CSGT chấp nhận tài xế trình bằng lái qua VNeID trong các trường hợp nào?
Bộ Công an khẳng định, thông tin giấy phép lái xe đã được xác thực trên ứng dụng VNeID được công nhận là giấy tờ hợp lệ kể từ ngày 1/6.
Bộ Công an cho biết, Thông tư số 05/2024/TT-BGTVT của Bộ Giao thông vận tải sửa đổi, bổ sung một số điều của các thông tư liên quan đến lĩnh vực vận tải đường bộ, dịch vụ hỗ trợ vận tải đường bộ, phương tiện và người lái chính thức có hiệu lực từ ngày 1/6.
Trong đó, nội dung đáng chú ý tại điểm a khoản 24 Điều 4 Thông tư quy định, giấy phép lái xe (GPLX) bằng vật liệu PET hợp lệ là GPLX có thông tin đã được xác thực trên ứng dụng VNeID.
Hiện nay tại Việt Nam, GPLX hợp lệ là giấy phép được cấp bởi cơ quan có thẩm quyền, sử dụng vật liệu PET. Trên giấy tờ này có in các thông tin như số phôi, ngày cấp và ngày hết hạn, trùng khớp với thông tin được lưu trữ trong hệ thống quản lý.
"Thông tin GPLX đã được xác thực trên ứng dụng VNeID cũng sẽ được công nhận là giấy tờ hợp lệ", Bộ Công an khẳng định.
Điều này có nghĩa là người dân có thể xuất trình GPLX trên VNeID thay cho giấy tờ bản cứng khi tham gia giao thông để không bị phạt. Bên cạnh đó, người dân vẫn có thể sử dụng GPLX bản cứng để xuất trình khi cơ quan có thẩm quyền yêu cầu.
Đề cập nội dung trên, một chỉ huy Đội Cảnh sát giao thông (CSGT) đường bộ số 6, Phòng CSGT Công an TP Hà Nội cho biết, trong những ngày đầu kể từ khi Thông tư số 05/2024/TT-BGTVT, lực lượng CSGT đang chờ thêm hướng dẫn của các đơn vị liên quan để triển khai thực hiện.
Theo vị này, hiện quy trình xử phạt đối với người vi phạm luật giao thông đường bộ đang áp dụng hình thức tước GPLX đối với một số lỗi, ngoài xử phạt vi phạm hành chính và tạm giữ phương tiện.
Tuy nhiên, dữ liệu trên ứng dụng VNeID chưa thể hiện được tính năng cho thấy GPLX của người vi phạm đó đã bị tước hay chưa, tình trạng của GPLX đang ra sao. Do đó, tài xế làm việc với CSGT vẫn phải sử dụng bằng lái xe bản cứng.
Một cán bộ CSGT khác bổ sung, khi dữ liệu được liên thông, lực lượng tuần tra có thể sử dụng phần mềm hoặc thiết bị kiểm tra được tình trạng của GPLX. Khi đó, việc kiểm soát và xử phạt thông qua VNeID hoàn toàn diễn ra thuận lợi.
Hiện nay, lực lượng CSGT vẫn chấp nhận kiểm tra khi tài xế xuất trình thông tin về bằng lái xe đã tích hợp trên VNeID, song chỉ áp dụng khi kiểm tra hành chính. Còn nếu bị tước bằng lái, tài xế vẫn phải đưa bản gốc.
Còn theo đại diện Cục CSGT, Điều 18 Thông tư 32/2023 của Bộ Công an (có hiệu lực thi hành từ ngày 15/9/2023) cũng nêu quy định về kiểm soát các giấy tờ có liên quan đến người và phương tiện giao thông.
Cụ thể, trường hợp người điều khiển phương tiện xuất trình các giấy tờ thì cán bộ chức năng kiểm tra, đối chiếu trực tiếp các giấy tờ đó. Nếu người điều khiển cung cấp thông tin của các giấy tờ trong tài khoản VNeID thì kiểm tra, đối chiếu thông tin của các giấy tờ đó trong tài khoản này.
Đối với việc người dân xuất trình giấy tờ xe đã tích hợp trên VNeID khi CSGT kiểm tra, Cục CSGT khẳng định, cơ quan chức năng cần thời gian để chuẩn bị các trang thiết bị đọc dữ liệu và đào tạo trước khi chính thức thực hiện kiểm tra giấy tờ thông qua VNeID.