COVID-19 tới 6 giờ sáng 29/8: Thế giới 24.873.666 ca bệnh, 840.157 người tử vong
Trong 24 giờ qua, thế giới ghi nhận 257.706 trường hợp mắc COVID-19 và 5.191 ca tử vong. Tổng số ca nhiễm virus SARS-CoV-2 trên toàn cầu tăng lên trên 24,87 triệu người.
Theo số liệu thống kê của trang worldometers.info, cập nhật đến 6 giờ sáng 29/8 (giờ Việt Nam), tổng số ca nhiễm virus Corona chủng mới (SARS-CoV-2) gây bệnh viêm đường hô hấp cấp (COVID-19) trên toàn cầu là 24.873.666 ca, trong đó có 840.157 người thiệt mạng.
Dịch bệnh đến nay xuất hiện và lây lan ở 213 quốc gia và vùng lãnh thổ. Các nước cũng ghi nhận 17.271.052 bệnh nhân được điều trị khỏi, số ca nguy kịch giảm còn 61.263 ca và 6.762.457 ca đang điều trị tích cực.
Ngày 28/8, thế giới có tới 149 quốc gia và vùng lãnh thổ ghi nhận ca COVID-19 mới; 91 quốc gia/vùng lãnh thổ có các ca tử vong vì đại dịch. So với các ngày qua, số ca tử vong và ca bệnh mới tại nhiều nước ghi nhận trong 24 giờ qua giảm nhẹ.
Trong 1 ngày qua, các nước ghi nhận số ca dương tính với virus SARS-CoV-2 nhiều nhất thế giới là Ấn Độ (76.665 ca), Mỹ (48.112 ca) và Brazil (45.223 ca); trong khi đó Ấn Độ (với 1.019 ca), Mỹ (991 ca), Brazil (845 ca) và Mexico (518 ca) ghi nhận số ca tử vong cao nhất.
Dịch COVID-19 tiếp tục diễn biến phức tạp tại nhiều quốc gia, tiềm ẩn nguy cơ lớn. Diễn biến dịch bệnh đáng lo ngại xuất hiện trở lại ở một số khu vực của thế giới, sau khi một số quốc gia đối mặt với sự bùng phát đợt dịch mới.
Mỹ tiếp tục là quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của đại dịch COVID-19 trên thế giới, với 6.091.857 ca mắc và 185.787 ca tử vong. Tiếp đến là Brazil với 3.812.605 ca mắc, 119.571 ca tử vong và Ấn Độ với 3.461.240 ca bệnh và 62.713 trường hợp tử vong.
Thủ tướng Peru Walter Martos ngày 28/8 đã phải gia hạn tình trạng khẩn cấp quốc gia để đối phó với đại dịch COVID-19, đồng thời ban hành biện pháp cách ly xã hội tại một số địa phương bị ảnh hưởng nặng nhất của đại dịch này.
Theo đó, lệnh tình trạng khẩn cấp sẽ được kéo dài đến ngày 30/9. Bốn tỉnh phải thực hiện cách ly xã hội gồm Cusco, Moquegua, Puno và Tacna. Chính quyền các tỉnh này chỉ cho phép mở cửa những cơ sở kinh doanh hàng hóa và dịch vụ cơ bản, cũng như một số ngành nghề có giấy phép hoạt động đặc biệt.
Peru hiện là nước chịu ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 lớn thứ hai ở Nam Mỹ, sau Brazil, với 621.997 ca nhiễm tính đến thời điểm hết ngày 28/8.
Tại châu Á, trong ngày 28/8, Bộ Y tế và phúc lợi gia đình Ấn Độ xác nhận thêm 76.665 ca nhiễm virus SARS CoV-2, mức tăng cao nhất trong một ngày, nâng tổng số ca nhiễm ở nước này lên 3,4 triệu ca. Trong khi đó, với 1.019 ca tử vong trong 24 giờ qua, tổng số ca tử vong tại Ấn Độ đã tăng lên 62.713.
Đây là ngày thứ hai liên tiếp Ấn Độ ghi nhận trên 75.000 ca nhiễm, và ngày thứ ba liên tiếp ghi nhận trên 1.000 ca tử vong. Đến nay, Maharashtra tiếp tục là bang bị ảnh hưởng nặng nề nhất với 733.568 ca, tiếp đến là Tamil Nadu (403.242 ca), Andhra Pradesh (393.090 ca), Karnataka (309.792 ca) và Uttar Pradesh (208.419 ca).
Tại thủ đô New Delhi, tình hình lây nhiễm đang có dấu hiệu tăng trở lại khi những ngày qua liên tiếp ghi nhận số ca nhiễm theo ngày từ 1.500 đến 1.800 ca.
Ngày 28/8, Hàn Quốc ghi nhận số ca mắc COVID-19 mới đã giảm xuống mức dưới 400 ca. Tuy nhiên, các ổ dịch nằm dàn trải đang đặt ra những thách thức lớn và giới chức y tế đã quyết định gia hạn các biện pháp giãn cách nghiêm ngặt tại vùng đô thị Seoul thêm 1 tuần.
Đến nay, làn sóng lây nhiễm mới dịch COVID-19 đã khiến 7.715 trường học trên cả nước Hàn Quốc phải hủy hình thức giảng dạy trực tiếp.
Cùng ngày tại châu Âu, Ukraine cũng ghi nhận số ca nhiễm mới cao nhất. Cụ thể trong 24 giờ qua, nước này đã ghi nhận thêm 2.438 ca nhiễm. Tuần này, Ukraine đã tạm thời cấm hầu hết người nước ngoài nhập cảnh cho tới ngày 28/9 và gia hạn các biện pháp phong tỏa đến cuối tháng 10 nhằm kiềm chế đà lây lan của dịch bệnh.
Theo thống kê mới nhất của Viện dịch tễ Robert Koch, trong ngày 28/8, Đức đã ghi nhận 1.571 ca mắc mới, nâng tổng số ca mắc lên 9.288 ca. Trong cuộc họp báo ngày 28/8, Thủ tướng Đức Angela Merkel nhận định cuộc chiến chống virus SARS-CoV-2 gây dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 sẽ khó khăn hơn khi mùa Thu và mùa Đông tới. Bà cảnh báo virus này vẫn còn nguy hiểm và người dân cần duy trì cảnh giác.
Lời cảnh báo trên được Thủ tướng Merkel đưa ra sau khi bà và các nhà lãnh đạo 16 bang ở Đức đã nhất trí siết chặt hơn nữa các biện pháp và quy định về phòng chống dịch trong bối cảnh số ca nhiễm mới tại nước này đang tăng trở lại trong những tuần gần đây.
Một số quy định mới nghiêm ngặt hơn bao gồm tiếp tục gia hạn lệnh cấm tổ chức các sự kiện lớn cho đến hết ngày 31/12, áp dụng đối với việc tổ chức các lễ hội, hòa nhạc cũng như các sự kiện thể thao lớn có khán giả; mức phạt tối thiểu 50 euro (khoảng 59 USD) đối với những người không đeo khẩu trang ở nơi công cộng như trong các cửa hàng, siêu thị hay trên các phương tiện giao thông công cộng.
Thủ tướng Áo Sebastian Kurz cũng cảnh báo nước này sẽ phải trải qua một mùa Thu và mùa Đông "đầy thách thức" do dịch COVID-19, đồng thời dự báo cuộc sống sẽ "bình thường trở lại" vào giữa năm 2021.
Cho tới nay, Áo đã ghi nhận khoảng 26.400 ca mắc COVID-19 và 773 ca tử vong. Các ca nhiễm mới vẫn gia tăng khi trong những ngày gần đây đều ghi nhận hơn 300 ca mắc mỗi ngày, mức cao nhất kể từ khi nước này dỡ bỏ lệnh phong tỏa vào tháng 4.
Ngày 28/8, Hungary tuyên bố đóng cửa biên giới một lần nữa bắt đầu từ ngày 1/9 do lo ngại làn sóng mới của dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 bùng phát tại nước này.
Chánh văn phòng Nội các của Thủ tướng Hungary Viktor Orban, ông Gergely Gulyas nêu rõ: "Từ ngày 1/9, công dân nước ngoài sẽ không được phép nhập cảnh vào lãnh thổ Hungary. Các công dân Hungary trở về từ nước ngoài sẽ phải cách ly 14 ngày hoặc phải trình 2 lần xét nghiệm âm tính (với virus SARS-CoV-2)".
Tại Trung Đông, Iraq ghi nhận 4.177 ca nhiễm mới, theo đó tổng số ca mắc COVID-19 tại nước này hiện đã lên tới 223.612 ca. Dịch vẫn tiếp tục lây lan tại một số nước như Kuwait, Qatar.
Theo thống kê của trang worldometers.info, tính tới 23 giờ 59 phút ngày 28/8, các nước thuộc Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) ghi nhận thêm 7.140 ca mắc bệnh COVID-19 so với 1 ngày trước, trong khi tổng số ca tử vong tăng lên trên 10.740 người.
Trong 24 giờ qua, khối ASEAN có hai quốc gia ghi nhận ca tử vong vì COVID-19 là Philippines và Indonesia. Indonesia vẫn là nước dẫn đầu khu vực về tổng số bệnh nhân tử vong do đại dịch, gấp đôi quốc gia xếp sau là Philippines và bỏ xa các nước khác.
Philippines dịch bệnh tiếp tục diễn biến nghiêm trọng, khi số ca mắc mới tại nước này tăng vọt và vượt qua cả Indonesia về số ca mắc/ngày cũng như tổng số bệnh nhân. Đây chính là ổ dịch COVID-19 nghiêm trọng nhất trong số các nước ASEAN hiện nay.
Tại Philippines, 3.999 ca nhiễm mới được ghi nhận trong 24 giờ qua, nâng tổng số ca nhiễm lên 209.544 ca. Khoảng 1/5 số này được ghi nhận trong 10 ngày qua. Ngoài ra, 91 ca tử vong đã nâng tổng số ca tử vong lên 3.325 ca.
Cụ thể, virus SARS-CoV-2 đã cướp đi sinh mạng của tổng cộng 10.743 người dân ở khu vực Đông Nam Á, tăng 196 trường hợp so với 1 ngày trước đó, trong khi số ca mắc bệnh tăng lên 446.945 ca. Bên cạnh đó, khu vực ASEAN cũng chứng kiến số bệnh nhân được điều trị thành công là 324.440 trường hợp.
Toàn khối đang chứng kiến những diễn biến dịch mới đáng quan ngại, phức tạp và tiềm ẩn nguy cơ bùng phát các dịch đợt mới. Tuy nhiên, dù vẫn ghi nhận các ca mới, song tình hình dịch bệnh tại một số nước ASEAN – như Thái Lan hay Singapore - đang xúc tiến quá trình mở cửa trở lại và khôi phục hoạt động kinh tế xã hội.
Trong vòng 1 ngày qua, Indonesia đã ghi nhận 3.003 ca nhiễm mới, mức tăng cao nhất trong một ngày. Hiện nước này ghi nhận tổng cộng 165.887 ca nhiễm, và 7.169 ca tử vong sau khi ghi nhận thêm 105 ca trong ngày 28/8.
Tại châu Phi, Cơ quan Kiểm soát và phòng chống dịch bệnh (CDC) châu Phi cho biết châu lục này đã ghi nhận tổng cộng 1.220.511 ca mắc COVID-19 và 28.850 ca tử vong. Hiện dịch bệnh đang lây lan nhanh chóng tại một số nước. CDC châu Phi cũng liệt kê 5 nước có tổng số ca nhiễm chiếm khoảng 72% tổng số ca nhiễm toàn châu lục gồm Nam Phi, Ai Cập, Maroc, Nigeria và Ethiopia.
Chính phủ Ai Cập ngày 28/8 cho biết nước này sẽ nới lỏng quy định về xét nghiệm PCR đối với người nhập cảnh từ ngày 1/9 tới.
Cụ thể từ tháng tới, tất cả du khách nhập cảnh Ai Cập vẫn phải có giấy chứng nhận kết quả xét nghiệm PCR âm tính với virus SARS-CoV-2 nhưng thời gian được mở rộng lên thành 72 giờ trước thời điểm nhập cảnh, thay vì là 48 giờ như quy định trước đây. Trẻ em dưới 6 tuổi dù thuộc quốc tịch nào cũng được miễn quy định này.
Ngoài quy định trên thì từ tháng trước, Ai Cập cũng đã bắt đầu cho nối lại một phần các chuyến bay quốc tế sau nhiều tháng tạm ngừng do dịch COVID-19 bùng phát. Hiện khách du lịch nước ngoài chỉ được phép nhập cảnh Ai Cập tại 3 tỉnh ven biển có tỷ lệ mắc COVID-19 thấp nhất, gồm Nam Sinai, Biển Đỏ và Matrouh.
Tinh tới thời điểm này, Ai Cập đã ghi nhận 98.062 ca mắc COVID-19, khiến 5.342 người trong số này tử vong và hiện vẫn còn 23.108 người đang phải điều trị. Từ giữa tháng 6 đến nay số ca mắc mới ở nước này liên tục giảm và hiện chỉ còn khoảng gần 240 ca/ngày, nhưng Thủ tướng Mostafa Madbouly vẫn kêu gọi người dân thận trọng và thực hiện nghiêm túc các biện pháp phòng ngừa để tránh xảy ra làn sóng COVID-19 thứ hai, đặc biệt khi mùa Thu đang tới.