CSGDĐH đề xuất Thủ tướng làm Chủ tịch Hội đồng quốc gia về đại học-doanh nghiệp
Thành lập Hội đồng cấp quốc gia về đại học - doanh nghiệp mang tính cấp thiết, giải quyết nhiều vấn đề cốt lõi giữa trường học và doanh nghiệp hiện nay.
.t1 { text-align: justify; }
Trong Hội nghị triển khai các Đề án về phát triển nguồn nhân lực và hợp tác 3 nhà (Nhà nước, Nhà trường và Doanh nghiệp), Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn đề xuất xây dựng Hội đồng cấp quốc gia về đại học - doanh nghiệp nhằm kết nối chặt chẽ hơn giữa nhà trường và doanh nghiệp trong đào tạo nhân lực chất lượng cao, giải các bài toán lớn về khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo. [1]
Trước đề xuất này, đại diện một số cơ sở giáo dục đại học đã có những góp ý về việc xây dựng Hội đồng cấp quốc gia về đại học - doanh nghiệp từ cơ cấu tổ chức đến những hoạt động cần triển khai.
Trường đại học phải đóng vai trò "hạt nhân tri thức" trong hội đồng
Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Đỗ Thành Trung - Trưởng phòng Phòng Khoa học Công nghệ, Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng, việc thành lập Hội đồng cấp quốc gia về đại học - doanh nghiệp mang tính cấp thiết trong bối cảnh nước ta đang thúc đẩy chuyển đổi số, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao và xây dựng hệ sinh thái đổi mới sáng tạo quốc gia.
Trên thực tế, các doanh nghiệp công nghệ cao hay doanh nghiệp FDI thường đòi hỏi kết quả nghiên cứu nhanh, có tính mới, trong khi nghiên cứu tại các trường đại học thường kéo dài và có nhiều ràng buộc về quyền sở hữu trí tuệ.
Cùng với đó, hạ tầng phòng thí nghiệm, thiết bị nghiên cứu chuyên sâu tại các trường đại học còn hạn chế, khó đáp ứng một số yêu cầu nghiên cứu và phát triển (R&D) cấp cao. Mặt khác, hiện còn thiếu khung pháp lý rõ ràng về quyền sở hữu trí tuệ, quyền khai thác kết quả nghiên cứu chung giữa trường đại học và doanh nghiệp. Do đó, việc thành lập Hội đồng cấp quốc gia về đại học - doanh nghiệp được kỳ vọng sẽ tháo gỡ những khó khăn trên.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Đỗ Thành Trung (thứ 3 từ trái sang) - Trưởng phòng Phòng Khoa học Công nghệ, Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật Thành phố Hồ Chí Minh. Ảnh website nhà trường
Theo thầy Trung, từ thực tiễn tại Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật Thành phố Hồ Chí Minh, sự tham gia của doanh nghiệp vào hoạt động đào tạo và nghiên cứu khoa học thông qua Hội đồng tư vấn doanh nghiệp ngành đã giúp trường rà soát, cải tiến chương trình đào tạo liên tục. Đồng thời, sinh viên cũng có nhiều cơ hội hơn trong việc tiếp cận, thực tập, nghiên cứu với nhiều công nghệ, thiết bị mới. Sau tốt nghiệp, các bạn có thể đáp ứng được yêu cầu tuyển dụng và làm việc của doanh nghiệp.
Vì vậy, nếu được nâng tầm thành một hội đồng cấp quốc gia, mô hình này có thể giải quyết triệt để khoảng cách giữa đào tạo và yêu cầu tuyển dụng trong thực tế của doanh nghiệp. Song song với đó, hội đồng có thể hỗ trợ chính sách, tài chính và hạ tầng pháp lý để doanh nghiệp tham gia sâu vào đào tạo, nghiên cứu và phát triển. Đồng thời, giải quyết bài toán khoa học và công nghệ mang tính quốc gia, thông qua cơ chế chia sẻ nhiệm vụ giữa trường đại học và doanh nghiệp.
Cũng theo thầy Trung, trong Hội đồng cấp quốc gia về đại học – doanh nghiệp, trường đại học cần đóng vai trò là hạt nhân tri thức, là nơi trực tiếp triển khai các hoạt động đào tạo, nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ. Trường đại học không chỉ là nơi cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao, mà còn là trung tâm đổi mới sáng tạo, giải quyết các bài toán công nghệ thực tiễn của doanh nghiệp và xã hội.
Để thực hiện tốt vai trò này, các cơ sở giáo dục đại học cần chủ động thiết lập quan hệ hợp tác chiến lược với doanh nghiệp, đồng kiến tạo chương trình đào tạo, tổ chức các hoạt động đào tạo thực hành, thực tập, giúp sinh viên sớm tiếp cận thực tế nghề nghiệp. Đồng thời, triển khai các nghiên cứu ứng dụng gắn với nhu cầu thị trường, từ đó thúc đẩy thương mại hóa sản phẩm khoa học công nghệ, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội và nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.
Cùng bàn về vấn đề này Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Vũ Quỳnh - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Lạc Hồng cho hay, sự liên kết giữa trường đại học và doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp công nghệ cao và FDI, hiện còn nhiều điểm nghẽn.
Trước hết, nguồn nhân lực được đào tạo chưa đáp ứng yêu cầu về chuyên môn sâu và kỹ năng thực hành, trong khi chương trình học vẫn nặng lý thuyết. Cùng với đó, hoạt động R&D giữa nhà trường và doanh nghiệp thiếu chiến lược dài hạn cũng như sự phối hợp bài bản, bởi các doanh nghiệp FDI thường tự làm R&D, ít có những chia sẻ với trường đại học.
Bên cạnh đó, cơ chế sở hữu trí tuệ và chuyển giao công nghệ chưa rõ ràng, chưa tạo động lực để trường học thương mại hóa nghiên cứu bởi đầu tư trực tiếp nước ngoài hiếm khi chuyển giao công nghệ lõi. Song song với đó, chính sách pháp lý còn chậm và thiếu minh bạch, đặc biệt trong thủ tục visa, hợp tác nghiên cứu quốc tế, khiến doanh nghiệp gặp khó khăn khi phối hợp với trường đại học.
Mặt khác, hệ sinh thái liên kết chưa đầy đủ trong khi doanh nghiệp nội địa yếu thế và trường đại học ít được mời vào chuỗi cung ứng công nghệ. Ngoài ra, cơ sở vật chất cho R&D chưa đạt chuẩn quốc tế, nguồn lực đầu tư còn dàn trải, thiếu trọng tâm. Đặc biệt, văn hóa hợp tác chưa bền vững, chủ yếu dựa vào quan hệ cá nhân, thiếu niềm tin và cam kết dài hạn giữa hai bên.
Vì vậy, việc thành lập Hội đồng cấp quốc gia về đại học – doanh nghiệp mang tính cấp thiết, nhằm giải quyết nhiều vấn đề cốt lõi giữa nhà trường và doanh nghiệp hiện nay.
Thứ nhất, mô hình này có thể khắc phục khoảng trống về quản trị và cơ chế phối hợp giữa trường đại học và doanh nghiệp bằng cách thiết lập khung chính sách thống nhất, giảm thủ tục, tăng hiệu quả liên kết hệ thống.
Thứ hai, giúp cập nhật chương trình đào tạo theo nhu cầu thực tế, khi doanh nghiệp cùng tham gia thiết kế nội dung và chuẩn đầu ra.
Thứ ba, tạo nền tảng chuyển giao công nghệ và sở hữu trí tuệ rõ ràng, minh bạch, thúc đẩy thương mại hóa kết quả nghiên cứu.
Thứ tư, mở rộng nguồn nhân lực giữa giảng đường và doanh nghiệp, thông qua cơ chế linh hoạt cho giảng viên, nghiên cứu sinh và chuyên gia thực hành.
Thứ năm, điều phối nguồn lực và tài chính cho R&D ứng dụng, đặc biệt hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ tiếp cận hệ sinh thái nghiên cứu của đại học.
Thứ sáu, xây dựng văn hóa hợp tác dài hạn trên cơ sở niềm tin, minh bạch và đánh giá hiệu quả, thay thế dần quan hệ cá nhân bằng cơ chế tổ chức bền vững.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Vũ Quỳnh - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Lạc Hồng. Ảnh website trường
Cũng theo thầy Quỳnh, trường đại học cần giữ vai trò trung tâm trong mô hình Hội đồng cấp quốc gia về đại học – doanh nghiệp. Bởi trường đại học là nơi tạo ra và lan tỏa tri thức thông qua đào tạo chuyên sâu, nghiên cứu nền tảng và là nền móng cho đổi mới và chuyển giao công nghệ. Đồng thời, đây cũng là cầu nối chuyển giao công nghệ và sở hữu trí tuệ, giúp thương mại hóa kết quả nghiên cứu thông qua các trung tâm chuyển giao công nghệ, hỗ trợ kỹ thuật và cơ chế hợp tác minh bạch.
Để kết nối hiệu quả với doanh nghiệp trong đào tạo nhân lực chất lượng cao và giải quyết bài toán khoa học – công nghệ, trường đại học cần chủ động đồng thiết kế chương trình đào tạo cùng doanh nghiệp, lồng ghép tình huống thực tế, kỹ năng ứng dụng và công nghệ mới như AI, chuyển đổi số, kinh tế xanh...
Bên cạnh đó, các trường có thể triển khai mô hình học tập tích hợp thực hành, thực tập dài hạn, dự án công nghiệp, kết hợp với các “xưởng học tập” mô phỏng quy trình sản xuất. Xây dựng trung tâm chuyển giao công nghệ, văn phòng hỗ trợ chuyển giao để quản lý sở hữu trí tuệ và thương mại hóa nghiên cứu. Tạo điểm kết nối thường xuyên giữa giảng viên, doanh nghiệp và sinh viên thông qua hội thảo, chuyên đề, chương trình mentorship và giảng dạy chung.
Đồng thời, tổ chức chương trình thực tập, luân chuyển giảng viên tại doanh nghiệp để cập nhật công nghệ và ứng dụng vào giảng dạy. Huy động doanh nghiệp tài trợ học bổng, thiết bị, phòng thí nghiệm, tăng cường hạ tầng thực hành. Cuối cùng, áp dụng cơ chế đánh giá – cải tiến liên tục dựa trên dữ liệu thực tiễn như tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp có việc làm, mức độ hài lòng của doanh nghiệp và kỹ năng đầu ra của sinh viên.
Chia sẻ thêm về liên kết giữa nhà trường và doanh nghiệp, thầy Quỳnh cho biết, Trường Đại học Lạc Hồng đã xác định quan hệ hợp tác với doanh nghiệp là trụ cột chiến lược trong đào tạo và nghiên cứu. Trường đã thành lập bộ phận quan hệ doanh nghiệp cấp trường và phân công cán bộ chuyên trách tại từng khoa nhằm tìm kiếm cơ hội thực tập, việc làm cho sinh viên, kết nối hợp tác đào tạo và chuyển giao công nghệ. Hằng năm, trường thu hút hàng chục tỷ đồng từ doanh nghiệp thông qua các hoạt động tài trợ học bổng cho sinh viên vượt khó, đầu tư phòng thí nghiệm, cũng như hợp đồng chuyển giao công nghệ.
Mỗi khoa của trường đều thành lập ban cố vấn doanh nghiệp với sự tham gia của lãnh đạo các công ty, góp ý thường niên về chuẩn đầu ra và điều chỉnh chương trình đào tạo theo nhu cầu thị trường. Nhờ mạng lưới cựu sinh viên rộng khắp, hoạt động kết nối doanh nghiệp tại trường ngày càng hiệu quả, thực chất. Nhiều chuyên gia từ doanh nghiệp tham gia giảng dạy kỹ năng mềm, chia sẻ chuyên đề thực tế, đồng hành cùng sinh viên ngay từ giảng đường.
Hội đồng cần đặt ra tiêu chí hoạt động rõ ràng, thực chất, hướng tới hiệu quả phối hợp
Theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Vũ Quỳnh, để kết nối chặt chẽ giữa đào tạo và nhu cầu tuyển dụng, tránh tình trạng “thừa – thiếu” nhân lực, Hội đồng cấp quốc gia về đại học – doanh nghiệp cần thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp.
Trước hết, cần xây dựng hệ thống phân tích nhu cầu thị trường dựa trên dữ liệu tuyển dụng thực tế và công cụ dự báo xu hướng ngành nghề. Đồng thời, cần chuẩn hóa đào tạo theo năng lực đầu ra, phối hợp cùng doanh nghiệp thiết kế chương trình, giáo trình và tiêu chí đánh giá kỹ năng. Bên cạnh đó, phát triển mô hình học – làm dài hạn, thực tập kéo dài. Song song với đó, tăng năng lực giảng viên thông qua luân chuyển thực tế tại doanh nghiệp và mời chuyên gia FDI tham gia giảng dạy.
Ngoài ra, mỗi trường cần có trung tâm quan hệ doanh nghiệp làm đầu mối kết nối và hỗ trợ ký kết hợp tác có cam kết rõ ràng về kỹ năng đầu ra. Đồng thời, triển khai cơ chế đánh giá, điều chỉnh định kỳ dựa trên dữ liệu việc làm và phản hồi của nhà tuyển dụng. Đặc biệt, tăng tính minh bạch và trách nhiệm thông qua KPI cụ thể, trong đó cả nhà trường và doanh nghiệp đều chia sẻ trách nhiệm trong tuyển dụng và chất lượng đào tạo.

Trường Đại học Lạc Hồng nỗ lực kết nối giữa doanh nghiệp và nhà trường nhằm thúc đẩy đào tạo và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao. Ảnh website nhà trường
Thầy Quỳnh cũng cho rằng, để đảm bảo vai trò điều phối và gắn kết hiệu quả giữa 3 nhà (Nhà nước, Nhà trường và Doanh nghiệp), Chủ tịch Hội đồng cấp quốc gia về đại học – doanh nghiệp nên là Thủ tướng Chính phủ. Đây là mô hình đã được áp dụng hiệu quả tại nhiều quốc gia như Philippines, Thái Lan, giúp nâng tầm chính sách lên cấp quốc gia, tạo sự phối hợp liên ngành mạnh mẽ và huy động nguồn lực đồng bộ.
Với vị trí Chủ tịch, Thủ tướng sẽ đóng vai trò định hướng chiến lược, còn Phó Thủ tướng hoặc Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ hay Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo có thể đảm nhận vai trò Phó Chủ tịch thường trực để điều hành thực thi. Cấu trúc này giúp hội đồng vận hành linh hoạt, kết nối thực chất với các cơ sở giáo dục, doanh nghiệp và địa phương, từ đó thúc đẩy liên kết bền vững và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực quốc gia.
Ngoài ra, để lựa chọn thành phần tham gia các ban chuyên môn trong Hội đồng cấp quốc gia về đại học – doanh nghiệp, cần đặt ra tiêu chí rõ ràng, thực chất và hướng tới hiệu quả phối hợp. Với giảng viên và nhà khoa học, cần ưu tiên người có học vị cao, uy tín học thuật, từng tham gia hợp tác nghiên cứu, chuyển giao công nghệ với doanh nghiệp, có tư duy đổi mới và cam kết thời gian làm việc thực chất.
Với đại diện doanh nghiệp, cần là lãnh đạo cấp cao hoặc chuyên gia có kinh nghiệm trong R&D, chuyển giao công nghệ, có mạng lưới hợp tác rộng và sẵn sàng đồng hành cùng nhà trường qua tài trợ, thực tập, hỗ trợ học bổng. Hội đồng cần đảm bảo cơ cấu cân đối giữa doanh nghiệp và cơ sở đào tạo, minh bạch trong lựa chọn, có thời hạn nhiệm kỳ rõ ràng và đánh giá đóng góp theo kết quả đầu ra. Việc lựa chọn đúng người sẽ giúp nâng cao chất lượng đào tạo, thu hẹp khoảng cách cung – cầu lao động và hình thành văn hóa hợp tác bền vững giữa nhà trường và doanh nghiệp.
Đồng ý kiến với quan điểm trên, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Đỗ Thành Trung cho rằng, Hội đồng cấp quốc gia về đại học - doanh nghiệp cần thực hiện đồng thời nhiều giải pháp, để kết nối tốt hơn giữa đào tạo và nhu cầu tuyển dụng.
Cụ thể, cần tổ chức hệ thống dữ liệu lớn (Big Data) về thị trường lao động với xu hướng công nghệ, ngành nghề tương lai, hỗ trợ nhà trường trong hoạch định chiến lược đào tạo. Định hướng phát triển các chương trình nghiên cứu ứng dụng, ươm tạo công nghệ chiến lược tại trường đại học, giúp sinh viên vừa học vừa sáng tạo.
Đồng thời, tổ chức sàn giao dịch công nghệ giữa trường và doanh nghiệp, nơi các đề tài nghiên cứu, giải pháp công nghệ được tiếp cận và đầu tư khai thác. Đồng bộ hóa chuẩn kỹ năng nghề quốc gia, đảm bảo năng lực sinh viên sau tốt nghiệp đáp ứng cả thị trường trong nước và quốc tế.

Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật Thành phố Hồ Chí Minh đẩy mạnh hợp tác doanh nghiệp bằng việc ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác với công ty Cybernet System Malaysia Sdn. Bhd. (CSMY). Ảnh website trường
Cũng theo thầy Trung, người đứng đầu hội đồng nên là Thủ tướng để điều phối liên ngành, thúc đẩy các Bộ cùng tham gia.
Ngoài ra, để tham gia hội đồng, cần đặt ra tiêu chí lựa chọn thành phần như sau: Thành viên hội đồng nên là lãnh đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Công Thương,…; Nhà khoa học hoặc giảng viên có học vị tiến sĩ trở lên, có kinh nghiệm nghiên cứu chuyển giao công nghệ, từng chủ trì đề tài hợp tác doanh nghiệp; Doanh nghiệp là tập đoàn lớn, doanh nghiệp công nghệ cao, công nghệ chiến lược, có phòng R&D và cam kết hợp tác trong đào tạo, nghiên cứu; Đại diện các trường đại học trọng điểm quốc gia về kỹ thuật, công nghệ đã có mô hình hợp tác hiệu quả Nhà trường – Doanh nghiệp, hội đồng tư vấn doanh nghiệp và thành tích hợp tác thực tế hiệu quả.
Việc đảm bảo sự đa ngành, đa vùng, đa hình thức sở hữu trong thành phần hội đồng là điều kiện cần có để triển khai hiệu quả chính sách phát triển khoa học – công nghệ gắn với đào tạo đại học.
Tài liệu tham khảo:
[1] https://giaoduc.net.vn/de-xuat-xay-dung-hoi-dong-cap-quoc-gia-ve-dai-hoc-doanh-nghiep-post252056.gd