COVID-19: Khu vực xây dựng, dịch vụ-du lịch ảnh hưởng nặng nề nhất
Các doanh nghiệp khu vực dịch vụ và nông, lâm nghiệp, thủy sản chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch COVID-19 với 17% phải giải thể, trong khi khu vực công nghiệp và xây dựng lần lượt là 10% và 13%.
Theo một khảo sát mới đây do Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV) thuộc Hội đồng Tư vấn cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ thực hiện về tình hình “sức khỏe” tài chính của trên 21.500 doanh nghiệp cho thấy, có tới 69% phải tạm ngừng hoạt động sản xuất, kinh doanh do dịch COVID-19.
Số doanh nghiệp cố gắng duy trì sản xuất, kinh doanh mặc dù không thể hoạt động toàn công suất chiếm 16%. Mong mỏi được hỗ trợ vay vốn ưu đãi, tiêm chủng vaccine phòng COVID-19 cho người lao động, tạo điều kiện di chuyển, lưu thông hàng hóa… đã được nhiều doanh nghiệp nêu ra.
Hàng loạt nghị quyết nhằm tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện cho sản xuất, kinh doanh đã được Chính phủ ban hành kể từ năm 2020 đến nay, như Nghị quyết 84, Nghị quyết 86, Nghị quyết 68 và mới đây nhất là Nghị quyết 105 về hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh trong bối cảnh dịch COVID-19. Có thể nói hệ thống chính sách đã đủ, vấn đề còn lại là thực hiện sao cho nhanh, đúng và trúng.
Trong tổng số hơn 21.500 doanh nghiệp tham gia khảo sát đến từ tất cả các tỉnh, thành phố trong cả nước, có 50% từ Thành phố Hồ Chí Minh, 26% từ Hà Nội, Bình Dương chiếm gần 4%, Đồng Nai hơn 2% và Đà Nẵng gần 2%.
Phần lớn trong số này là doanh nghiệp siêu nhỏ, hộ kinh doanh dưới 10 lao động, chiếm tới 41%; doanh nghiệp nhỏ có số lao động từ 11 đến 50 chiếm gần 38%. Số doanh nghiệp có lao động từ 51 đến 200 người chiếm khoảng 15%. Doanh nghiệp có từ 201 đến 1.000 lao động chiếm 5% và doanh nghiệp có số lao động trên 1.000 người chiếm 1%.
Doanh nghiệp siêu nhỏ, hộ kinh doanh có doanh thu dưới 3 tỷ đồng chiếm gần 39%, doanh thu từ 3 đến 50 tỷ đồng chiếm gần 42%, từ 50 đến 200 tỷ đồng chiếm gần 12%, từ 200 đến 1.000 tỷ đồng chiếm khoảng 5%, và doanh nghiệp có quy mô doanh thu trên 1.000 tỷ đồng chiếm hơn 2%.
Có tới 95% đối tượng tham gia khảo sát là các hộ kinh doanh, doanh nghiệp tư nhân, công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần của Việt Nam - loại hình đại diện chính cho khu vực kinh tế tư nhân của nước ta.
Số doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI hoặc liên doanh vốn với FDI) chiếm lần lượt là gần 1% và 3,3%. Đối tượng trả lời khảo sát hầu hết nắm giữ vị trí chủ chốt trong doanh nghiệp, hộ kinh doanh.
Thông tin về tình trạng hoạt động của doanh nghiệp tham gia khảo sát kể từ khi làn sóng dịch thứ 4 bùng phát, Ban IV cho biết, số doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động sản xuất, kinh doanh do dịch chiếm tỷ lệ cao nhất: 69% (tương đương với 14.890 doanh nghiệp).
Số doanh nghiệp cố gắng duy trì hoạt động sản xuất, kinh doanh mặc dù không thể hoạt động toàn công suất chiếm 16% (tương đương với 3.355 doanh nghiệp). Số doanh nghiệp giải thể, ngừng hoạt động kinh doanh chờ giải thể là 15% (tương đương với 3.272 doanh nghiệp).
Theo số liệu công bố của Cục Đăng ký doanh nghiệp, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, số doanh nghiệp đã giải thể trong 8 tháng qua là 12.196 doanh nghiệp, và số doanh nghiệp chờ làm thủ tục giải thể là 30.147 doanh nghiệp.
Vấn đề này cũng tương đồng với văn bản do 14 hiệp hội ngành hàng chủ lực của Việt Nam (như dệt may, da giầy, sữa, thủy sản, gỗ, giấy, nhựa, điện tử…) gửi Thủ tướng Chính phủ mới đây, khi cho biết, việc giãn cách xã hội, phong tỏa diện rộng và kéo dài tại Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh và nhiều tỉnh, thành phía Nam khiến doanh nghiệp gặp rất nhiều khó khăn.
So với cùng kỳ năm trước, chỉ số sản xuất ngành công nghiệp (IIP) của Thành phố Hồ Chí Minh tháng 8/2021 giảm 49,2%, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng giảm 59,4%. Khoảng 18% doanh nghiệp châu Âu (EU) đã chuyển đơn hàng ra khỏi Việt Nam.
Nhiều doanh nghiệp đứng trước nguy cơ phá sản, người lao động mất việc làm, nông-ngư dân không tiêu thụ được sản phẩm. Nhiều lao động không có thu nhập và tiền dự trữ.
Kết quả khảo sát cho thấy tình trạng hoạt động của các doanh nghiệp ở 5 tỉnh, thành phố có sự khác biệt đáng kể. Tỷ lệ doanh nghiệp duy trì hoạt động sản xuất, kinh doanh (dù dưới công suất) là 11,6% ở Thành phố Hồ Chí Minh, tiếp đến là Đà Nẵng 9%.
Tỷ lệ doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động sản xuất, kinh doanh do dịch ở Thành phố Hồ Chí Minh, Bình Dương và Đồng Nai cao hơn mức trung bình chung và đều trên 71%. Đây cũng là những tỉnh, thành phố có số ca mắc COVID-19 rất cao hiện nay và thực hiện việc giãn cách, cách ly kéo dài.
Xét theo quy mô lao động, số doanh nghiệp giải thể, ngừng hoạt động chờ giải thể tập trung cao ở doanh nghiệp có quy mô siêu nhỏ (chiếm 18,6% trong số các doanh nghiệp siêu nhỏ tham gia khảo sát, ở các quy mô còn lại, tỷ lệ này dao động quanh mức 12%).
Số doanh nghiệp duy trì được một phần hoạt động kinh doanh so với doanh nghiệp cùng quy mô tập trung nhiều ở các doanh nghiệp có quy mô lớn.
So với doanh nghiệp cùng quy mô lao động, số doanh nghiệp duy trì được một phần hoạt động sản xuất trong bối cảnh dịch của doanh nghiệp siêu nhỏ chỉ chiếm khoảng 8,9% trong khi đó tỷ lệ này ở doanh nghiệp siêu lớn (trên 1.000 lao động) chiếm hơn 42% và ở doanh nghiệp lớn (từ 201-1.000 lao động) chiếm 34,5%.
Lý giải điều này, bà Phạm Thị Ngọc Thủy, Giám đốc Văn phòng Ban IV, cho rằng các doanh nghiệp quy mô lớn, siêu lớn thường có ràng buộc trách nhiệm rất cao trong các chuỗi cung ứng, sản xuất, xuất nhập khẩu nên việc duy trì hoạt động trở thành vấn đề mang tính “sống còn.”
Bên cạnh đó, các doanh nghiệp này thông thường đều có quy định về quy trình hoạt động, hay bộ quy tắc liên quan đến an toàn lao động, tiêu chuẩn kỹ thuật, đặc biệt ở các công ty có vốn đầu tư nước ngoài thường có các bộ quy tắc theo quy định của công ty mẹ để áp dụng tại các nước phát triển và điều này giúp duy trì hoạt động (hoặc một phần hoạt động) ngay cả khi bối cảnh dịch hết sức khó khăn.
Các doanh nghiệp sản xuất quy mô lớn, siêu lớn thường có nhà xưởng lớn, vì vậy, khi tổ chức hoạt động trong bối cảnh dịch, họ cũng có điều kiện để có thể thực hiện giãn cách tương đối theo yêu cầu của các mô hình "3 tại chỗ," "2 cung đường 1 điểm đến" hay các yêu cầu giãn cách khác.
Xét theo quy mô doanh thu, số doanh nghiệp giải thể, ngừng hoạt động chờ giải thể của doanh nghiệp siêu nhỏ với doanh thu dưới 3 tỷ đồng so với doanh nghiệp có cùng quy mô là gần 21%. Trong khi đó, tỷ lệ này đối với doanh nghiệp có doanh thu trên 200 tỷ đồng/năm là khoảng 8,5% so với doanh nghiệp cùng quy mô.
Doanh nghiệp có quy mô doanh thu càng lớn thì tỷ lệ duy trì được một phần hoạt động sản xuất, kinh doanh càng cao. Tỷ lệ này là trên 27% của số doanh nghiệp có quy mô doanh thu từ 50-200 tỷ đồng/năm, gần 37% của số doanh nghiệp có quy mô doanh thu từ 200-1.000 tỷ đồng/năm và cao nhất là 47,3% của số doanh nghiệp có quy mô trên 1.000 tỷ đồng/năm.
Khảo sát cũng cho thấy, các doanh nghiệp hoạt động trong khu vực dịch vụ và nông, lâm nghiệp, thủy sản chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch COVID-19 với 17% phải giải thể, trong khi khu vực công nghiệp và xây dựng lần lượt là 10% và 13%. Dù phải cắt giảm lao động, song, vẫn có 24% doanh nghiệp thuộc khu vực công nghiệp có khả năng duy trì hoạt động sản xuất.
Nêu ra tỷ lệ doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động kinh doanh trong khu vực xây dựng là 76%, cao nhất khi so với các khu vực kinh tế khác, Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân cho rằng, con số này phản ánh khá tương đồng với kết quả khảo sát tình hình việc làm và thu nhập của người lao động trong bối cảnh đại dịch COVID-19 do Ban này thực hiện vào đầu tháng 8/2021, tỷ lệ mất việc của người lao động trong các doanh nghiệp xây dựng cao nhất so với tỷ lệ mất việc của các doanh nghiệp thuộc các khu vực kinh tế nông nghiệp, công nghiệp và dịch vụ.
“Ngành dịch vụ lưu trú, ăn uống và du lịch chịu ảnh hưởng nặng nề nhất bởi dịch bệnh, chỉ còn khoảng 4% doanh nghiệp duy trì được hoạt động so với các doanh nghiệp cùng ngành, vì trong đợt bùng phát dịch lần thứ 4, do tình trạng dịch lan rộng toàn quốc buộc chính quyền tại nhiều tỉnh, thành phố thực hiện việc phong tỏa, giãn cách, cách ly, các khách sạn, nhà hàng tiếp tục rơi vào tình trạng "đóng băng," không có khách, ngay cả các hộ kinh doanh ăn uống cũng không được phép hoạt động hoặc hoạt động ở mức độ rất cầm chừng” - bà Phạm Thị Ngọc Thủy cho hay./.