Covid-19: Khả năng lây nhiễm kinh khủng Delta; Vaccine nào có thể khống chế biến thể này?

Chúng ta đã biết được những gì kể từ khi Delta trở thành một biến thể đáng lo ngại? Biện pháp chống dịch Covid-19 nào được cho là hiệu quả trong việc đối phó với biến thể 'khó chơi' này?

Thế giới đang theo dõi kỹ các biến thể mới của virus SARS-CoV-2 gây bệnh Covid-19. (Nguồn: PAHO)

Thế giới đang theo dõi kỹ các biến thể mới của virus SARS-CoV-2 gây bệnh Covid-19. (Nguồn: PAHO)

Delta là một biến thể của virus SARS-CoV-2 được phát hiện lần đầu tiên tại Ấn Độ vào cuối năm 2020. Tuy xuất hiện sau nhưng biến thể này đã nhanh chóng thống trị “bảng xếp hạng” lây nhiễm ở nhiều quốc gia trên thế giới.

Từ tháng 5/2021 đến nay, Delta được công nhận là một biến thể đáng lo ngại và khó kiểm soát ở nhiều nước. Biến thể này gây ra làn sóng nhập viện và tử vong ở các đợt bùng phát dịch mới ở những người chưa được tiêm chủng.

Bên cạnh đó, Delta có khả năng lây truyền cao hơn các biến thể SARS-CoV-2 trước đó. Chủng virus này cũng có thể gây nên hiện tượng “lây nhiễm đột phá” ở những người đã tiêm chủng.

Vậy, chúng ta đã học được những gì kể từ khi Delta trở thành một biến thể đáng lo ngại? Biện pháp nào được cho là hiệu quả trong việc đối phó với biến thể "khó chơi" này?

Biến thể Delta lây lan như thế nào?

Để theo dõi một căn bệnh truyền nhiễm lây lan như thế nào, các nhà dịch tễ học sử dụng một phép đo lường gọi là hệ số lây nhiễm cơ bản, hay R0. R0 là số ca lây nhiễm trung bình mà một trường hợp có thể gây ra trong suốt thời kỳ trong dân số chưa có miễn dịch.

Trong đại dịch cúm năm 1918, trung bình 1 người có thể lây nhiễm cho từ 2 - 3 người khác, có nghĩa là hệ số R0 vào khoảng từ 2 - 3. Virus SARS đầu tiên năm 2002 có hệ số lây nhiễm cơ bản là 3 trong khi dịch MERS năm 2012 có R0 là từ 0,69 - 1,3.

Hiện nay, những người nhiễm biến thể Delta có thể lây cho trung bình từ 5 – 9,5 người. Con số này cao hơn so với chủng virus ban đầu tại Vũ Hán, có R0 từ 2,3 - 2,7, trong khi biến thể Alpha có R0 từ 4 - 5. Delta có R0 từ 5-8, có nghĩa là trung bình một người bị nhiễm sẽ lây bệnh sang năm đến tám người khác.

So với R0 của SARS-CoV-2 ban đầu lưu hành vào năm 2020 là 1,5-3, biến thể Delta có khả năng lây lan gấp từ 2,17 đến 3,5 lần.

Điều gì xảy ra khi tiếp xúc với người mắc biến thể Delta?

Chủng ban đầu của virus SARS-CoV-2 lây truyền qua các giọt bắn khi tiếp xúc gần với người bệnh khi họ tiết ra do hít thở, ho hoặc hắt hơi. Trong một số trường hợp, có thể lây truyền khi một người chạm tay vào một vật bị nhiễm virus, sau đó đưa tay chạm vào mặt, đặc biệt là mắt, mũi, miệng và đưa trực tiếp virus vào cơ thể.

Các thụ thể trong mũi và miệng cho phép virus dễ dàng xâm nhập vào các tế bào của cơ thể. Khi virus vào bên trong cơ thể, nó bắt đầu nhân lên với tốc độ lớn.

Khoảng thời gian từ khi virus tiếp xúc với cơ thể cho đến khi có triệu chứng bệnh hoặc được xét nghiệm PCR khẳng định dương tính gọi là thời kỳ ủ bệnh. Một nghiên cứu cho thấy, Delta có thời gian ủ bệnh trung bình là 4 ngày (thường trong phạm vi từ ba đến năm ngày), nhanh hơn hai ngày so với chủng ban đầu, khoảng sáu ngày (thường trong phạm vi từ 5-8 ngày).

Các biến chứng có thể xảy ra

Giống như chủng ban đầu, biến thể Delta có thể ảnh hưởng đến nhiều cơ quan như phổi, tim và thận. Cùng với các biến chứng như hình thành cục máu đông, nặng nhất có thể dẫn đến đột quỵ hoặc nhồi máu cơ tim.

Khoảng 10-30% bệnh nhân Covid-19 bị bệnh kéo dài, có thể trong nhiều tháng, gây suy giảm sức khỏe, kể cả ở người bệnh khỏe mạnh trước đó. Các triệu chứng kéo dài hơn như mệt mỏi, khó thở, đau ngực, tim đập nhanh, nhức đầu, sương mù não, đau cơ, rối loạn giấc ngủ, trầm cảm, mất khứu giác và vị giác có thể xuất hiện.

Biến thể Delta có gây chết người cao hơn chủng khác không?

Bằng chứng cho thấy biến thể Delta khiến người bệnh nặng hơn so với loại virus ban đầu. Các nghiên cứu sơ bộ từ Canada và Singapore cho thấy, những người bị nhiễm Delta có nhiều khả năng phải nhập viện và có nguy cơ tử vong cao hơn.

Trong nghiên cứu ở Canada, chủng Delta làm 6,1% bệnh nhân nhập viện ( bệnh nặng) và 1,6% phải vào ICU (phòng chăm sóc đặc biệt), trong khi các biến thể khác chỉ khiến 5,4% bệnh nhân nhập viện (bệnh nặng) và 1,2% vào chăm sóc đặc biệt.

Trong nghiên cứu ở Singapore, những bệnh nhân mắc chủng Delta có 49% nguy cơ mắc bệnh viêm phổi và 28% nguy cơ cần thêm oxy. So sánh với chủng ban đầu, có 38% nguy cơ phát triển bệnh viêm phổi và 11% nguy cơ cần oxy.

Tương tự, một nghiên cứu được công bố từ Scotland cho thấy Delta làm tăng gấp đôi nguy cơ nhập viện (bệnh nặng) so với biến thể Alpha.

Các loại vaccine chống lại Delta

Cho đến nay, dữ liệu cho thấy tiêm đầy đủ liệu trình vaccine Pfizer, AstraZeneca hoặc Moderna làm giảm hơn 85% nguy cơ mắc bệnh nặng (cần nhập viện) khi bị nhiễm virus.

Mặc dù khả năng bảo vệ của vaccine đối với chủng Delta thấp hơn đối với các chủng ban đầu, tuy nhiên các nghiên cứu đều cho thấy sau hai liều tiêm, vaccine có hiệu quả tốt hơn.

Có thể bị mắc Covid-19 (chủng Delta) sau khi được tiêm chủng?

Đúng. Một người đã được chủng ngừa cũng có thể bị lây nhiễm và có kết quả xét nghiệm dương tính với SARS-Cov-2, bất kể họ có các triệu chứng hay không. Thường các trường hợp này xuất hiện phổ biến ở chủng Delta hơn các chủng ban đầu. Hầu hết người nhiễm có triệu chứng nhẹ và không kéo dài.

Người bệnh cũng có thể mắc Covid-19 hai lần nhưng rất hiếm gặp.

Tỉ lệ tử vong do Covid-19 là bao nhiêu?

Tại Australia, trong suốt thời gian xảy ra đại dịch, 1,4% số người nhiễm Covid-19 đã tử vong, so với 1,6% ở Mỹ và 1,8% ở Anh.

Biến thể Delta là một thách thức đối với việc kiểm soát dịch bệnh trên quy mô toàn cầu, nhưng việc tiêm chủng đầy đủ sẽ làm giảm nguy cơ mắc bệnh nặng, nhập viện và tử vong do Covid-19.

Không những thế, theo các chuyên gia dịch tễ, lá chắn phòng thủ đầu tiên và tốt nhất chống lại SARS-CoV-2 là ngăn chặn lây nhiễm ngay từ đầu. Các biện pháp y tế công cộng như đeo khẩu trang và giãn cách xã hội vẫn là chìa khóa để ngăn ngừa lây nhiễm và chấm dứt đại dịch Covid-19.

(theo ABC News)

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/covid-19-kha-nang-lay-nhiem-kinh-khung-delta-vaccine-nao-co-the-khong-che-bien-the-nay-161360.html