Covid-19: Thế giới trước viễn cảnh không đạt được 'miễn dịch toàn cầu'

Do nhiều quốc gia thu nhập thấp vẫn chưa tiêm phòng Covid-19 đầy đủ, có nhiều ý kiến cho rằng thế giới đã mất đi động lực thúc đẩy tiêm chủng.

Vào giữa năm ngoái, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) khởi động một mục tiêu đầy tham vọng và cần thiết nhằm sớm chấm dứt đại dịch, đó là các quốc gia trên thế giới đạt mục tiêu tiêm vaccine ngừa Covid-19 cho 70% dân số.

Hoàn thành mục tiêu trên đúng thời hạn có vẻ không phải là điều quá xa vời với tình hình hiện tại tại các quốc gia. Tuy nhiên nhiều chuyên gia y tế cho rằng, nhiều quốc gia có thu nhập thấp có thể không bao giờ đạt tỉ lệ tiêm chủng ngừa Covid-19 như mong muốn, trong bối cảnh nguồn tài trợ cần thiết từ Mỹ đã bị cạn kiệt, và các chính phủ và các nhà tài trợ đều chuyển sang các ưu tiên khác.

Tiêm vaccine phòng Covid-19 ở Quảng trường Kathmandu Durbar, Nepal. (Nguồn: EPA)

Tiêm vaccine phòng Covid-19 ở Quảng trường Kathmandu Durbar, Nepal. (Nguồn: EPA)

Những con số đáng ngại

Ông Isaac Adewole, cựu Bộ trưởng Bộ Y tế Nigeria, hiện là cố vấn tại Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh châu Phi, cho biết: “Thực tế là động lực để tiêm chủng đã không còn nữa".

Chỉ một số ít trong 82 quốc gia thu nhập thấp nhất thế giới - bao gồm Bangladesh, Bhutan, Campuchia và Nepal - đạt ngưỡng 70% dân số được tiêm chủng. Trong khi đó, khoảng 2/3 các nước giàu nhất thế giới đã đạt 70% (với Mỹ là 66 %).

Theo các chuyên gia y tế, việc từ bỏ mục tiêu bao phủ tiêm chủng trên toàn thế giới có thể dẫn đến những hậu quả nghiêm trọng, như sự xuất hiện của các biến thể nguy hiểm mới, đe dọa những nỗ lực sống chung với virus corona của thế giới.

Ông Seth Berkley, giám đốc điều hành của Liên minh Toàn cầu về Vaccine và Tiêm chủng (GAVI), tổ chức phi lợi nhuận điều hành cơ chế COVAX, cho biết: “Đại dịch này vẫn chưa kết thúc, vẫn còn xa lắm, và các quốc gia bắt buộc phải sử dụng những mũi tiêm sẵn có của mình để bảo vệ càng nhiều dân số càng tốt”.

Nhiều nước ở Đông Âu và Trung Đông gần đây đã giảm tỉ lệ tiêm chủng chống Covid-19, chỉ đạt dược mức 1/3 tổng dân số. Tuy nhiên, tỉ lệ thấp nhất vẫn là tại châu Phi.

Không đầy 17% dân số châu Phi được tiêm phòng Covid-19. Gần một nửa số liều vacine được gửi đến lục địa này đã không được sử dụng. Tháng 3 vừa qua, số liều tiêm trên lục địa này đã giảm 35% so với tháng 2. Các quan chức của WHO cho rằng việc các chiến dịch tiêm chủng hàng loạt đã được thay thế bằng các đợt quy mô nhỏ hơn ở một số quốc gia.

Theo một số chuyên gia y tế toàn cầu, năm thế giới đã bỏ lỡ cơ hội quan trọng khi không cung cấp đủ vaccine cho các quốc gia có thu nhập thấp vào thời điểm mà người dân đang rất lo sợ về Covid-19 và có động lực để tiêm chủng.

“Đã có lúc người dân rất muốn được tiêm vaccine, nhưng vaccine lại không có sẵn. Nhưng về sau, họ nhận ra rằng nếu không tiêm chủng, họ vẫn không chết”, ông Adewole cho biết.

‘Miễn dịch toàn cầu’ còn khả thi?

Chiến dịch tiêm chủng toàn cầu đã gặp trở ngại nhiều bởi sự thiếu hụt về kinh phí mua các thiết bị, phương tiện vận chuyển và nhân lực cần thiết để có được các mũi tiêm cho người dân.

Sự sụt giảm về nhu cầu tiêm vaccine trên thế giới đã khiến một số quan chức y tế và chuyên gia nghi hoặc và đặt câu hỏi liệu mục tiêu tiêm chủng 70% còn khả thi hay không.

Các khu vực như châu Phi thời gian qua ghi nhận số ca tử vong do Covid-19 thấp, nhiều nước cũng đã bắt đầu coi Covid-19 là bệnh không gây ra mối đe dọa nghiêm trọng. Vì vậy, một số nước châu Phi đã chuyển sang tập trung nguồn lực vào phòng chống các bệnh phổ biến hơn như HIV/AIDS, sởi...

Liên minh châu Phi (AU) vẫn đặt mục tiêu tiêm chủng cho 70% dân số vào cuối năm 2022. Nhưng với thực tế có nhiều quốc gia chậm sử dụng nguồn vaccine hỗ trợ từ các nước giàu, khối này cũng đã ngừng việc đặt thêm vaccine từ Johnson & Johnson và Moderna.

Bên cạnh đó, một số nhà sản xuất vaccine ngừa Covid-19 lớn, như Viện Huyết thanh Ấn Độ và Bharat Biotech (Ấn Độ), cũng đã tạm dừng việc san xuất do nhu cầu mua thấp, cũng như lượng vaccine dự trữ quá nhiều.

Tuy nhiên, một số chuyên gia y tế vẫn khá lạc quan với mục tiêu ‘miễn dịch toàn cầu’. Ví dụ, mặc dù giảm so với đỉnh điểm của tháng 2, tỷ lệ tiêm vaccine mỗi ngày ở châu Phi vẫn khá cao. Bên cạnh đó, đầu tháng này, GAVI đã nhận được một loạt cam kết tài trợ mới trị giá 4,8 tỷ USD.

Ngoài ra, Mỹ cũng đã lên kế hoạch đồng tổ chức một hội nghị thượng đỉnh toàn cầu về Covid-19 vào tháng 5 tới, được hy vọng sẽ tạo thêm những động lực mới về tài trợ vaccine.

Tủ lạnh bảo quản vaccine Covid-19 được cung cấp theo cơ chế COVAX, đặt tại Juba, Nam Sudan. (Nguồn: NY Times)

Tủ lạnh bảo quản vaccine Covid-19 được cung cấp theo cơ chế COVAX, đặt tại Juba, Nam Sudan. (Nguồn: NY Times)

Hướng đi mới?

Thực tế là các loại vaccine hiện tại khó có thể chống lại sự lây nhiễm của biến thể Omicron. Năm ngoái, khi các quốc gia châu Phi hạ Sahara không được ưu tiên trong việc nhận vaccine, ngày càng nhiều người châu Phi có được miễn dịch chống virus thông qua việc lây nhiễm tự nhiên.

Với những yếu tố này, một số chuyên gia y tế công cộng ở châu Phi cho rằng mục tiêu 70% không còn ý nghĩa, ít nhất đối với những người trẻ tuổi. Do vậy, người ta đặt câu hỏi có nên dồn nguồn lực vào tiêm chủng cho những người dễ bị tổn thương hay không.

Bà Katherine O’Brien, Giám đốc phụ trách về miễn dịch, tiêm chủng và sinh học của WHO, cho biết cơ quan này khuyến khích các quốc gia tập trung vào những công dân dễ bị tổn thương nhất thay vì tiêm chủng “ngẫu nhiên 70%” trong dân số của họ.

Khát vọng mà bà O’Brien nói luôn là "100% nhân viên y tế, 100% người lớn tuổi, 100% phụ nữ mang thai, 100% những người rơi vào nhóm có nguy cơ cao nhất."

Tất nhiên, các quốc gia có thể đưa ra quyết định về mục tiêu y tế mà họ muốn ưu tiên, nhưng sự hạn chế nguồn lực không nên là trở ngại cho việc tiêm chủng phòng Covid-19. “Thế giới có đủ nguồn lực để làm điều này, nếu các quốc gia muốn làm điều đó", bà nói.

Một số chuyên gia y tế công cộng nói rằng mặc dù ngưỡng tiêm chủng 70% dân số toàn cầu rõ ràng là không thể đạt được trước thời hạn ban đầu, tức tháng 6/2022, nhưng sẽ không khôn ngoan và thiếu đạo đức nếu từ bỏ mục tiêu đó.

Họ bày tỏ sự thất vọng về khoảng cách ngày càng lớn giữa các quốc gia giàu có trong việc tiêm chủng cho trẻ nhỏ và cung cấp liều vaccine thứ tư cho người lớn khỏe mạnh, trong khi có các khu vực mà phần lớn mọi người vẫn chưa được tiêm một liều.

Tiến sĩ Ayoade Alakija, đồng Chủ tịch chương trình phân phối vaccine của Liên minh châu Phi cho biết, mặc dù nhiều người ở châu Phi hạ Sahara đã bị nhiễm bệnh, nhưng những người này vẫn cần được tiêm vaccine đầy đủ để có khả năng miễn dịch toàn diện hơn.

(theo New York Times)

Đài Trang

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/covid-19-the-gioi-truoc-vien-canh-khong-dat-duoc-mien-dich-toan-cau-181543.html