CPTPP - bước đà quan trọng để xuất khẩu cá tra cất cánh

Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) là bước đà quan trọng để ngành thủy sản 'cất cánh', trong đó có cá tra. Bên cạnh động lực từ các hiệp định thương mại tự do, muốn phát triển bền vững ngành hàng cá tra cần tiếp tục nghiên cứu thị trường, quan tâm đến con giống, nguồn vốn, ứng dụng khoa học công nghệ và tính liên kết bền vững giữa các bên tham gia.

Động lực từ CPTPP

Bà Thu Hằng, chuyên gia thị trường cá tra của Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), cho biết, việc thực thi các Hiệp định thương mại tự do (FTA) tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp mở rộng và đa dạng thị trường, đưa thủy sản Việt Nam nói chung, cá tra nói riêng tham gia sâu hơn vào chuỗi sản xuất và cung ứng toàn cầu. Trong đó, CPTPP được coi là bước đà quan trọng để ngành thủy sản, trong đó có cá tra, “cất cánh”.

Ngành hàng cá tra hướng đến sự phát triển bền vững. Nguồn:ITN

Ngành hàng cá tra hướng đến sự phát triển bền vững. Nguồn:ITN

Sau 5 năm thực thi (từ 2019), CPTPP đã mở ra cơ hội cho xuất khẩu cá tra sang khối thị trường này. Giai đoạn 2019 - 2023, thế giới biến động phức tạp, các lệnh phong tỏa vì Covid-19, các lệnh cấm vận do chiến tranh, xung đột trên đường vận tải tạo nhiều thách thức cho cá tra Việt Nam trong hành trình đến gần hơn với các quốc gia trong khối CPTPP. Tuy nhiên, nếu so sánh với các thị trường khác, kim ngạch xuất khẩu cá tra sang CPTPP vẫn ở mức chấp nhận được trong tình hình sụt giảm chung.

Trong CPTPP, các đối tác cơ bản xóa bỏ và cắt giảm thuế về 0% ngay khi FTA có hiệu lực với hầu hết các sản phẩm thủy sản của Việt Nam, bao gồm cá tra. Năm 2024, khi lượng tồn kho do nhập khẩu ồ ạt vào năm 2022 dần cạn kiệt, xuất khẩu cá tra bắt đầu hồi phục và khởi sắc ở một số thị trường, trong đó có khối CPTPP.

Khối thị trường CPTPP chủ yếu tiêu thụ phile cá tra đông lạnh từ Việt Nam. Số liệu của hải quan cho thấy, 5 tháng đầu năm 2024, xuất khẩu sản phẩm này sang CPTPP đạt gần 89 triệu USD, tăng 6% so với cùng kỳ năm ngoái, chiếm 87% tỷ trọng, và chiếm 15% trong tổng giá trị xuất khẩu sản phẩm phile cá tra đông lạnh Việt Nam sang các thị trường.

Xuất khẩu các sản phẩm cá tra khác sang khối CPTPP cũng ghi nhận tăng trưởng. Hết tháng 5.2024, giá trị xuất khẩu cá tra cắt khúc nguyên con đông lạnh/nguyên con xẻ bướm, bong bóng cá tra... mã HS 03 (trừ cá mã HS 0304) đạt 9 triệu USD, tăng 20% so với cùng kỳ, chiếm 9% tỷ trọng và chiếm 7% trong tổng giá trị xuất khẩu sản phẩm này sang các thị trường. Xuất khẩu cá tra giá trị gia tăng sang khối CPTPP đạt gần 5 triệu USD tăng 55% so với cùng kỳ năm 2023, chiếm 5% tỷ trọng và chiếm 37% trong tổng cá tra giá trị gia tăng Việt Nam xuất khẩu sang các thị trường.

Nửa đầu tháng 6.2024, kim ngạch xuất khẩu cá tra Việt Nam sang khối thị trường CPTPP đạt 12 triệu tăng 23% so với cùng kỳ năm 2023. Tính đến ngày 15.6.2024, lũy kế xuất khẩu cá tra sang khối thị trường CPTPP đạt 114 triệu USD, tăng 10% so với cùng kỳ. Trong đó, Mexico là quốc gia nhập khẩu nhiều nhất cá tra Việt Nam với giá trị 31 triệu USD, tăng 7%; Nhật Bản nhập khẩu 18 triệu USD, tăng 35%; Canada nhập khẩu 18 triệu USD, tăng 15%...

6 tháng cuối năm 2024, xuất khẩu cá tra sang khối CPTPP dự kiến sẽ tiếp đà tăng khi giá cả và nhu cầu đang dần ổn định. VASEP nhấn mạnh, các doanh nghiệp cần nâng cao sức cạnh tranh, nghiên cứu những lợi ích mà FTA này mang lại về mặt thuế quan để nắm bắt thời cơ, gia tăng xuất khẩu.

Để ngành hàng cá tra phát triển bền vững

Theo số liệu thống kê của VASEP, xuất khẩu cá tra đang trên đà phục hồi, kim ngạch xuất khẩu cá tra ước tính tháng 6.2024 đạt 166 triệu USD, tăng 24,2% so cùng kỳ năm trước. 6 tháng đầu năm nay kim ngạch xuất khẩu cá tra đạt 922 triệu USD, tăng gần 6% so với cùng kỳ.

Giá cá tra nguyên liệu bình quân 6 tháng đầu năm 2024 khoảng 27.700 đồng/kg, tuy thấp hơn cùng kỳ khoảng 1.000 đồng/kg, nhưng vẫn cao hơn nhiều so với mức giá khoảng 26.000 đồng/kg tại thời điểm cuối năm 2023. Hiện, người nuôi đã có lãi nên đã thu hoạch cá phục vụ nhu cầu chế biến xuất khẩu dẫn đến sản lượng cá tra tăng khá trong 6 tháng đầu năm 2024.

Dù có những tín hiệu khả quan nhưng ngành hàng cá tra vẫn còn nhiều khó khăn về vốn, con giống, quy trình nuôi; quy trình chế biến - bảo quản; chính sách dành cho ngành hàng… Đặc biệt, những năm gần đây, thị trường vẫn là yếu tố quyết định để ngành hàng cá tra phát triển ổn định, bền vững.

Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Nam Việt Doãn Tới chia sẻ, nếu ngành hàng cá tra tránh được tình trạng cung - cầu bất nhất thì sẽ phát triển rất tốt. Muốn vậy, phải tổ chức nuôi theo quy hoạch, có sự liên kết chặt chẽ giữa các bên tham gia để tránh được tình trạng nuôi nhiều nhưng không bán được.

Năm 2024, toàn vùng đồng bằng sông Cửu Long đặt mục tiêu thả nuôi 5.700ha cá tra, sản lượng 1,7 triệu tấn. Để có được sản lượng này, yếu tố con giống đóng vai trò quyết định, bởi trong bối cảnh biến đổi khí hậu, việc cho cá tra sinh sản nhân tạo, ương dưỡng là rất khó khăn. Tình trạng biến đổi khí hậu trở thành thách thức đối với những người tham gia ngành hàng cá tra. Hiện, tỷ lệ ương dưỡng giống đạt thấp.

VASEP nhận định, để thích ứng với biến đổi khí hậu, doanh nghiệp lẫn ngư dân đã tăng dần hàm lượng khoa học công nghệ vào sản xuất; từ phụ thuộc vào thiên nhiên (là chủ yếu) chuyển sang nuôi cá trong nhà màng, nhà kính; cho cá sinh sản nhân tạo và họ đã thành công.

“Thị trường, con giống, khoa học - công nghệ đã từng bước được giải quyết. Tuy nhiên, vấn đề cần nhất của ngành cá tra hiện nay là vốn, thị trường thuốc thú y thủy sản; giá thức ăn thủy sản và sự liên kết bền chặt giữa các bên tham gia. Chúng ta có thị trường, con giống tốt nhưng giá thức ăn, thuốc thú y thủy sản tăng mãi, ngân hàng hỗ trợ vốn không kịp thời thì rất khó phát triển”, bà Thu Hằng, chuyên gia thị trường cá tra của VASEP nói.

Để ngành hàng cá tra phát triển ổn định, bền vững, vấn đề liên kết “5 nhà” (Nhà nước, nhà khoa học, doanh nghiệp, ngân hàng và nhà nông) là hết sức quan trọng. Sự liên kết này phải trên tinh thần “thượng tôn pháp luật” mà trong đó, doanh nghiệp và ngư dân phải đi đầu. Theo bà Thu Hằng, yếu tố quyết định để ngành hàng cá tra phát triển bền vững là thị trường, con giống, vốn, khoa học - công nghệ và tính liên kết bền vững giữa các bên tham gia. Thực hiện được như vậy thì mới hy vọng ngành hàng cá tra thoát khỏi tình trạng khó khăn như hiện nay".

Lam Ngọc

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/kinh-te-xa-hoi/cptpp-buoc-da-quan-trong-de-xuat-khau-ca-tra-cat-canh-i381672/