COVID-19 tại ASEAN hết 16/11: 'Dịch không thành vấn đề', Myanmar sắp mở lại biên giới

Trong 24 giờ qua, các nước ASEAN ghi nhận gần 27.000 ca nhiễm mới, 351 ca tử vong, đưa tổng ca tử vong vượt 285.000. Myanmar đánh giá 'dịch không còn là vấn đề', sẽ mở lại biên giới trên bộ từ tháng 12, trong khi ca nhiễm theo ngày tại Lào lập kỷ lục mới.

Học sinh đeo khẩu trang phòng COVID-19 khi tới trường tại Phnom Penh, Campuchia, ngày 1/11/2021. Ảnh: THX/ TTXVN

Học sinh đeo khẩu trang phòng COVID-19 khi tới trường tại Phnom Penh, Campuchia, ngày 1/11/2021. Ảnh: THX/ TTXVN

Theo thống kê của trang worldometers.info, tính tới 23 giờ 59 phút ngày 16/11, các nước thuộc Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) ghi nhận thêm 26.962 ca mắc mới COVID-19 và. 51 ca tử vong. Tổng số ca bệnh hiện đã lên tới 13.661.610 trường hợp và 285.377 ca tử vong. Toàn khối có 12.949.647 bệnh nhân đã bình phục.

Tình hình dịch bệnh tại Đông Nam Á nhìn chung đang tiếp tục xu hướng giảm nhiệt. Trong 24 giờ qua, có 8 quốc gia ghi nhận ca tử vong, trong đó ca tử vong ở Philippines giảm mạnh xuống còn 99 ca, so với mức trên dưới 200 ca trong những ngày trước. Ca nhiễm mới ở Philippines cũng giảm mạnh xuống dưới ngưỡng 1.000 ca trong ngày 16/11.

Cùng ngày, Việt Nam ghi nhận 10.259 ca nhiễm mới, đứng đầu khu vực, và 87 ca tử vong mới. Cho đến nay, nước ta đã ghi nhận 1.045.397 ca nhiễm và 870.997 ca hồi phục.

Khách du lịch đeo khẩu trang phòng dịch COVID-19 tại Bangkok, Thái Lan, ngày 2/11/2021. Ảnh: THX/ TTXVN

Khách du lịch đeo khẩu trang phòng dịch COVID-19 tại Bangkok, Thái Lan, ngày 2/11/2021. Ảnh: THX/ TTXVN

Số ca nhiễm trên đà giảm, nhưng Thái Lan vẫn đứng thứ hai khu vực về ca nhiễm mới, với 5.947 ca trong ngày 16/11. Nước này đã chấm dứt áp đặt lệnh giới nghiêm ban đêm tại 17 tỉnh, trong đó có thủ đô Bangkok, từ ngày 31/10 để hỗ trợ kế hoạch mở cửa đón du khách quốc tế đã tiêm đầy đủ vaccine ngừa COVID-19 từ đầu tháng 11. Tuy nhiên, tình hình dịch phức tạp đã khiến Chính phủ Thái Lan ngày 12/11 đã quyết định lùi thời điểm mở lại các địa điểm giải trí vào ban đêm trên toàn quốc cho tới ít nhất là giữa tháng 1/2022 do lo ngại việc mở lại những địa điểm này có thể dẫn tới bùng nổ lây nhiễm mới.

Diễn biến dịch vẫn phức tạp tại Malaysia, với ca nhiễm mới trồi sụt quanh khoảng 5.000-6.000 ca. Gần 95% dân số trưởng thành tại Malaysia đã hoàn thành tiêm vaccine ngừa COVID-19. Có 2,54 triệu trẻ vị thành niên từ 12-17 tuổi - tương đương 80,8% nhóm dân số độ tuổi này - đã tiêm ít nhất một mũi vaccine.

Diễn biến dịch tại Campuchia ổn định ở mức kiểm soát rất tốt, chỉ với 48 ca nhiễm, 4 ca tử vong trong một ngày qua, là động lực mạnh mẽ để nhà chức trách thực hiện mở cửa trở lại đất nước.

Từ một điểm nóng của khu vực và thế giới, diễn biến dịch tại Indonesia đã giảm rất mạnh. Trong ngày 16/11 nước này chỉ ghi nhận 347 ca nhiễm mới và 15 ca tử vong mới.

Nhân viên y tế tiêm vaccine phòng COVID-19 của hãng Sinovac cho học sinh tại Lhokseumawe, Aceh, Indonesia, ngày 4/10/2021. Ảnh: AFP/ TTXVN

Nhân viên y tế tiêm vaccine phòng COVID-19 của hãng Sinovac cho học sinh tại Lhokseumawe, Aceh, Indonesia, ngày 4/10/2021. Ảnh: AFP/ TTXVN

Myanmar sắp mở lại các đường biên giới

Tờ Straits Times dẫn phát biểu của Bộ trưởng Thông tin Myanmar., Maung Maung Ohn ngày 16/11 cho biết, nước này sẽ mở lại các đường biên giới quốc tế trên bộ cho du khách quốc tế trong tháng 12 tới. Đây là một bước đi nhằm mở đường cho khôi phục kinh doanh và thu hút đầu tư nước ngoài.

Cùng ngày Hội đồng Hành chính Nhà nước Myanmar, do quân đội lập ra, thông báo sẽ mở cửa lại các đường biên giới trên bộ với Trung Quốc và Thái Lan vào tháng 12, trước khi xúc tiến kế hoạch mở lại du lịch đường không quốc tế vào cuối quý 1 năm 2022 "khi tỉ lệ tiêm chủng COVID-19 đã cải thiện đáng kể".

Thông báo trên trang web của Bộ Thông tin Myanmar cho biết: "Các giới hạn đi lại sẽ được nới lỏng tại Muse, Myanmar, giáp biên giới với thành phố Ruili, tỉnh Vân Nam, Trung Quốc", và tại ba thị trấn Myanmar khác gồm Tachileik, Kawthaung và Htee Kee, giáp biên giới Thái Lan".

Hội đồng Hành chính Nhà nước Myanmar thông báo sẽ mở lại biên giới với Trung Quốc, Thái Lan. Ảnh: Reuters

Hội đồng Hành chính Nhà nước Myanmar thông báo sẽ mở lại biên giới với Trung Quốc, Thái Lan. Ảnh: Reuters

Bộ trưởng Maung Maung Ohn cho biết, dịch COVID-19 "không còn là vấn đề" tại Myanmar, và chính phủ tiếp tục nhận vaccine chủ yếu từ Trung Quốc và các nhà tài trợ khác.

Hôm 12/11, Bộ Y tế Myanmar thông báo, 14,4 triệu công dân trên 18 tuổi đã được tiêm ít nhất 1 mũi vaccine COVID-19, tương đương 42,5% dân số. Tỉ lệ này sẽ tăng lên khoảng 50% vào cuối năm nay.

Lào: Ca nhiễm vọt cao kỷ lục

Cùng ngày, Bộ Y tế Lào cho biết trong 24 giờ qua, nước này ghi nhận 1.306 ca mắc mới COVID-19, nâng tổng số ca nhiễm tại Lào đến nay lên tới 56.324 trường hợp. Đây là ngày Lào ghi nhận số ca mắc COVID-19 mới cao nhất từ trước tới nay.

Bộ Y tế Lào cho biết, sau hai ngày giảm xuống mức 3 chữ số, ngày 16/11 nước này lại ghi nhận số ca mắc COVID-19 mới tăng lên tới 1.290 ca lây nhiễm trong cộng đồng tại 16 tỉnh, thành, còn lại là các trường hợp nhập cảnh được cách ly ngay.

Bộ Y tế Lào cũng cho biết, nước này vừa ghi nhận thêm 6 trường hợp tử vong do COVID-19, nâng tổng số ca tử vong từ đầu dịch đến nay lên 110 người.

Một đường phố ở thủ đô Viêng Chăn, Lào, ngày 12/9/2021. Ảnh: THX/TTXVN

Một đường phố ở thủ đô Viêng Chăn, Lào, ngày 12/9/2021. Ảnh: THX/TTXVN

Trước tình hình trên, Chính phủ yêu cầu các địa phương khẩn trương truy vết, điều trị cho người nhiễm bệnh và đưa người tiếp xúc gần đi xét nghiệm, cách ly tại các cơ sở theo đúng qui định. Đồng thời, Chính phủ Lào cấm tổ chức các hội nghị, họp hành tập trung quá 50 người, bao gồm các lễ hội và hoạt động tôn giáo; cấm tổ chức tiệc tùng, tụ tập và các sự kiện xã hội ở mọi địa điểm để phòng ngừa lây nhiễm dịch bệnh.

Thái Lan mở lại hai cửa khẩu với Malaysia

Giới chức Malaysia ngày 15/11 đã chấp nhận đề xuất của Thái Lan về việc mở lại các cửa khẩu Tak Bai và Buke Ta ở tỉnh Narathiwat. Hai cửa khẩu này trước đó đã tạm thời phải đóng cửa nhằm hạn chế sự lây lan của dịch COVID-19. Bộ trưởng Thương mại Thái Lan Jurin Laksanawisit nhấn mạnh nước này kỳ vọng việc mở trở lại 2 cửa khẩu Tak Bai và Buke Ta sẽ giúp tạo ra doanh thu thương mại ít nhất 600 triệu baht (18,32 triệu USD).

Bộ trưởng Jurin cho biết thêm Thái Lan có 97 cửa khẩu với các nước láng giềng và 46 cửa khẩu trong số đó đã nối lại các hoạt động xuyên biên giới nhờ tình hình COVID-19 lắng dịu. Tất cả 9 cửa khẩu ở 4 tỉnh vùng cực Nam của Thái Lan sẽ đi vào hoạt động sau khi 2 cửa khẩu Tak Bai và Buke Ta được mở trở lại.

Nhân viên y tế kiểm tra thân nhiệt của người dân tại trạm kiểm soát ở Rimnam, tỉnh Narathiwat, Thái Lan. Ảnh: AFP/ TTXVN

Nhân viên y tế kiểm tra thân nhiệt của người dân tại trạm kiểm soát ở Rimnam, tỉnh Narathiwat, Thái Lan. Ảnh: AFP/ TTXVN

Bộ trưởng Jurin nêu rõ trong 9 tháng đầu năm nay, thương mại xuyên biên giới của Thái Lan đạt 1.270 tỷ baht, tăng 31,67% so với cùng kỳ năm 2020. Xuất khẩu đóng góp 778,36 tỷ baht, tăng 38,06% so với cùng kỳ năm ngoái, trong khi nhập khẩu trị giá 497,17 tỷ baht (39 tỷ USD), tăng 22,78% so với cùng kỳ năm trước. Malaysia là đối tác thương mại xuyên biên giới lớn nhất của Thái Lan, với tổng kim ngạch thương mại trong 9 tháng đầu năm 2021 đạt 239 tỷ baht (7,3 tỷ USD), tăng 36,47% so với cùng kỳ năm ngoái và chiếm 35,73% tổng kim ngạch thương mại qua biên giới.

Philippines bỏ yêu cầu đeo kính chắn giọt bắn

Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte cho biết yêu cầu đeo kính chắn giọt bắn sẽ được dỡ bỏ ở một số khu vực của nước này. Quyết định này nới lỏng lệnh bắt buộc đeo kính chắn phòng dịch được áp dụng trong hơn một năm qua.

Trước đó, một cuộc điều tra của Thượng viện đã xem xét những cáo buộc rằng những chiếc kính che mặt do chính phủ mua đã được định giá quá cao - một tuyên bố mà các quan chức nội các phủ nhận. Ông Duterte vào tối 15/11 cũng đã thông qua khuyến nghị của Bộ Y tế cho các nhân viên y tế liều vaccine tăng cường.

Kính che mặt sẽ không còn bắt buộc ở nhiều khu vực của Philippines. Ảnh: AFP

Kính che mặt sẽ không còn bắt buộc ở nhiều khu vực của Philippines. Ảnh: AFP

Trong những ngày qua, số ca nhiễm hàng ngày tại Philippines đã giảm xuống dưới 2.000 ca. Tổng thống Duterte cho biết nền kinh tế Philippines "có thể sớm trở lại hoạt động trước đại dịch" sau khi đạt được "lực kéo" trong quý trước nhờ tiêu dùng hộ gia đình tăng mạnh.

Indonesia cân nhắc chương trình "Làn du lịch đã tiêm chủng"

Chính phủ Indonesia đang xem xét khả năng tham gia vào chương trình "Làn du lịch đã tiêm chủng" để vực dậy ngành du lịch của nước này.

"Làn du lịch đã tiêm chủng" là một khái niệm du lịch được nhiều quốc gia trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương đưa ra, nhằm cho phép khách du lịch đã tiêm vaccine ngừa COVID-19 được đi lại giữa các quốc gia tham gia chương trình này.

Chính phủ Indonesia cũng sẽ xem xét kỹ lưỡng căn cứ vào tình hình đại dịch trong nước và các lượt đến-đi Indonesia của khách du lịch nước ngoài trong thời gian gần đây trước khi thiết lập bất kỳ thỏa thuận du lịch nào.

Trước đó, Indonesia và Malaysia đã thảo luận và lên kế hoạch mở cửa hành lang du lịch song phương nhằm khôi phục ngành du lịch của hai nước.

Người dân xếp hàng chờ tiêm vaccine phòng COVID-19 tại Kuala Lumpur, Malaysia. Ảnh: AFP/TTXVN

Người dân xếp hàng chờ tiêm vaccine phòng COVID-19 tại Kuala Lumpur, Malaysia. Ảnh: AFP/TTXVN

Thu Hằng/Báo Tin tức

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/the-gioi/covid19-tai-asean-het-1611-dich-khong-thanh-van-de-myanmar-sap-mo-lai-bien-gioi-20211116224108298.htm