Covid-19 ở Ấn Độ: Mỹ hỗ trợ khẩn, Pháp tăng cường cung cấp máy thở, Bangladesh đóng cửa nhập cảnh
Ngày 25/4, Nhà Trắng cho biết, Mỹ sẽ 'ngay lập tức' cung cấp các nguyên liệu thô để sản xuất vaccine ngừa Covid-19, cũng như các phương pháp trị liệu, bộ xét nghiệm, máy thở và thiết bị bảo vệ có sẵn cho Ấn Độ.
Thông báo của Nhà Trắng cho biết: "Mỹ đã lên danh mục những nguyên liệu thô cụ thể cần thiết mà phía Ấn Độ đề nghị cho quá trình sản xuất vaccine Covishield".
Cùng ngày, Văn phòng Tổng thống Pháp ra thông báo cho hay, nước này sẽ đề nghị hỗ trợ Ấn Độ tăng cường khả năng bổ sung hệ thống máy thở "quan trọng" trong những ngày tới, để giúp quốc gia Nam Á này chống chọi lại với đại dịch Covid-19.
Theo thông báo, kế hoạch hỗ trợ của Pháp bao gồm cả các máy trợ thở.
Trước đó, chính phủ Anh cũng thông báo sẽ gửi hơn 600 thiết bị y tế, trong đó có máy tạo oxy và máy thở để hỗ trợ Ấn Độ đối phó với tình trạng gia tăng đột biến số ca Coivd-19.
Theo Bộ Ngoại giao Anh, số thiết bị trên được lấy từ kho dự trữ còn dư của nước này và chuyến hàng đầu tiên dự kiến sẽ đến New Delhi vào sáng 27/4.
Trong khi đó, giữa lúc xảy ra làn sóng thứ hai của đại dịch Covid-19, Bangladesh thông báo đã áp đặt lệnh cấm nhập cảnh với người đi từ các cảng đất lửa.
Theo Ngoại trưởng Bangladesh AK Abdul Momen, lệnh cấm sẽ áp dụng với các cá nhân đi từ Ấn Độ sang Bangladesh và kéo dài trong 14 ngày. Tuy nhiên, giao thương giữa hai nước sẽ được duy trì.
Trước đó, Bangladesh cũng đã dừng hoạt động hàng không với Ấn Độ từ ngày 14/4 do số ca mới mắc Covid-19 tăng đột biến tại quốc gia láng giềng.
Số ca nhiễm mới và tử vong do Covid-19 tại Ấn Độ trong những ngày gần đây liên tục ở mức cao đáng báo động, hệ thống y tế nước này luôn ở trong tình trạng thiếu oxy và thuốc men.
Hiện tổng số ca nhiễm tại Ấn Độ đã vượt 17 triệu người, trong đó 195.116 người không qua khỏi. Ngày 25/4, số ca nhiễm mới trong một ngày tại Ấn Độ đã lên mức cao nhất thế giới, với 354.531 ca, cũng là cao nhất của Ấn Độ từ khi dịch bùng phát.
Nhiều bệnh viện ở thủ đô New Delhi và trên khắp cả nước từ chối tiếp nhận bệnh nhân do thiếu giường bệnh và oxy.
(theo AFP, THX)