COVID-19: Tương lai của Iran vẫn còn mờ mịt

Dù Iran đã đề ra nhiều biện pháp nhằm đẩy mạnh công tác ngừa dịch COVID-19, một số vấn đề ngoài tầm kiểm soát như cấm vận của Mỹ hay ý thức người dân vẫn tiếp tục gây khó khăn cho lãnh đạo nước này.

Tính đến 20 giờ tối 9-3, trang thống kê Worldometer dẫn nguồn cơ quan y tế của nhiều quốc gia ghi nhận toàn thế giới có 3.882 ca tử vong do dịch COVID-19, 111.351 trường hợp nhiễm. Như vậy, so với cùng giờ ngày 8-3, số ca tử vong tăng 234 người, số ca nhiễm tăng 5.547 trường hợp.

Thế giới cũng ghi nhận 62.661 bệnh nhân xuất viện sau khi điều trị và cho kết quả âm tính với virus, tăng 4.093 so với ngày 8-3.

Hiện dịch đã lây lan sang 109 quốc gia vùng lãnh thổ. Ngoài Trung Quốc (TQ) đại lục, các nước chịu ảnh hưởng nặng nhất lần lượt là Hàn Quốc, Ý và Iran với số ca lây nhiễm ở đây gần chạm mốc 8.000 người. Đáng chú ý, Iran trong ngày 9-3 ghi nhận mức tăng kỷ lục 49 ca tử vong chỉ trong 24 giờ, nâng tổng số người thiệt mạng do dịch của nước này lên 237 trường hợp.

Iran tiếp tục đẩy mạnh công tác ngừa dịch

Trong phát biểu ngày 8-3 (giờ địa phương), Bộ trưởng Y tế Iran Saeed Namaki thừa nhận khó khăn vẫn đợi Iran trước mắt nhưng cũng hứa hẹn rằng sẽ kiểm soát bùng phát dịch, một phần nhờ thời tiết sắp tới sẽ ấm hơn. Đồng thời, cơ quan này cũng nhấn mạnh điều quan trọng là người dân Iran phải tuân thủ các chỉ dẫn của giới hữu trách, theo hãng tin Al Jazeera.

Hiện các đội y tế đã chốt ở rìa các thành phố lớn để ngăn chặn du khách nhiễm bệnh lây lan bừa bãi. Hơn 1.000 trạm xét nghiệm đang được thiết lập. Hoạt động sản xuất khẩu trang phẫu thuật và chất tẩy rửa đã được đẩy mạnh. Thiết bị y tế từ TQ và châu Âu đang trên đường đổ về Iran. Ngoài ra, hơn 300.000 tình nguyện viên cũng đang được đào tạo để đi đến từng nhà kiểm tra các trường hợp chưa bị phát hiện.

Nhiều cơ quan, ban ngành và các tổ chức xã hội cũng vào cuộc phối hợp với Tehran. Các giáo sĩ đe dọa phạt nặng bất kỳ ai không tự cách ly tại nhà khi phát hiện nhiễm bệnh. Trong khi đó, Bộ Tư pháp hôm 3-3 từng cảnh báo những người tích trữ thiết bị y tế phải đối mặt với án tử hình. Quân đội Iran cũng được trông thấy xuống đường hỗ trợ công tác khử trùng và xây dựng các bệnh viện dã chiến.

Dù vậy, Al Jazeera nhận định còn nhiều nghi ngại về hệ thống dịch vụ công của Iran bị quá tải trong bối cảnh chính quyền Iran vẫn đang tiếp tục bị chỉ trích phản ứng chậm và không tiến hành các thành phố bị ảnh hưởng nặng nhất. Nhiều người đi du lịch đến TP Qom - tâm dịch của Iran đã chia sẻ video những người hành hương liếm những cửa sổ lưới quanh lăng mộ thiêng gây mất vệ sinh công cộng, tạo điều kiện cho virus lây lan.

Nhân viên y tế khử trùng một khu chợ ở thủ đô Tehran, Iran ngày 6-3. Ảnh: REUTERS

Nhân viên y tế khử trùng một khu chợ ở thủ đô Tehran, Iran ngày 6-3. Ảnh: REUTERS

Hậu quả từ lệnh trừng phạt Mỹ

Nhiều nhà quan sát đã lên tiếng nhận định các lệnh cấm vận của Mỹ phần nhiều đã khiến Iran gặp rất nhiều khó khăn trong việc triển khai các chiến dịch đẩy lùi COVID-19. Cụ thể, động thái của Washington khiến Tehran phụ thuộc nặng nề vào nguồn cung thiết bị y tế của TQ bất chấp nguy cơ lây lan của dịch bệnh, đồng thời hạn chế khả năng nhập khẩu các thiết bị, vật tư cần thiết, theo đài CNN.

Một số ý kiến cũng cho rằng sở dĩ quan chức Iran đến nay không cho áp dụng các biện pháp mạnh mẽ như phong tỏa vùng dịch giống TQ đã làm là vì sợ có thể làm trầm trọng thêm áp lực kinh tế mà nước này đang phải chịu do lệnh trừng phạt.

Hãng tin ISNA (Iran) ngày 9-3 cho hay người đứng đầu Cơ quan Quản lý khủng hoảng Iran - ông Esmaeel Najjar được xác nhận dương tính với virus gây dịch COVID-19. Hiện quan chức này đang tiến hành tự cách ly tại nhà theo hướng dẫn của bác sĩ.

Được biết, dù các biện pháp trừng phạt của Mỹ đã trừ ra các mặt hàng cho mục đích nhân đạo như thực phẩm và thuốc men, chính quyền Mỹ đồng thời lại siết chặt thương mại của Tehran theo Đạo luật Chống khủng bố. Cụ thể, sau khi chỉ định một phần của quân đội Iran là tổ chức khủng bố năm 2019, chính quyền của Tổng thống Trump cũng liệt kê thêm hàng loạt ngân hàng Iran vào danh sách các thực thể hỗ trợ khủng bố, khiến nước cộng hòa Hồi giáo này gặp rất nhiều khó khăn khi cần chi trả cho các đơn hàng nhu yếu phẩm y tế nhập vào.

“Không còn nghi ngờ gì nữa, các lệnh trừng phạt của Mỹ khiến Iran thiếu thốn thiết bị y tế cần thiết để xét nghiệm và chữa bệnh đã làm trầm trọng thêm cuộc khủng hoảng dịch bệnh ở nước này” - chuyên gia về vấn đề Trung Đông Esfandyar Batmanghelidj khẳng định.

Các đồng minh của Mỹ như Pháp, Đức và Anh đều đã tuyên bố sẽ viện trợ khẩn cấp thiết bị kiểm tra y tế cũng như quần áo bảo hộ và găng tay đến Iran, bên cạnh tài trợ thêm 6,4 triệu USD cho nước này chống dịch bệnh thông qua Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và các cơ quan khác của Liên Hiệp Quốc.

COVID-19 khó kết thúc trong năm nay

Tờ South China Morning Post ngày 9-3 dẫn lời GS Yuen Kwok-yung thuộc ĐH Hong Kong nhận định dù tình hình dịch COVID-19 tại TQ và Hong Kong có thể cải thiện trong mùa hè năm nay nhưng sẽ có thêm các ca nhiễm tại khu vực Nam Mỹ khi mùa đông tới. “Chúng tôi cho rằng sẽ có những trường hợp nhiễm đảo ngược. Ban đầu các quốc gia khác sợ chúng tôi nhưng nay chúng tôi lại lo sợ họ sẽ mang virus trở lại” - ông Yuen chia sẻ.

Ngoài ra, thế giới cũng chưa sản xuất được vaccine hay thuốc kháng virus hiệu quả để đẩy nhanh quá trình tàn dịch. Do đó, thời gian tới chuyên gia này khuyến khích người dân tránh đi du lịch, ít nhất là tới cuối năm 2020 và giữ gìn vệ sinh cá nhân.

“Nếu mọi người rửa tay, đeo khẩu trang thường xuyên và tránh tiếp xúc gần thì rủi ro nhiễm COVID-19 sẽ giảm. Chúng ta không thể chống lại virus mãi mãi nhưng càng trì hoãn sự lây lan của virus thì cơ hội phát triển vaccine đúng thời điểm sẽ ngày càng cao” - GS Yuen Kwok-yung khẳng định.

Chuyên gia này cũng lưu ý hiện chưa có bằng chứng cho thấy virus gây dịch COVID-19 gia tăng về tốc độ lây lan và độc tố. Mọi yếu tố làm dịch trầm trọng hơn hiện tại đều nằm ở điều kiện môi trường xung quanh và mật độ tập trung của người dân.

VĨ CƯỜNG

Nguồn PLO: https://plo.vn/quoc-te/covid19-tuong-lai-cua-iran-van-con-mo-mit-895330.html