Covid-19 liên tục lập kỷ lục buồn ở nhiều quốc gia trên thế giới

Theo Worldometer, số ca mắc Covid-19 toàn cầu đã vượt 157,5 triệu ca, gồm gần 816 ngàn ca mới. Số ca tử vong là 3.282.495 ca, gồm gần 13 ngàn ca mới. Nhiều quốc gia liên tiếp ghi nhận các kỷ lục buồn.

Người Ấn Độ xếp hàng chờ tiêm vắc xin tại Mumbai.

Người Ấn Độ xếp hàng chờ tiêm vắc xin tại Mumbai.

Hôm qua (7/5), ngày đầu tiên của đợt phong tỏa mới ở một số khu vực bao gồm thủ đô Kuala Lumpur, Malaysia báo cáo sự gia tăng đột biến về số ca mắc Covid-19 với hơn 4.498 ca mắc mới.

Tổng số ca mắc ở Malaysia đã hơn 432 ngàn. Số ca mắc mới hôm qua tăng gần 1.000 ca so với ngày trước đó. Trong số này chỉ có 5 ca nhập cảnh, còn lại là lây nhiễm trong nước. Trong khi đó số ca tử vong mới hôm qua là 22 người, nâng tổng số ca tử vong vì đại dịch lên 1.632 người.

Kuala Lumpur chịu lệnh kiểm soát di chuyển (MCO) từ hôm qua đến 20/5. Theo đó, các sự kiện như đám cưới, các cuộc đoàn tụ bị cấm.

Ấn Độ hôm qua báo cáo sự gia tăng kỷ lục về số ca mắc trong 24 giờ với 414.188 ca, nâng tổng số ca mắc mới trong tuần lên 1,57 triệu. Kỷ lục này diễn ra khi tỷ lệ tiêm chủng ở Ấn Độ giảm đáng kể do các vấn đề vận chuyển và thiếu nguồn cung.

Làn sóng Covid-19 gây chết người thứ 2 ở Ấn Độ tiếp tục không suy giảm, hiện tổng số ca mắc ở đây đã lên tới 21,49 triệu ca, lan rộng từ các thành phố đông đúc đến các làng mạc xa xôi – nơi sinh sống của gần 70% dân số 1,3 tỉ người.

Bên cạnh Ấn Độ, nước láng giềng Nepal cũng đang gặp khó khăn. Hôm qua, các bác sĩ ở đây cảnh báo về một cuộc khủng hoảng lớn khi các ca mắc Covid-19 ở mức kỷ lục trong khi bệnh viện cạn kiệt giường bệnh và oxy y tế.

Các bác sĩ cho biết, trong tình hình cực đoan, mọi người có thể chết trên đường phố và “không thể ngay lập tức tăng công suất của bệnh viện”. Chính phủ đã vài lần cam kết tăng giường bệnh và tăng các biện pháp điều trị, ngăn chặn dịch, nhưng chưa có thay đổi lớn nào xuất hiện.

Hôm 6/5, Nepal báo cáo 9.070 ca mới, so với 298 ca trong hơn 1 tháng trước. Số người tử vong cũng đạt mức cao nhất với 58 người vào 5/5 và 6/5, nâng tổng số ca tử vong lên 3.529 người. Một lệnh phong tỏa đã được ban bố vào tháng trước tại các thành phố và thị trấn lớn, trong tuần này Nepal cũng đã ngừng các chuyến bay nội địa và quốc tế.

Nepal bắt đầu chiến dịch tiêm chủng vào tháng 1 với 1 triệu liều AstraZeneca do Ấn Độ tài trợ nhưng việc hỗ trợ đã bị dừng lại do Ấn Độ cũng đang gặp khủng hoảng. Việc tiêm vắc xin ở Nepal được tiếp tục khi Trung Quốc ủng hộ 800.000 liều và hiện Nepal đang đàm phán với Nga để có được vắc xin Sputnik V.

Video về tình trạng Covid-19 ở Nepal:

Tại Philippines, phát ngôn viên Harry Roque của Tổng thống cho biết tất cả khách du lịch nhập cảnh, dù tiêm chủng hay chưa đều phải cách ly 14 ngày, tăng lên so với quy định 7 ngày trước đó.

Quốc gia này đang phải chống chọi với một trong những đợt bùng phát tồi tệ nhất châu Á với hơn 1 triệu ca mắc, bao gồm những ca do các biến thể lần đầu tiên được phát hiện ở Anh và Nam Phi. Số ca tử vong ở đây đã lên tới hơn 18.000 người. Hôm qua, nước này ghi nhận 7.733 ca mắc và 108 ca tử vong mới.

Tại Nhật Bản, tình trạng khẩn cấp ở Tokyo và một số vùng khác được kéo dài khi chưa tới 3 tháng nữa là tới Olympic. Nhưng hạn chế cũng được áp đặt thêm đối với 2 khu vực có số ca mắc tăng mạnh. Những biện pháp khẩn cấp ở Nhật Bản, ít nghiêm khắc hơn so với các nước khác, sẽ được kéo dài tới cuối tháng – Thủ tướng Yoshihide Suga cho biết.

Ông cho rằng số ca mắc Covid-10 hiện ở mức cao tại các thành phố lớn, trong khi đó bệnh viện đang bị quá tải ở Osaka và Hyogo. Nhật Bản có 620.994 ca mắc Covid-19, gồm 4.344 ca mới. Số ca tử vong là 10.589 ca, gồm 72 ca mới.

Tổ chức Y tế thế giới hôm qua tuyên bố phê chuẩn vắc xin Sinopharm của Trung Quốc vào danh sách các vắc xin có thể sử dụng khẩn cấp. Đây cũng là lần đầu tiên WHO cho phép sử dụng khẩn cấp một vắc xin của Trung Quốc cho một bệnh truyền nhiễm.

Danh sách các loại vắc xin được dùng khẩn cấp của WHO là một tín hiệu cho các cơ quan quản lý các nước về tính an toàn và hiệu quả của sản phẩm, nó cũng sẽ được phép đưa vào chương trình toàn cầu cung cấp vắc xin COVAX chủ yếu cho các nước nghèo.

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/the-gioi/covid-19-lien-tuc-lap-ky-luc-buon-o-nhieu-quoc-gia-tren-the-gioi-cTVA2ICGR.html