đắp chi tiêu trong cuộc sống.

Giám đốc Cục Chính sách Kinh tế cơ cấp của Ngân hàng Thái-lan cho biết, Chính phủ nước này đã mở những cơ sở hỗ trợ để trợ giúp những người gặp khó khăn về tài chính do đại dịch, cung cấp cho họ những khoản vay ưu đãi để đáp ứng nhu cầu chi tiêu trong giai đoạn khó khăn này.

THẢO NGUYÊN

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.com.vn/tin-tuc-the-gioi/covid-19-anh-huong-toi-du-lich-thai-lan-co-the-keo-dai-toi-ba-nam-624887/