Như đã biết, một trong những vấn đề gây ra nhiều căng thẳng nhất giữa Nga và Ukraine trong suốt thời gian qua chính là việc cung cấp nước ngọt cho người dân sống trên bán đảo Crimea.
Sau sự kiện Nga sáp nhập bán đảo này hồi năm 2014, chính quyền Ukraine đã ra lệnh chặn kênh đào Bắc Crimea bằng cách xây dựng một con đập, khiến nguồn cung cấp nước ngọt trở nên cực kỳ khan hiếm.
Đã có rất nhiều hệ lụy xảy ra từ việc thiếu nước ngọt, bao gồm cả việc môi trường trở nên ô nhiễm trầm trọng cũng như mức sống của người dân địa phương xuống thấp đến mức báo động
Nga đã dùng cả sức ép ngoại giao lẫn quân sự nhưng vẫn không thay đổi được quyết định của Ukraine, dẫn tới việc họ phải vô cùng vất vả nhằm tìm ra phương pháp duy trì lượng nước ngọt trên bán đảo.
Những giải pháp kỹ thuật bao gồm khử muối trong nước biển, làm mưa nhân tạo hay đào kênh dẫn nước ngọt từ xa tới đều tỏ ra kém khả thi vì tốn kém cũng như lượng nước được tạo ra theo cách này chưa đủ giải tỏa hoàn toàn "cơn khát".
Thậm chí còn có đề xuất rằng chỉ có việc xây dựng một con đập ở đầu nguồn sông Dnepr thì Nga mới có khả năng gây ảnh hưởng đến chính quyền Ukraine, buộc Kiev dỡ bỏ phong tỏa kênh đào Bắc Crimea - nơi cung cấp nước cho bán đảo trong nhiều thập kỷ.
Tuy nhiên phải lưu ý đến thực tế là sông Dnepr chảy qua lãnh thổ Liên bang Nga, Belarus và Ukraine. Do đó Moskva trong mọi trường hợp buộc sẽ phải tính đến lợi ích của Minsk. Sự phản đối của Belarus là chắc chắn cho nên kế hoạch này không thể triển khai.
Tuy nhiên một diễn biến bất ngờ đã tới, khiến vấn đề thiếu nước ngọt của bán đảo Crimea có thể được giải quyết theo cách khó tin nhất mà không cần sự tham gia tích cực của Kiev hay Moskva.
Cụ thể, con đập do Ukraine xây dựng - yếu tố ngăn dòng chảy của nước ngọt đến bán đảo Crimea đang đối diện nguy cơ sụp đổ và người dân Crimea có thể sẽ không còn gặp cảnh thiếu tài nguyên nước nữa.
Thông tin nói trên được bà Natalya Tarapun - người đứng đầu Ủy ban đường thủy giải thích trong một cuộc phỏng vấn mới đây với Đài Tự do của Nga.
Theo bà Tarapun, Ukraine đã chi hơn 35 triệu Hryvnia cho việc xây dựng và vận hành con đập, nhưng cơ sở này chưa bao giờ được hoàn thành - không có điện cung cấp cho các cánh cửa giữ nước của nó. Ngoài ra hệ thống quản lý đập vẫn chưa chính thức đưa vào vận hành.
Nhiều vết nứt đã xuất hiện trên thân đập. Các chuyên gia không thể đưa ra dự đoán về mức độ nghiêm trọng của một sự cố có thể xảy ra và đang yêu cầu kiểm tra toàn diện con đập.
Không chỉ có vậy, người dân Crimea sắp tới có thể lấy nước từ một nguồn khác, khi Phó Thủ tướng Nga Marat Khusnullin cho biết vào tháng 7, họ sẽ bắt đầu khoan đáy Biển Azov ở độ sâu mà các mỏ nước ngọt lớn đã được phát hiện.
Sắp tới các cơ quan khoa học và thương mại liên quan của Liên bang Nga sẽ tham gia tích cực hơn nữa vào nghiên cứu địa chất trong khu vực, nhằm tiến tới giải quyết triệt để vấn đề cung cấp nước ngọt cho bán đảo Crimea.
Việt Dũng