COVID-19 làm gián đoạn chủng ngừa sởi, nguy cơ bùng phát bệnh tăng cao

Sự gia tăng số trẻ em không được tiêm chủng phòng ngừa bệnh sởi và những lỗ hổng nghiêm trọng trong giám sát dịch bệnh, làm tăng nguy cơ bùng phát dịch sởi, gây nguy hiểm tính mạng…

Lỗ hổng nghiêm trọng trong giám sát dịch bệnh

Theo một báo cáo mới nhất của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC), trong khi các trường hợp mắc bệnh sởi được báo cáo đã giảm so với các năm trước, nhưng tiến độ loại trừ bệnh sởi vẫn tiếp tục giảm và nguy cơ bùng phát dịch bệnh đang gia tăng.

Bệnh sởi có nguy cơ gia tăng.

Trong năm 2020, hơn 22 triệu trẻ sơ sinh đã bỏ lỡ liều vaccine sởi đầu tiên - nhiều hơn 3 triệu so với năm 2019, đánh dấu mức tăng lớn nhất trong hai thập kỷ và tạo điều kiện nguy hiểm cho dịch bệnh bùng phát. Trong khi so với năm trước, các trường hợp mắc bệnh sởi được báo cáo đã giảm hơn 80% vào năm 2020.

Việc giám sát, xét nghiệm và báo cáo bệnh sởi không được chú trọng gây nguy hiểm cho khả năng ngăn chặn sự bùng phát của bệnh truyền nhiễm cao này của các quốc gia. Các vụ dịch sởi lớn đã xảy ra ở 26 quốc gia và chiếm 84% tổng số ca bệnh được báo cáo vào năm 2020.

Kevin Cain, MD, Giám đốc Tiêm chủng Toàn cầu của CDC cho biết: "Số lượng lớn trẻ em không được tiêm chủng, dịch sởi bùng phát, việc phát hiện và chẩn đoán bệnh chuyển sang hỗ trợ đáp ứng COVID-19 là những yếu tố làm tăng khả năng tử vong liên quan đến bệnh sởi và các biến chứng nghiêm trọng ở trẻ em. Chúng ta phải hành động ngay bây giờ để tăng cường hệ thống giám sát dịch bệnh và thu hẹp khoảng cách miễn dịch, trước khi du lịch và buôn bán trở lại mức trước đại dịch, để ngăn chặn các đợt bùng phát bệnh sởi chết người và giảm thiểu nguy cơ mắc các bệnh có thể phòng ngừa bằng vaccine khác".

Khả năng của các quốc gia trong việc đảm bảo trẻ em được tiêm cả hai liều vaccine sởi khuyến cáo là một chỉ số quan trọng cho thấy tiến bộ toàn cầu hướng tới loại trừ bệnh sởi và khả năng ngăn chặn sự lây lan của virus. Tỷ lệ bao phủ liều đầu tiên giảm vào năm 2020 và chỉ 70% trẻ em được tiêm vaccine sởi liều thứ hai, thấp hơn rất nhiều so với mức bao phủ 95% cần thiết để bảo vệ cộng đồng khỏi sự lây lan của virus sởi.

Khoảng cách miễn dịch ngày càng trầm trọng trên toàn thế giới, 24 chiến dịch tiêm vaccine sởi ở 23 quốc gia, được lên kế hoạch ban đầu cho năm 2020, đã bị hoãn lại vì đại dịch COVID-19 - khiến hơn 93 triệu người có nguy cơ mắc bệnh. Các chiến dịch bổ sung này là cần thiết khi mọi người đã bỏ lỡ vaccine có chứa bệnh sởi thông qua các chương trình tiêm chủng thông thường.

Tiến sĩ Kate O'Brien, Giám đốc Bộ phận Tiêm chủng, Vaccien và Sinh phẩm của WHO cho biết: "Mặc dù các trường hợp mắc bệnh sởi được báo cáo giảm vào năm 2020, nhưng bằng chứng cho thấy chúng ta có thể thấy sự bình lặng trước cơn bão vì nguy cơ bùng phát dịch tiếp tục gia tăng trên khắp thế giới. Điều quan trọng là các quốc gia phải tiêm chủng càng nhanh càng tốt để chống lại COVID-19, nhưng điều này đòi hỏi các nguồn lực mới để nó không phải trả giá bằng các chương trình tiêm chủng thiết yếu. Việc tiêm chủng định kỳ phải được bảo vệ và tăng cường; nếu không, chúng ta có nguy cơ đánh đổi một căn bệnh chết người này cho một căn bệnh khác ".

Tăng cường hệ thống tiêm chủng và giám sát để giảm nguy cơ mắc bệnh sởi đang gia tăng

Cần tăng cường hệ thống tiêm chủng sởi cho trẻ em ngừa nguy cơ bùng phát dịch.

Đại dịch COVID-19 đã gây ra sự gián đoạn đáng kể cho các dịch vụ tiêm chủng và thay đổi hành vi tìm kiếm sức khỏe ở nhiều nơi trên thế giới. Trong khi các biện pháp được sử dụng để giảm thiểu COVID-19 như: Đeo khẩu trang, rửa tay, hạn chế tiếp xúc… cũng làm giảm sự lây lan của virus, các quốc gia và các đối tác y tế toàn cầu phải ưu tiên tìm kiếm và tiêm vaccine phòng bệnh sởi cho trẻ em để giảm nguy cơ bùng phát dịch bệnh và các ca tử vong có thể ngăn ngừa dịch bệnh do virus này gây ra.

Sởi là một trong những loại virus dễ lây lan nhất thế giới cho con người nhưng hầu như hoàn toàn có thể phòng ngừa được thông qua tiêm chủng. Trong 20 năm qua, vaccine sởi ước tính đã ngăn chặn được hơn 30 triệu ca tử vong trên toàn cầu.

Ước tính số ca tử vong do bệnh sởi giảm từ khoảng 1.070.000 ca năm 2000 xuống 60.700 ca năm 2020. Số ca mắc sởi ước tính vào năm 2020 là 7,5 triệu ca trên toàn cầu. Sự lây truyền bệnh sởi trong cộng đồng không chỉ là một dấu hiệu rõ ràng về tỷ lệ bao phủ vaccine sởi kém, mà còn là một dấu hiệu nhận biết, cho thấy các dịch vụ y tế quan trọng không tiếp cận những nhóm dân cư có nguy cơ cao nhất.

Sáng kiến Sởi và Rubella

Sáng kiến Sởi và Rubella (M & RI) là sự hợp tác giữa Hội Chữ thập đỏ Hoa Kỳ, Tổ chức Liên hợp quốc, UNICEF, WHO và CDC Hoa Kỳ.

Làm việc với Gavi, Liên minh vaccine và các bên liên quan khác, sáng kiến cam kết đạt được và duy trì một thế giới không có bệnh sởi, rubella và hội chứng rubella bẩm sinh. Kể từ năm 2000, M&RI đã giúp cung cấp vaccine sởi cho trẻ em trên toàn thế giới và cứu sống hơn 31,7 triệu người trên toàn cầu bằng cách tăng tỷ lệ tiêm chủng, ứng phó với các đợt bùng phát, giám sát và đánh giá, cũng như hỗ trợ niềm tin và nhu cầu tiêm chủng.

Đến cuối năm 2020, 81 quốc gia (42%) đã thành công trong việc duy trì tình trạng loại trừ bệnh sởi của họ bất chấp đại dịch, nhưng không có quốc gia mới nào được xác minh là đã loại trừ bệnh sởi. Vẫn còn 15 quốc gia chưa đưa vaccine sởi thứ hai vào lịch tiêm chủng quốc gia, khiến trẻ em và thanh thiếu niên ở những quốc gia này đặc biệt dễ bị bùng phát dịch sởi.

Với những ảnh hưởng toàn cầu liên tục của đại dịch COVID-19, công việc này có ý nghĩa sống còn. Hơn bao giờ hết, chúng ta cần tiếp cận những trẻ em không được bảo vệ trước căn bệnh chết người và ngăn chặn những đợt bùng phát tiếp theo.

Mời độc giả xem thêm video:

Trịnh Xuân Nguyên

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn//covid-19-lam-gian-doan-chung-ngua-soi-nguy-co-bung-phat-benh-tang-cao-169211112092150175.htm