Covid-19 phơi bày sự thật về hệ thống nhân sự tại viện dưỡng lão ở Mỹ
Khi Covid-19 bùng phát tại Mỹ, ngày càng nhiều nhân viên ở viện dưỡng lão bỏ việc do lo sợ dịch bệnh cũng như phản ứng thiếu trách nhiệm của ban quản lý.
Vào một đêm tháng 4, tại Trung tâm phục hồi và chăm sóc sức khỏe Hammont (Mỹ), Robyn Esaw, người mất cả 2 chân đã ra hiệu cần sự giúp đỡ. Cô ấy nói rằng cô đã nhấn chuông ở đầu giường để bật đèn đỏ ngoài hành lang. Tuy nhiên, không có nhân viên y tế nào xuất hiện và một trong số họ đã tắt đèn đi. Cuối cùng, Esaw đã phải tự ngồi trên xe lăn và đi tới phòng của y tá để được giúp đỡ.
Vào một đêm khác trong một phòng bệnh tại viện dưỡng lão ở New Jersey, Barbara Grimes đã phát hiện ra bạn cùng phòng của mình đang ngồi giữa vũng nước tiểu và bị thấm vào một vết thương. Đã không có ai tới kiểm tra người bạn cùng phòng của Grimes trong 3 tiếng. “Cô ấy đã từ bỏ việc gọi giúp đỡ”, Grimes nói.
Cũng trong tháng 4, các nhân viên tại Trung tâm Hammont đã chuyển David Paul và một người đàn ông khác vào căn phòng mà 2 người nhiễm virus SARS-CoV-2 từng ở. Một trong số 2 người sau đó đã tử vong do dịch bệnh. Trong căn phòng họ ở, sàn nhà vẫn còn bẩn, phòng tắm tràn ngập rác, Paul nói. “Bạn không thể sống tại đây và tin rằng những nhân viên ở đây sẽ quan tâm đến bạn”, bà Esaw, 70 tuổi, người đã sống ở Trung tâm dưỡng lão được 9 năm cho biết.
Theo số liệu cập nhật, Trung tâm Hammont ghi nhận 238 ca mắc Covid-19 và 39 ca tử vong do dịch bệnh.
Các viện dưỡng lão trên toàn thế giới, nơi có nhiều người cao tuổi – đối tượng dễ bị tổn thương do Covid-19, đã phải chịu ảnh hưởng nặng nề trong thời gian đại dịch.
Tại Mỹ, các vấn đề đã tồn tại từ lâu như tình trạng thiếu nhân sự đã khiến nguy cơ lây nhiễm SARS-CoV-2 tại các viện dưỡng lão tăng cao. Theo ước tính của tổ chức phi lợi nhuận Kaiser Family Foundation, khoảng 40%, tương đương hơn 100.000 ca tử vong do Covid-19 tại Mỹ có liên quan đến các cơ sở chăm sóc dài hạn như viện dưỡng lão hoặc trung tâm trợ giúp sinh sống.
Theo một phân tích của Reuters dựa trên số liệu khảo sát từ Trung tâm Dịch vụ Medicare và Trợ cấp y tế (CMS), khoảng 1/4 các viện dưỡng lão đã báo cáo tình trạng thiếu nhân viên chăm sóc trực tiếp trong ít nhất 1-2 tuần vào tháng 5.
Một phân tích riêng của Reuters về dữ liệu của viện dưỡng lão liên bang cho thấy, trước khi dịch Covid-19 bùng phát, khoảng 4 trên 10 viện dưỡng lão trên toàn quốc không đáp ứng đủ điều kiện nhân sự tối thiểu. Theo bài phân tích, khoảng 70% viện dưỡng lão tại Mỹ không đáp ứng đủ tiêu chuẩn về nhân sự được khuyến cáo bởi một số chuyên gia.
Đại dịch Covid-19 đã đặt ra và đào sâu nhiều vấn đề về nhân sự tại các viện dưỡng lão, theo các cuộc phỏng vấn gần 20 nhân viên và người dân toàn quốc. Số lượng nhân viên chăm sóc tại viện dưỡng lão bỏ việc ngày càng tăng do nỗi sợ dịch bệnh cũng như do phản ứng thiếu trách nhiệm của ban quản lý.
Khi dịch Covid-19 bùng phát tại Mỹ, những người quản lý viện dưỡng lão thường hạ thấp mức nghiêm trọng của dịch bệnh, 17 nhân viên tại 8 viện dưỡng lão nói với Reuters. “Những người quản lý thường che giấu mức độ nghiêm trọng của dịch bệnh, một phần vì họ phải “giữ chân” những nhân viên lo sợ dịch bệnh và vỡ mộng với điều kiện làm việc tồi tệ, thậm chí phải nhận mức lương thấp là 11 USD/giờ.
Tại Trung tâm Hammont, các điều dưỡng viên thường xuyên phải làm việc quá sức. Mỗi ngày, họ phải tắm rửa, dọn dẹp và cho ăn tới 30 người. Việc thiếu nguồn nhân lực trở nên trầm trọng đến nỗi có những bệnh nhân đã chết trong phòng nhiều giờ nhưng không có ai phát hiện ra, 2 nhân viên tại Trung tâm Hammont cho biết.
Centers Health Care, trung tâm điều hành cơ sở dưỡng lão trên đã từ chối bình luận về ý kiến của người dân và nhân viên được trích dẫn trong báo cáo của Reuters. Trung tâm này đã phản bác những tranh cãi cho rằng người cao tuổi đã không được phát hiện trong nhiều giờ sau khi họ chết.
Tuy nhiên, sự thiếu hụt nhân viên ở Trung tâm chăm sóc Nashoba Valley tại thành phố Littleton, bang Massachusetts còn vượt xa Trung tâm Hammont. Tại đây, rất nhiều nhân viên đã nghỉ việc hoặc bị ốm, do vậy, quản lý trung tâm đã cho một thực tập sinh điều dưỡng vẫn trong độ tuổi thiếu niên chăm sóc cho gần 30 bệnh nhân bị mất trí nhớ.
Hơn 40 y tá và điều dưỡng tại Trung tâm chăm sóc Nashoba Valley đã nghỉ việc kể từ tháng 4, 6 nhân viên hiện tại và trước đây nói với Reuters. Theo số liệu thống kê, Trung tâm Nashoba Valley đã ghi nhận 87 ca mắc Covid-19 và 26 người tử vong do dịch bệnh, trong đó có một trợ lý điều dưỡng.
Tim Killian, người phát ngôn của Life Care Center of America – một trong những viện dưỡng lão lớn nhất tại Mỹ thừa nhận rằng, phần lớn nhân viên tại viện dưỡng lão ở bang Masschusetts nghỉ việc là do điều kiện làm việc quá khó khăn.
Ông Killian cho rằng, các viện dưỡng lão thường có phản ứng nhanh với những khó khăn chưa từng có, mặc dù nhận được rất ít sự giúp đỡ từ chính phủ. Trước đó, chính phủ Mỹ đã hứng chịu nhiều chỉ trích vì phản ứng chậm trước tình trạng thiếu thiết bị bảo hộ và bộ kit xét nghiệm SARS-CoV-2.
“Họ che giấu dịch bệnh với chúng tôi”
Thiếu hụt nhân sự từ lâu đã là một vấn đề lớn tại các viện dưỡng lão Massachusetts Life Care khi các điều dưỡng viên phải chăm sóc quá nhiều bệnh nhân. Thiếu hụt nhân sự đã trở thành một cuộc khủng hoảng trong đợt bùng phát dịch Covid-19 do ban quản lý không cung cấp đủ thiết bị bảo hộ và không tuyên truyền cho nhân viên về cách virus lây lan.
Vào tháng 3, điều dưỡng viên kỳ cựu Patti Galvan nhận thấy nhiều bệnh nhân bị sốt và ho. Cô Galvan đã đeo khẩu trang khi làm việc, tuy nhiên người quản lý cho rằng không nên làm như vậy vì đeo khẩu trang sẽ không thể ngăn lây nhiễm virus. Nhiều nhân viên cho biết, ban quản lý bảo họ không đeo khẩu trang mang theo từ nhà vì điều này sẽ khiến những nhân viên khác yêu cầu thiết bị bảo hộ trong khi viện dưỡng lão không thể đáp ứng điều đó.
Ông Killian thừa nhận rằng, tình trạng thiếu thiết bị bảo hộ đã tạo ra căng thẳng giữa những người quản lý và nhân viên.
“Nhiều nhân viên bị ốm và phải ở nhà, nhưng ban quản lý coi điều này là không quan trọng”, Galvan nói.
“Họ che giấu dịch bệnh với chúng tôi. Nếu họ trung thực với chúng tôi, quan tâm và có trách nhiệm hơn thì họ đã không mất nhiều nhân viên đến vậy”, Galvan nói. Cô đã nghỉ việc hơn 2 tháng trước sau khi xuất hiện các triệu chứng giống như cúm và không có kế hoạch quay trở lại. Galvan đã làm việc tại viện dưỡng lão hơn 30 năm.
Amy Lamontagne, Giám đốc điều hành của Massachusetts Life Care cho biết, ban lãnh đạo không bao giờ giữ kín thông tin. “Chúng tôi không có bí mật gì”, Lamontagne nói.
Colleen Lelievre, một y tá đang làm việc tại Massachusetts Life Care cho biết, không cần phải xét nghiệm để nhận ra số lượng bệnh nhân có triệu chứng mắc Covid-19 tăng đột biến vào tháng 3. Tuy nhiên, những người quản lý không bao giờ trao đổi thẳng thắn với nhân viên về lý do tại sao có nhiều bệnh nhân phải nhập viện.
Khi nhiều nhân viên nghỉ việc hoặc bị ốm, phần lớn là những người phải làm việc từ 80-90 giờ/tuần, những người trợ lý vật lý trị liệu sẽ được thế chỗ cho điều dưỡng viên, Harmon – người giám sát điều dưỡng cho biết.
Nhiều nhân viên đã kiệt sức và không thể tắm hay cho bệnh nhân ăn. Tại khoa chăm sóc người mất trí nhớ, các nhân viên không thể ngăn bệnh nhân đi lang thang ngoài hành lang và trong phòng của các bệnh nhân khác để phòng khả năng lây nhiễm virus. “Nhân viên không có thời gian để ngồi lại với những bệnh nhân đang hấp hối. Tôi thường để lại điện thoại của mình để bệnh nhân có thể gọi cho người thân trong những giờ phút cuối cùng”, Harmon nói.
Bất chấp những điều kiện khó khăn này, Massachusetts Life Care vẫn báo cáo không có tình trạng thiếu nhân viên trong khảo sát viện dưỡng lão của chính phủ. Killian cho biết, cơ sở này không thiếu nhân sự vào cuối tháng 5 do số lượng bệnh nhân đã giảm xuống. Theo bà Lamontagne, viện dưỡng lão hiện có 120 giường bệnh với 65 bệnh nhân.
Harmon và Lelievre cho biết, viện dưỡng lão ở Massachusett vẫn có ít nhân viên hơn so với nhu cầu. Cơ sở này có rất ít điều dưỡng viên khiến nhân viên gần như không thể di chuyển một số bệnh nhân ra khỏi giường một cách an toàn trong khi thường phải có 2 người cùng làm việc này, Lelievre nói.
Nhân viên vẫn phải đi làm nếu dương tính với SARS-CoV-2
Khi dịch bệnh bùng phát, một số quản lý viện dưỡng lão đã gây áp lực cho các nhân viên bị ốm và không cho họ nghỉ trừ khi họ có xét nghiệm dương tính với SARS-CoV-2 hoặc phải quay trở lại làm việc trước thời gian tự cách ly được khuyến cáo, 5 nhân viên tại 4 cơ sở dưỡng lão cho biết.
Điều dưỡng viên Gabby Niziolek, 20 tuổi, cho biết cô bắt đầu cảm thấy bị ốm vào cuối tháng 3 trong một ca làm việc tại Trung tâm phục hồi và chăm sóc sức khỏe Plaza ở thành phố Elizabeth, New Jersey. Một số đồng nghiệp của cô cũng bắt đầu cảm thấy không khỏe và cô nhận thấy nhiều bệnh nhân tại viện dưỡng lão mất cảm giác ngon miệng khi ăn và trở nên xanh xao.
Sau khi Niziolek xét nghiệm SARS-CoV-2 vào ngày hôm sau, quản lý vẫn yêu cầu cô trở lại làm việc trong thời gian chờ kết quả. Khi Niziolek có kết quả dương tính với SARS-CoV-2, quản lý đã hỏi cô có xuất hiện các triệu chứng nhiễm bệnh hay không, cô trả lời có và đã cách ly ở nhà.
“Nếu bạn có kết quả xét nghiệm dương tính nhưng không xuất hiện các triệu chứng nhiễm bệnh, họ vẫn muốn bạn đi làm”, Niziolek nói.
Khi dịch Covid-19 bùng phát nhanh vào cuối tháng 3, các quản lý nói với nhân viên rằng những bệnh nhân đột nhiên bị sốt, chán ăn, khó thở là do mắc bệnh viêm phổi và biểu hiện này không phải là do bệnh truyền nhiễm. Tuy nhiên, vài tuần sau, quản lý nói rằng những bệnh nhân đã nhập viện có kết quả dương tính với SARS-CoV-2.
Các nhân viên tại viện dưỡng lão trước khi bắt đầu ca làm không được thông báo rằng họ sẽ làm việc tại khu vực có nhiều bệnh nhân được cho là đã nhiễm virus.
Nhà điều hành Trung tâm Centers Health Care cho biết, họ không thể chắc chắn rằng các bệnh nhân xuất hiện các triệu chứng đã nhiễm SARS-CoV-2 cho đến khi xét nghiệm trở nên phổ biến hơn vào tháng 4.
Một - một trong những người đầu tiên xét nghiệm dương tính với SARS-CoV-2 cho biết, cô đã báo cáo kết quả xét nghiệm cho quản lý của mình và nói với một số đồng nghiệp theo lời khuyên của bác sĩ. 5 ngày sau, khi cô đang ở nhà, một người quản lý đã gọi điện trách móc cô vì đã thông báo với đồng nghiệp.
Trung tâm Centers Health Care cho biết trong một tuyên bố, nhân viên của họ đang làm việc không mệt mỏi suốt ngày đêm. Trung tâm nói rằng, tình trạng thiếu nhân sự là một vấn đề của toàn ngành y tế, tuy nhiên họ vẫn đảm bảo đáp ứng yêu cầu nhân sự tối thiểu của nhà nước trong đại dịch bằng cách sắp xếp lại nhân viên trong mạng lưới các cơ sở./.