CSGDĐH chỉ ra những lợi thế giúp ngành Răng - Hàm - Mặt có điều kiện 'lên ngôi'
Tại Việt Nam, nhu cầu nhân lực về ngành Răng - Hàm - Mặt rất lớn nhưng số lượng bác sĩ chuyên khoa lại chưa đáp ứng được nhu cầu thực tế.
Hiện nay, nhu cầu chăm sóc bệnh lý răng miệng đang được chú trọng khiến thị trường chăm sóc sức khỏe nói chung và ngành Răng - Hàm - Mặt nói riêng tại Việt Nam ngày càng có thêm nhiều điều kiện phát triển.
Đặc biệt, trong bối cảnh nhu cầu chăm sóc sức khỏe, thẩm mỹ và chất lượng cuộc sống ngày càng được nâng cao, tại một số cơ sở giáo dục đại học, ngành Răng - Hàm - Mặt trở thành ngành học ngày càng có sức hút.
Số lượng bác sĩ chuyên ngành Răng Hàm Mặt chưa đáp ứng được nhu cầu thực tế
Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Phó giáo sư, Tiến sĩ, Bác sĩ Đỗ Thị Thảo - Trưởng khoa Răng - Hàm - Mặt, Trưởng liên bộ môn Bệnh học miệng - Nha chu, Trường Đại học Y dược Cần Thơ (hiện đang là Bác sĩ điều trị tại Khoa Răng - Hàm - Mặt, Bệnh viện Trường Đại học Y dược Cần Thơ) cho biết: Xã hội càng phát triển thì chất lượng cuộc sống của con người ngày càng được chú trọng và nâng cao hơn. Khi đó, những ngành dịch vụ liên quan đến chăm sóc sức khỏe, sắc đẹp sẽ có nhiều thời cơ để “lên ngôi”.
Theo cô Thảo đánh giá, sức khỏe răng miệng không chỉ ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe tổng thể mà còn tác động mạnh mẽ đến giao tiếp, sự tự tin và vẻ đẹp ngoại hình của mỗi người. Hiện nay tại Việt Nam, nhu cầu nhân lực về ngành Răng - Hàm - Mặt rất lớn nhưng số lượng bác sĩ chuyên khoa lại chưa đáp ứng được nhu cầu thực tế, đặc biệt là ở các khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa.
Do đó, trong một vài năm trở lại đây, ngành học Răng - Hàm - Mặt nhận được rất nhiều sự quan tâm của xã hội và trở thành một trong những ngành nghề “hot” được nhiều thí sinh ưu tiên lựa chọn trong khối ngành sức khỏe.
Đơn cử tại Trường Đại học Y dược Cần Thơ, ngành Răng - Hàm - Mặt là một trong những ngành học có sự hấp dẫn lớn đối với thí sinh khi không chỉ đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường lao động mà còn đặc biệt góp phần nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe cộng đồng, giảm thiểu sự thiếu hụt nhân lực đối với lĩnh vực này ở khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long.
Với những kiến thức và kỹ năng mà nhà trường trang bị trong suốt quá trình đào tạo, các bác sĩ chuyên ngành Răng - Hàm - Mặt có thể làm việc tại các bệnh viện đa khoa, bệnh viện chuyên khoa Răng - Hàm - Mặt hay Trung tâm y tế quận, huyện. Ngoài ra cũng có thể tham gia giảng dạy tại các trường cao đẳng, đại học nhằm đóng góp vào công tác đào tạo thế hệ nhân lực ngành y tế.
![Phó giáo sư, Tiến sĩ, Bác sĩ Đỗ Thị Thảo (ở giữa) - Trưởng khoa Răng - Hàm - Mặt, Trưởng liên bộ môn Bệnh học miệng - Nha chu Trường Đại học Y dược Cần Thơ (hiện đang là Bác sĩ điều trị tại Khoa Răng - Hàm - Mặt, Bệnh viện Trường Đại học Y dược Cần Thơ). Ảnh: NVCC](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w700_r1/2025_02_11_231_51443878/a69fefc8db8632d86b97.jpg)
Phó giáo sư, Tiến sĩ, Bác sĩ Đỗ Thị Thảo (ở giữa) - Trưởng khoa Răng - Hàm - Mặt, Trưởng liên bộ môn Bệnh học miệng - Nha chu Trường Đại học Y dược Cần Thơ (hiện đang là Bác sĩ điều trị tại Khoa Răng - Hàm - Mặt, Bệnh viện Trường Đại học Y dược Cần Thơ). Ảnh: NVCC
Đánh giá những điều kiện từ thực tế, cô Thảo cho rằng trong bối cảnh nhu cầu chăm sóc sức khỏe răng miệng ngày càng tăng cao, các phòng khám tư nhân cũng đang là một lựa chọn phổ biến và có nhiều tiềm năng phát triển đối với các bác sĩ mới ra trường. Với các cơ hội này, sinh viên ngành Răng - Hàm - Mặt có thể chọn lựa môi trường làm việc phù hợp với năng lực và sở thích cá nhân cùng với mức thu nhập hấp dẫn.
“Theo đó, ở bệnh viện công lập, mức lương cơ bản của bác sĩ mới ra trường dao động từ 10 - 15 triệu đồng/tháng, nếu làm thêm giờ hoặc có thâm niên, thu nhập bình quân của bác sĩ chuyên ngành Răng - Hàm - Mặt rất triển vọng và nhiều tiềm năng.
Còn tại các phòng khám tư nhân, mức lương có thể cao hơn, tùy thuộc vào số lượng bệnh nhân và mức độ phát triển của phòng khám. Ngoài ra, các bác sĩ còn có thể kiếm thêm thu nhập từ các dịch vụ chăm sóc thẩm mỹ răng miệng, giúp mức lương ổn định và tăng trưởng tốt trong tương lai”, cô Thảo thông tin.
Cùng đánh giá về tiềm năng và điều kiện phát triển của ngành Răng - Hàm - Mặt, Tiến sĩ, Bác sĩ Phan Thế Phước Long – Trưởng khoa Răng Hàm Mặt , Trường Y Dược, Đại học Đà Nẵng cũng cho rằng: Trong thị trường chăm sóc sức khỏe nói chung, ngành Răng - Hàm - Mặt đang có nhiều điều kiện nhất để phát triển khi nhu cầu về thẩm mỹ, chăm sóc răng miệng của người dân đang ngày càng được quan tâm, chú trọng.
Ghi nhận từ thực tế, thầy Long cho biết trong một vài năm gần đây, tại Trường Y Dược, Đại học Đà Nẵng, ngành Răng - Hàm - Mặt được thí sinh nhiệt tình săn đón, cũng như được đơn vị dồn nhiều tâm huyết và điều kiện để đầu tư đào tạo.
Theo đó hàng năm, nhà trường tuyển sinh từ 45 - 50 chỉ tiêu cho ngành học này với mức điểm trúng tuyển dao động từ 25,5 - 26,5 điểm.
Theo chia sẻ của thầy Long, sinh viên ngành Răng - Hàm - Mặt sẽ được đào tạo các khối kiến thức về y học cơ sở, y học lâm sàng, răng hàm mặt cơ sở, lâm sàng răng hàm mặt. Các học phần lý thuyết được lồng ghép với các hình thức dạy học chủ động, lấy người học làm trung tâm, khuyến khích thảo luận ca lâm sàng, trình chuyên đề nhóm nhỏ để sinh vi.
Cụ thể, chương trình đào tạo ngành Răng - Hàm - Mặt tại Trường Y Dược, Đại học Đà Nẵng được thiết kế tạo cơ hội cho sinh viên tham gia thực tập tại bệnh viện từ năm học thứ hai. Qua việc tiếp xúc sớm với bệnh nhân và va chạm môi trường làm việc thực tế sẽ giúp người học nâng cao ý thức học hỏi cũng như chủ động hơn trong việc học tập trên trường và tìm kiếm công việc để bồi dưỡng kinh nghiệm.
Ngoài ra, sinh viên cũng được tham gia các hoạt động ngoại khóa, các hoạt động cộng đồng để hiểu hơn về ý nghĩa của nghề nghiệp và rèn luyện tính chuyên nghiệp trong quá trình làm việc.
Cơ sở đào tạo đầu tư như thế nào đối với ngành Răng - Hàm - Mặt?
Theo chia sẻ của Phó giáo sư, Tiến sĩ, Bác sĩ Đỗ Thị Thảo, tại Trường Đại học Y dược Cần Thơ, ngành Răng - Hàm - Mặt được xây dựng dựa trên những thế mạnh đào tạo của đơn vị, tiếp thu những thành tự mới trong xã hội nhằm trang bị đầy đủ các kiến thức và kỹ năng cần thiết cho người học, có đủ điều kiện trở thành một bác sĩ có tài, có tâm.
Trong bối cảnh nhu cầu về thẩm mỹ răng miệng ngày càng gia tăng, nhà trường không chỉ chú trọng vào việc đào tạo những kỹ năng điều trị các bệnh lý vùng hàm mặt mà còn tập trung vào việc cải thiện thẩm mỹ nụ cười, chức năng răng miệng. Theo đó, sinh viên được học và thực hành các kỹ thuật điều trị tiên tiến, đồng thời có cơ hội phát triển năng lực thẩm mỹ trong công việc.
Đặc biệt, trong những năm gần đây, chương trình giảng dạy của sinh viên tại trường được cập nhật thêm về ứng dụng nha khoa kỹ thuật số. Sinh viên được thực tập với các hệ thống máy scan trong miệng, ứng dụng trong thực hành lâm sàng răng hàm mặt trong thời đại công nghệ số hiện nay.
Ngoài ra, chương trình đào tạo ngành học còn bao gồm các hoạt động khoa học công nghệ và hợp tác quốc tế, giúp sinh viên nâng cao năng lực chuyên môn và mở rộng kiến thức. Hàng năm, các nhóm sinh viên tích cực thực hiện nghiên cứu khoa học cấp trường với sự hướng dẫn của các giảng viên của khoa. Từ kết quả nghiên cứu, sinh viên tham gia báo cáo vào các cuộc thi nghiên cứu khoa học trong và ngoài nước, đã đạt được nhiều thành tích xuất sắc cũng như xuất bản các bài báo khoa học trên các các tạp chí chuyên ngành quốc tế uy tín trong danh mục ISI/Scopus.
Cô Thảo cho biết thêm, trong những năm gần đây, Khoa đã tạo điều kiện cho sinh viên có cơ hội tham gia các cuộc thi quốc tế về Sinh lý Nha khoa, chuyên ngành nha khoa được tổ chức tại Malaysia, Ấn Độ. Đặc biệt, sinh viên được tham gia các chương trình trao đổi sinh viên với các trường đại học nổi tiếng ở Thái Lan, Ấn Độ, Malaysia để tiếp cận với môi trường học tập và nghiên cứu quốc tế. Nhà trường cũng tích cực mời nhiều giảng viên quốc tế từ Mỹ, Hàn Quốc, Ấn Độ, Hà Lan, Anh, Thái Lan,.. về trường giảng dạy để tạo điều kiện cho sinh viên tiếp cận với những kiến thức và phương pháp giảng dạy tiên tiến, hiện đại.
“Trong thời gian tới, nhà trường sẽ tiếp tục duy trì và phát triển chương trình đào tạo chất lượng cao, đồng thời mở rộng các cơ hội học bổng và hợp tác quốc tế, chú trọng đến việc cập nhật, nâng cấp cơ sở vật chất và các thiết bị thực hành hiện đại để đảm bảo sinh viên có thể học tập và thực hành trong môi trường tốt nhất, sẵn sàng đáp ứng nhu cầu của ngành nghề trong tương lai”, Phó giáo sư, Tiến sĩ, Bác sĩ Đỗ Thị Thảo chia sẻ.
![Giảng viên và sinh viên khoa Răng - Hàm - Mặt, Trường Đại học Y dược Cần Thơ tham dự hội nghị khoa học và triển lãm Răng Hàm Mặt quốc tế Hà Nội. Ảnh: NVCC](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w700_r1/2025_02_11_231_51443878/54dc048b30c5d99b80d4.jpg)
Giảng viên và sinh viên khoa Răng - Hàm - Mặt, Trường Đại học Y dược Cần Thơ tham dự hội nghị khoa học và triển lãm Răng Hàm Mặt quốc tế Hà Nội. Ảnh: NVCC
Còn tại Trường Y dược, Đại học Đà Nẵng, nhà trường rất chú trọng xây dựng nhiều chính sách nhằm nâng cao chất lượng dạy và học tại trường. Theo đó, bên cạnh những chính sách hỗ trợ học phí hay các chương trình học bổng cho sinh viên ngành Răng - Hàm - Mặt, nhà trường còn đầu tư nâng cấp, cải tiến cơ sở vật chất và chương trình đào tạo để bắt kịp xu thế công nghệ trong xã hội.
Hằng năm, nhà trường thường xuyên tổ chức các buổi giao lưu, tọa đàm với các bác sĩ Răng - Hàm - Mặt tại Đà Nẵng, cũng như tích cực hỗ trợ sự phát triển của câu lạc bộ sinh viên Răng - Hàm - Mặt (OSD) nhằm tạo dựng một môi trường trao đổi học thuật, chia sẻ kinh nghiệm cho người học.
Tiến sĩ, Bác sĩ Phan Thế Phước Long cho biết, một trong những lợi thế đào tạo ngành Răng - Hàm - Mặt tại Trường Y Dược, Đại học Đà Nẵng là đội ngũ giảng viên có trình độ chuyên môn cao và giàu kinh nghiệm thực tế. Tại Việt Nam, Đại học Đà Nẵng là đại học vùng có bề dày hoạt động lâu năm nên có nhiều điều kiện thuận lợi trong việc phối hợp giữa các ngành với nhau, tạo điều kiện cho sinh viên phát triển toàn diện nhiều kỹ năng.
Về cơ sở vật chất, nhà trường đã đầu tư phòng tiền lâm sàng răng hàm mặt với hệ thống ghế máy, đầu máy (fantom) nhập khẩu từ Nhật Bản, các dụng cụ theo tiêu chuẩn phục vụ cho việc thực hành mô phỏng tiền lâm sàng cho sinh viên một cách sát với thực tế nhất.
Bên cạnh đó, chương trình đào tạo ngành học được đánh giá hàng năm và cập nhật 2 năm 1 lần, được tham khảo chọn lọc chương trình đào tạo của các cơ sở đào tạo Răng - Hàm - Mặt trong nước và ngoài nước để bắt kịp với tiến độ phát triển của xã hội.
Ở mỗi năng lực, sinh viên được cung cấp kiến thức thông qua các giờ lý thuyết, sau đó thực tập mô phỏng tiền lâm sàng tại các phòng thực hành. Sau khi hoàn tất học phần tiền lâm sàng, sinh viên sẽ đến các bệnh viện để được hướng dẫn trên lâm sàng. Ở mỗi kĩ năng, nhà trường xây dựng các rubric đánh giá để sinh viên có thể tự học, tự cải thiện để hoàn thiện kĩ năng.
![Trường Y Dược, Đại học Đà Nẵng thường xuyên tổ chức hội thảo, tọa đàm để mở rộng cơ hội tìm hiểu, học tập cho sinh viên. Ảnh: website nhà trường](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w700_r1/2025_02_11_231_51443878/ee26bd71893f6061392e.jpg)
Trường Y Dược, Đại học Đà Nẵng thường xuyên tổ chức hội thảo, tọa đàm để mở rộng cơ hội tìm hiểu, học tập cho sinh viên. Ảnh: website nhà trường
Các tố chất cần có của bác sĩ Răng - Hàm - Mặt
Là một ngành đặc thù trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe nên ngành Răng - Hàm - Mặt cũng có những yêu cầu, đòi hỏi nhất định đối với người học để có thể đảm bảo đào tạo ra nguồn nhân lực có trình độ chuyên môn cao và có trách nhiệm trong quá trình điều trị, chăm sóc sức khỏe cộng động.
Tiến sĩ, Bác sĩ Phan Thế Phước Long cho hay, để trở thành một bác sĩ giỏi, bên cạnh năng lực chuyên môn, kỹ năng thực hành nghề nghiệp tốt thì yêu cầu đầu tiên đối mà một bác sĩ cần có là tấm lòng nhân ái, có khả năng thấu cảm với hoàn cảnh và nỗi đau của bệnh nhân.
Không phải tự nhiên xã hội ưu ái ca ngợi ngành y với cụm từ “Lương y như từ mẫu”, bởi đây là một ngành nghề vô cùng ý nghĩa khi liên quan trực tiếp đến sức khỏe và tính mạng của con người. Trên thực tế, đạo đức nghề nghiệp chính là yếu tố giúp các bác sĩ có thể hoạt động và thành công phát triển sự nghiệp của chính mình.
Trong ngành y tế, tinh thần trách nhiệm đối với người bệnh là tố chất không thể thiếu của một bác sĩ. Theo đó, bác sĩ phải luôn nâng cao ý thức trách nhiệm của mình đối với sức khỏe của bệnh nhân qua việc thực hiện đúng các quy định y tế, cẩn thận trong từng chi tiết thăm khám và điều trị để đảm bảo an toàn tối đa cho bệnh nhân. Ngoài ra cần rèn luyện khả năng làm việc hiệu quả dưới áp lực, xử lý các tình huống khẩn cấp cũng như phát triển các kỹ năng duy trì sức khỏe tinh thần và thể chất, từ đó đảm bảo hiệu suất công việc tốt nhất.
![Tiến sĩ, Bác sĩ Phan Thế Phước Long – Trưởng khoa Răng Hàm Mặt , Trường Y Dược, Đại học Đà Nẵng. Ảnh: website nhà trường](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w700_r1/2025_02_11_231_51443878/8c3fd368e7260e785737.jpg)
Tiến sĩ, Bác sĩ Phan Thế Phước Long – Trưởng khoa Răng Hàm Mặt , Trường Y Dược, Đại học Đà Nẵng. Ảnh: website nhà trường
Đối với chuyên ngành Răng - Hàm - Mặt, thầy Long đánh giá đây là ngành học thiên hướng thực hành nên đòi hỏi người học cần có sự khéo léo, cẩn thận và tỉ mỉ. Trong xu thế phát triển như hiện nay, các bác sĩ nha khoa cần có thêm sự nhạy bén, nắm bắt những xu thế mới trong xã hội để không ngừng nâng cao chất lượng dịch vụ, tạo tiền đề cho quá trình xây dựng và phát triển sự nghiệp.
Đồng tình với quan điểm trên, Phó giáo sư, Tiến sĩ, Bác sĩ Đỗ Thị Thảo cũng cho rằng ngành Răng - Hàm - Mặt đòi hỏi nhiều kỹ năng đặc biệt, thủ thuật tỉ mỉ, chính xác cao nên đòi hỏi bác sĩ phụ trách cần có sự khéo léo, kiên nhẫn để xử lý nhiều tình huống phức tạp khác nhau. Ngoài các kiến thức chuyên môn, sinh viên ngành Răng - Hàm - Mặt cần tích cực trau dồi thêm các kỹ năng giao tiếp để thấu hiểu nhu cầu và tâm lý của bệnh nhân.
Đồng thời, trước tình hình phát triển mạnh mẽ và đa dạng những phương pháp điều trị mới, người học cần chủ động cập nhật kiến thức công nghệ tiên tiến liên quan nha khoa kỹ thuật số và trí tuệ nhân tạo trong chẩn đoán và điều trị bệnh để không ngừng nâng cao chất lượng dịch vụ, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của xã hội.