COVID-19: Tây Ban Nha nới lỏng hạn chế, Iran có trên 60% ca hồi phục

Trước diễn biến phức tạp của dịch COVID-19, các quốc gia trên thế giới đã có những biên pháp khác nhau để đối phó với dịch bệnh, như nới lỏng hạn chế để kích thích kinh tế, hoặc tăng cường phong tỏa.

Nhân viên y tế chuyển bệnh nhân mắc COVID-19 tại Madrid, Tây Ban Nha ngày 11/4/2020. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nhân viên y tế chuyển bệnh nhân mắc COVID-19 tại Madrid, Tây Ban Nha ngày 11/4/2020. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Trước diễn biến phức tạp của dịch COVID-19, các quốc gia trên thế giới đã có những biên pháp khác nhau để đối phó với dịch bệnh, như nới lỏng hạn chế để kích thích kinh tế, hoặc tăng cường phong tỏa.

Châu Âu: Tây Ban Nha nới lỏng các biện pháp hạn chế

Trong một động thái phản ánh tình hình dịch bệnh đang diễn biến theo chiều hướng tích cực, ngày 13/4, chính phủ Tây Ban Nha đã nới lỏng một số biện pháp hạn chế sau hai tuần áp dụng trên toàn quốc.

Theo đó, các hoạt động “không thiết yếu” như văn phòng, xây dựng, công nghiệp đã được phép hoạt động trở lại.

Việc nới lỏng các biện pháp hạn chế được thực hiện theo Sắc lệnh ngày 29/3 của chính quyền Thủ tướng Pedro Sánchez.

Cùng với đó, Tây Ban Nha tiếp tục áp dụng các biện pháp hạn chế sự lây lan của dịch bệnh COVID-19 như thực hiện giãn cách xã hội, yêu cầu người dân tuân thủ việc sử dụng chất khử trùng và đeo khẩu trang…

Các lực lượng chức năng tiếp tục tiến hành kiểm tra việc tuân thủ các quy định trên đường phố, phát miễn phí 10 triệu khẩu trang trên các phương tiện giao thông công cộng cho những người không thể đi làm bằng phương tiện cá nhân, phổ biến các chỉ dẫn đảm bảo vệ sinh và an toàn sức khỏe ở những nơi công cộng, tiếp tục duy trì việc đóng cửa đối với trường học, rạp chiếu phim, nhà hát, nhà hàng và quán bar.

Theo thông báo ngày 13/4 của Bộ Y tế Tây Ban Nha, trong 24 giờ qua, nước này ghi nhận thêm 517 ca tử vong, nâng tổng số ca không qua khỏi tại đây lên 17.489 ca. Tổng số ca mắc tăng từ 166.019 ca lên 169.496 ca.

Vào thời kỳ đỉnh điểm, số bệnh nhân COVID-19 tử vong tại Tây Ban Nha lên tới gần 1.000 người trong vòng một ngày.

Trong khi đó, tình hình dịch bệnh tác một số nước châu Âu khác những có diễn biến mới. Ngày 13/4, Viện Robert Koch - cơ quan kiểm soát dịch bệnh của Đức - cho biết nước này đã ghi nhận thêm 2.537 ca mắc bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19, nâng tổng số ca mắc tại đây lên 123.016 ca trong 24 giờ qua.

Tổng số ca tử vong tại Đức tăng thêm 126 ca lên 2.799 ca. Trong khi đó, tổng cộng 64.300 bệnh nhân đã bình phục và xuất viện, tăng 4.000 người so với một ngày trước.

Châu Á: Lần đầu tiên trong ngày 7 ngày, số ca nhiễm mới tại Nhật Bản dưới 100 người

Ngày 13/4, truyền thông Nhật Bản đưa tin thủ đô Tokyo ghi nhận thêm 91 ca. Như vậy, số ca nhiễm mới ngày 13/4 đã giảm so với con số 166 ca nhiễm mới một ngày trước đó và đây cũng là lần đầu tiên số ca nhiễm mới trong ngày giảm xuống mức dưới 100 trong vòng 1 tuần qua.

Hiện tổng số ca mắc COVID-19 tại Tokyo là 2.159 ca. Đặc biệt, số ca nhiễm ở nhóm trẻ tuổi và không rõ nguồn lây gia tăng.

Hồi tuần trước, Tokyo ban bố tình trạng khẩn cấp, yêu cầu người dân ở nhà, chỉ ra ngoài khi thực sự cần thiết.

Cũng trong ngày 13/4, Chánh Văn phòng Nội các Nhật Bản Yoshihide Suga cho biết chính phủ nước này hiện chưa nhận thấy lý do gì để mở rộng lệnh tình trạng khẩn cấp đang được áp dụng tại Tokyo và 6 thành phố khác trên cả nước.

Nhiều cửa hàng đóng cửa do dịch COVID-19 tại Tokyo, Nhật Bản, ngày 7/4/2020. (Ảnh: THX/TTXVN)

Nhiều cửa hàng đóng cửa do dịch COVID-19 tại Tokyo, Nhật Bản, ngày 7/4/2020. (Ảnh: THX/TTXVN)

Hồi tuần trước, chính phủ Nhật Bản ban bố tình trạng khẩn cấp, tăng cường quyền hạn cho chính quyền Tokyo và 6 tỉnh chịu tác động mạnh của dịch bệnh, yêu cầu người dân ở nhà, các doanh nghiệp ngừng hoạt động, nhưng không có chế tài xử phạt những người không tuân thủ

Từ ngày 14/3, chính quyền các tỉnh Fukuoka và Osaka, hai trong số 7 tỉnh thành áp dụng lệnh tình trạng khẩn cấp, yêu cầu một số doanh nghiệp như các hộp đêm, các rạp chiếu phim và nhà trọ, đóng cửa trong vòng gần một tháng để ngăn chặn dịch bệnh lây lan.

Quyết định đóng cửa các doanh nghiệp kể trên được đưa ra khi chính quyền hai tỉnh này nhận thấy sau một tuần áp dụng các biện pháp khẩn cấp, số ca mắc mới vẫn gia tăng. Các siêu thị, cửa hàng tiện ích và những cửa hàng bán nhu yếu phảm sẽ vẫn hoạt động. Trước đó, thủ đô Tokyo và các tỉnh lân cận đã áp dụng biện pháp này.

Afghanistan cũng thông báo thêm 59 ca nhiễm virus SARS-CoV-2, nâng tổng số ca mắc bệnh COVID-19 tại quốc gia này lên 655 ca. Theo Bộ Y tế Afghanistan, tổng số ca tử vong vì dịch bệnh tại quốc gia Nam Á là 21 ca và 38 ca đã được điều trị khỏi bệnh.

Trong khi đó, Bangladesh ghi nhận số ca nhiễm mới trong 24 giờ qua cao nhất từ trước tới nay - 182 ca, nâng tổng số bệnh nhân COVID-19 lên 803 người và số người tử vong là 39.

Trung Đông: Đã có trên 60% bệnh nhân ở Iran bình phục

Cùng ngày 13/4, một quan chức y tế Iran thông báo số ca tử vong vì nhiễm virus SARS-CoV-2 gây bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 tại quốc gia này đã tăng thêm 111 ca, lên tổng số 4.585 ca.

Chia sẻ trên tài khoản Twitter, ông Alireza Vahabzadeh, một cố vấn của Bộ trưởng Y tế Iran, cho biết với 1.617 ca nhiễm mới được ghi nhận trong vòng 24 giờ qua, tổng số ca nhiễm virus tại quốc gia này tăng lên 73.303 người.

Điểm sáng ở quốc gia Hồi giáo này là bệnh nhân được điều trị khỏi cũng đã lên đến 45.983 người.

Ngày 13/4, Kuwait ghi nhận thêm 66 ca nhiễm virus SARS-CoV-2 và 1 ca tử vong, nâng tổng số ca mắc bệnh ở nước này lên 1.300 và 2 ca tử vong.

Kuwait ghi nhận ca tử vong đầu tiên do COVID-19 ở nước này là vào ngày 4/4 vừa qua. Chính phủ Kuwait đã quyết định áp đặt lệnh giới nghiêm trên toàn quốc nhằm kiềm chế sự lây lan của virus SARS-CoV-2.

Trước đó, ngày 13/3, chính phủ Kuwait đã đình chỉ toàn bộ các chuyến bay thương mại và cũng ra quyết định đóng cửa các cửa hàng, trung tâm thương mại...

Châu Phi: Nam Phi cảnh báo tình trạng tội phạm gia tăng trong thời gian phong tỏa

Ngày 13/4, Tổng thống Nam Phi Cyril Ramaphosa đưa ra cảnh báo mạnh mẽ tới những kẻ đang lợi dụng tình trạng phong tỏa toàn quốc để tiến hành hành vi tội phạm rằng các lực lượng bảo vệ pháp luật nước này đang tăng cường hoạt động nhằm trừng trị thích đáng những kẻ phạm tội.

Theo phóng viên TTXVN tại Pretoria, thông điệp của Tổng thống Ramaphosa được đưa ra trong bối cảnh hàng chục trường học và cơ sở giáo dục đã bị các nhóm tội phạm tấn công và cướp tài sản kể từ khi quốc gia này bắt đầu áp đặt lệnh phong tỏa hôm 27/3 vừa qua nhằm ngăn chặn sự lây lan của dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19. Ngoài ra, công ty điện lực quốc gia Eskom cũng thông báo tình trạng một lượng lớn dây cáp và các thiết bị truyền tải điện đã bị lấy trộm.

Ông Ramaphosa cho biết tội phạm đang lợi dụng tình trạng phong tỏa để vi phạm pháp luật, đặc biệt giữa lúc các lực lượng chức năng đang phải tập trung nguồn lực nhằm hỗ trợ công tác phòng chống dịch COVID-19.

Nam Phi bước sang ngày thứ 17 áp đặt lệnh phong tỏa được dự kiến sẽ kết thúc vào cuối tháng 4 tới. Theo quy định, trong thời gian lệnh phong tỏa có hiệu lực, người dân không được phép ra khỏi nhà, trừ một số trường hợp đặc biệt như đi khám bệnh, mua thực phẩm thiết yếu, thuốc men, đi nhận tiền trợ cấp hay dự đám tang người thân.

Theo cảnh sát Nam Phi, riêng tại tỉnh Gauteng, nơi có thủ đô Pretoria và thủ phủ kinh tế Johannesburg, ít nhất 55 trường học và cơ sở giáo dục đã bị cướp phá kể từ khi chính phủ bắt đầu áp đặt lệnh phong tỏa cuối tháng trước. Ngoài ra, bọn tội phạm cũng đã thực hiện hàng loạt vụ cướp bóc cửa hàng trên cả nước. Ít nhất 3 phụ nữ tại quốc gia này đã bị hãm hiếp và giết hại trong hơn 2 tuần phong tỏa vừa qua.

Theo thống kê của Bộ Y tế Nam Phi, sau hơn một tháng kể từ khi ghi nhận ca mắc COVID-19 đầu tiên, cho đến ngày 12/4, nước này đã ghi nhận 1.173 ca nhiễm virus SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19, trong đó có 25 ca tử vong.

Còn tại Nigeria, số ca nhiễm mới tại nước này đã lên tới 323 sau khi có thêm 5 ca nhiễm mới ngày 13/4. Theo Trung tâm Kiểm soát Dịch bệnh Nigeria (NCDC), nước này đến nay ghi nhận 10 ca tử vong do COVID-19.

Thành phố Lagos, trung tâm kinh tế của nước này vẫn là tâm dịch với 176 ca nhiễm trong khi thủ đô Abuja có 56 ca nhiễm virus SARS-CoV-2.

Các số liệu chính thức được công bố ngày 13/4 cho thấy trong những ngày cuối tuần qua, lực lượng an ninh Maroc đã bắt giữ hơn 4.300 người do vi phạm các quy định khẩn cấp vốn được triển khai nhằm ngăn ngừa dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19.

Cũng theo số liệu của Lực lương an ninh quốc gia Maroc (DGSN), hơn một nửa số đối tượng trên đã bị giam giữ. Số vụ bắt giữ tập trung tại trung tâm kinh tế Casablanc và thủ đô Rabat.

Kể từ giữa tháng 3, nhà chức trách đã bắt giữ 28.701 người trên khắp đất nước Bắc Phi này, trong đó 15.545 người đã bị đưa ra trình diện trước tòa. Người vi phạm biện pháp nhằm kiềm chế dịch bệnh lây lan có thể bị phạt tù tới 3 tháng hoặc phạt tiền lên tới 130 USD hoặc cả hai.

Maroc đã áp đặt tình trạng y tế khẩn cấp vào ngày 19/3, yêu cầu mọi người dân ở trong nhà và những trường hợp ra ngoài làm việc phải có giấy phép. Tuần trước, nhà chức trách đã ban hành quy định đeo khẩu trang ở nơi công cộng.

Maroc đã ghi nhận 1.746 trường hợp COVID-19, với 120 trường hợp tử vong và 196 ca phục hồi. Tình trạng kinh tế tê liệt do đại dịch COVID-19 gây ra đã khiến cuộc sống của hàng triệu người Maroc rơi vào tình trạng bấp bênh, với phần lớn lực lượng lao động là những lao động tự do, có công việc không ổn định và ít có cơ hội tiếp cận với an sinh xã hội.

Nhà chức trách nước này đang nỗ lực xác định các hộ gia đình nghèo để trực tiếp hỗ trợ tài chính cũng như lương thực, thực phẩm./.

(TTXVN/Vietnam+)

Nguồn VietnamPlus: http://www.vietnamplus.vn/covid19-tay-ban-nha-noi-long-han-che-iran-co-tren-60-ca-hoi-phuc/634234.vnp