Covid-19 sáng 19/11: Mở rộng đối tượng nhập cảnh; 2 lưu ý điều trị F0 tại trạm y tế lưu động ở Hà Nội
Nhiều tỉnh số ca F0 tăng vọt, Hà Nội lựa chọn phương án điều trị F0 không triệu chứng tại trạm y tế lưu động, TP. Hồ Chí Minh xin thí điểm không cách ly du khách nước ngoài từ tháng 12.
Hà Nội lưu ý điều trị F0 tại trạm y tế lưu động
Theo Công điện số 23/CĐ-UBND, Hà Nội sẽ thí điểm thu dung điều trị bệnh nhân Covid-19 không triệu chứng và triệu chứng nhẹ trên địa bàn xã phường, thị trấn với phương châm "4 tại chỗ" do các quận, huyện, thị xã thành lập và điều hành theo hướng dẫn chuyên môn của Sở Y tế.
Nhận định về việc Hà Nội lựa chọn phương án điều trị F0 không triệu chứng, F0 nhẹ tại trạm y tế lưu động, thay vì điều trị tại nhà như ở nhiều địa phương, PGS.TS Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng (Bộ Y tế) cho hay: "Phương án này trước đây đã được áp dụng tại nhiều tỉnh thành phía Nam khi dịch bùng phát, điển hình là Bình Dương. Việc Hà Nội cho F0 không triệu chứng/triệu chứng nhẹ điều trị tại các trạm y tế lưu động có thể một phần vì lo ngại khi F0 điều trị ở nhà sẽ tiềm ẩn nguy cơ lây nhiễm cho người thân".
PGS Phu nhấn mạnh, với chiến lược điều trị F0 không triệu chứng/triệu chứng nhẹ tại trạm y tế lưu động, có 2 vấn đề mà Hà Nội cần đặc biệt lưu ý: Thứ nhất là Hà Nội phải đảm bảo được năng lực về nhân lực và vật lực của các trạm y tế lưu động. Vấn đề thứ hai là cần đảm bảo các trạm y tế lưu động không được quá tải.
Mở rộng đối tượng nhập cảnh
Nói về kế hoạch nối lại các chuyến bay thương mại quốc tế thường lệ cũng như dự kiến khi nào kiều bào và người Việt có thể về nước, tại buổi họp báo thường kỳ Bộ Ngoại giao Việt Nam chiều 18/11, Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng cho biết:
Triển khai Nghị quyết số 128 của Chính phủ ngày 11/10/2021 về việc "Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19", các cơ quan chức năng đã tích cực triển khai nhiều biện pháp để tạo điều kiện khôi phục sản xuất, kinh doanh, phát triển kinh tế - xã hội, đưa đời sống, sinh hoạt của nhân dân trở lại trạng thái bình thường mới.
Chính phủ đã đồng ý các kiến nghị của Bộ Ngoại giao về việc áp dụng hộ chiếu vaccine, đồng ý về nguyên tắc mở rộng đối tượng được nhập cảnh Việt Nam có mang hộ chiếu vaccine, trong đó có người Việt Nam định cư ở nước ngoài và thân nhân về nước để thăm thân, tham quan, du lịch như được quy định tại Nghị định 82 năm 2015 của Chính phủ về việc miễn thị thực cho người Việt Nam định cư ở nước ngoài và người nước ngoài là vợ, chồng, con của người Việt Nam định cư ở nước ngoài hoặc của công dân Việt Nam.
Hiện nay, Bộ Ngoại giao cũng đang phối hợp với các cơ quan chức năng hoàn tất Hướng dẫn cụ thể để áp dụng vào thời điểm phù hợp.
Ca F0 ở Bắc Ninh tăng vọt
Ngày 18/11, Ban chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 tỉnh Bắc Ninh cho biết, số F0 mắc mới trong cộng đồng tăng so với những ngày trước đó.
Toàn tỉnh hiện có 118 ổ dịch, trong đó TP. Bắc Ninh 37 ổ dịch, huyện Quế Võ 29 ổ dịch, huyện Yên Phong 3 ổ dịch, TP. Từ Sơn 14 ổ dịch, huyện Tiên Du 9 ổ dịch, huyện Thuận Thành 13 ổ dịch, huyện Gia Bình 9 ổ dịch, huyện Lương Tài 4 ổ dịch.
Từ 4/10 đến 6h ngày 18/11, ghi nhận gần 700 ca F0 tại 39 công ty thuộc 8 khu công nghiệp.
TP. HCM xin thí điểm không cách ly du khách nước ngoài từ tháng 12
Bà Phan Thị Thắng, Phó Chủ tịch UBND TP. HCM, vừa ký văn bản khẩn gửi Thủ tướng cùng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch về việc đón khách quốc tế đến thành phố.
Căn cứ tình hình thực tiễn, TP. HCM mong muốn được chấp thuận cho thí điểm tổ chức đón khách du lịch quốc tế có "hộ chiếu vaccine" từ tháng 12/2021 đến cuối năm 2022.
UBND TP. HCM đề xuất lộ trình thí điểm không cách ly khách quốc tế sau khi nhập cảnh gồm 3 giai đoạn.
Giai đoạn một từ tháng 12/2021: Các doanh nghiệp lữ hành quốc tế đủ điều kiện được phép hoạt động phục vụ đón khách quốc tế đến TP. HCM theo các chương trình du lịch trọn gói, thông qua các chuyến bay thuê chuyến và chuyến bay quốc tế thường lệ.
Giai đoạn 2 từ tháng 1/2022: Khách quốc tế đến TP. HCM được đón từ các chuyến bay thuê chuyến và chuyến bay quốc tế thường lệ theo chương trình du lịch trọn gói tại TP. HCM hoặc các chương trình du lịch kết hợp nhiều địa điểm giữa TP. HCM và các địa phương đã được chấp thuận đón khách quốc tế (Kiên Giang, Nha Trang, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ninh...).
Giai đoạn 3 từ tháng 4/2022: TP. HCM đề xuất mở lại hoàn toàn đối với thị trường khách du lịch quốc tế.
Triệu chứng bệnh kéo dài ở trẻ em
Một nghiên cứu được tiến hành ở Anh cho thấy Covid-19 vẫn có thể gây di chứng tới một trong 7 trẻ sau khi nhiễm bệnh. Một nghiên cứu khác về tác động lâu dài của Covid-19 chỉ ra hơn nửa số trẻ từ 6-16 tuổi sẽ mắc một triệu chứng kéo dài trong 120 ngày sau khi nhiễm bệnh.
Những người trẻ có bệnh nền như bệnh thận, rối loạn hệ miễn dịch hay bệnh tim sẽ có nguy cơ mắc triệu chứng nặng của Covid-19 gấp 25 lần so với người bình thường.