COVID-19 Ý: Sáng thêm mỗi ngày, y tế-kinh tế chỏi vụ phong tỏa
Các chuyên gia y tế nói chưa thể lạc quan dù tình hình sáng thêm từng ngày, còn các nhà kinh tế Ý lo ngại đất nước sẽ suy thoái nếu kéo dài phong tỏa.
Ngày 13-4, Cơ quan Bảo vệ dân sự Ý thông báo nước này phát hiện thêm 3.153 ca nhiễm mới COVID-19, thêm 566 người tử vong và có thêm 1.224 bệnh nhân mới được xuất viện trong vòng 24 giờ qua, theo đài CNA.
Tính đến ngày 13-4, Ý đã có tổng cộng 159.516 ca nhiễm COVID-19, trong đó 20.465 trường hợp tử vong và 35.435 bệnh nhân đã được chữa khỏi.
Ý đang đứng thứ hai thế giới về số người chết vì COVID-19 (sau Mỹ) và đứng thứ ba về tổng số ca nhiễm (sau Mỹ và Tây Ban Nha).
Dù sáng sủa hơn nhưng Ý vẫn còn trong giai đoạn 1 chống COVID-19
Số ca nhiễm mới tăng gần 1.000 và số ca tử vong lại tăng thêm 135 so với 24 giờ trước đó. Biểu đồ số ca nhiễm và biểu đồ số ca tử vong mỗi ngày ở Ý dù vẫn đang trong giai đoạn tăng-giảm không ổn định nhưng nhìn chung đã chững nhiều so với giai đoạn tăng kịch tính nhiều tuần trước.
Trong hơn 103.600 bệnh nhân đang được điều trị, hơn 3% các ca bệnh là trong tình trạng nguy kịch. Tuy nhiên, số ca nguy kịch đã giảm ngày thứ 10 liên tiếp, từ mức 4.068 trường hợp (ngày 3-4) xuống còn 3.260 trường hợp (ngày 13-4).
Chuyên gia Giovanni Rezza - Giám đốc Khoa bệnh truyền nhiễm thuộc Viện Y tế quốc gia Ý cho rằng nước này chưa thể quá lạc quan với tình hình hiện tại, theo báo Bloomberg. Ông khẳng định "chắc chắn, chúng ta vẫn ở trong giai đoạn 1" của cuộc chiến chống dịch COVID-19.
Y tế - kinh tế chỏi nhau chuyện kéo dài lệnh phong tỏa
Sau khi tham khảo ý kiến các chuyên gia y tế, hôm 10-4, chính phủ Ý quyết định kéo dài lệnh phong tỏa toàn quốc tới ngày 3-5 để tiếp tục kiểm soát tình hình dịch COVID-19.
Dù lệnh phong tỏa vẫn được duy trì tới ngày 3-5 nhưng một số doanh nghiệp nhỏ như cửa hàng sách và cửa hàng giặt ủi có thể được chọn để thử nghiệm mở cửa trở lại.
Trong khi các chuyên gia y tế ủng hộ tiếp tục phong tỏa để kiềm dịch thì nhiều nhà kinh tế học lo ngại các doanh nghiệp sẽ khó trụ vững qua đại dịch COVID-19 nếu tiếp tục lệnh phong tỏa trong ba tuần tới.
Một báo cáo của cơ quan nghiên cứu thuộc Ngân hàng Trung ương Ý công bố ngày 13-4 cho biết hai tháng phong tỏa có thể khiến tỉ lệ tăng tưởng kinh tế trong năm nay của nước này giảm mất 11%, theo báo The Local (Ý).
Còn tạp chí America Magazine nhận định nền kinh tế Ý có thể rơi vào năm suy thoái thứ tư trong một thập niên. Dịch bệnh sẽ làm trầm trọng thêm các vấn đề kinh tế vốn đã rất nghiêm trọng trước đó.
Chính phủ phải chi 25 tỉ euro (hơn 27,3 tỉ USD) để hỗ trợ cho những người dân mất việc và chịu ảnh hưởng do dịch bệnh trong khi Liên minh châu Âu chỉ mới thống nhất được một số biện pháp hỗ trợ hạn chế.
Đại dịch đã tác động nghiêm trọng tới ngành du lịch (vốn chiếm 6% GDP của nước này) và khoảng 1,7 triệu lao động trong lĩnh vực nhà hàng-khách sạn.
Số lượng người gặp khó khăn về tài chính lớn tới mức làm sập hệ thống trang web của cơ quan phúc lợi quốc gia trong ngày đầu tiên mở đơn đăng ký trực tuyến để nhận hỗ trợ của chính phủ.
Thể thao cũng tranh cãi
Thể thao cũng không miễn nhiễm với chuỗi ảnh hưởng dịch COVID-19 mang lại. Theo CNA, Chủ tịch Liên đoàn Bóng đá Ý - ông Gabriele Gravina hy vọng sớm nối lại các giải đấu quốc nội trong tháng 5 tới.
"Tôi hy vọng vào đầu tháng 5, chúng tôi sẽ bắt đầu xét nghiệm các cầu thủ để đảm bảo họ đều âm tính và sau đó hoạt động huấn luyện có thể tiếp tục" - ông Gravina nói.
Một số đội bóng đã lên tiếng phản đối đề xuất này, trong đó có CLB Brescia. Chủ tịch CLB này đã tuyên bố sẵn sàng bị xử thua chứ không gửi cầu thủ thi đầu trong tình hình dịch bệnh còn phức tạp như hiện nay.
Giải Serie A - giải đấu quốc nội ở cấp độ cao nhất ở Ý - đã bị hoãn từ ngày 9-3 do dịch COVID-19 diễn biến phức tạp. Để kết thúc mùa giải, các đội bóng phải thi đấu 10 vòng đấu nữa, cũng như hoàn thành một số trận đấu bị hoãn trước đó.