CSGT chưa phát hiện trường hợp oan sai về nồng độ cồn

Đề nghị tiếp tục thực hiện quy định cấm tuyệt đối nồng độ cồn khi lái xe, Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh cho biết, qua hoạt động kiểm tra thời gian qua, lực lượng CSGT chưa phát hiện trường hợp nào oan sai về nồng độ cồn.

Tiếp tục đề nghị cấm tuyệt đối nồng độ cồn khi lái xe

Sáng nay (11/6), tại phiên họp thứ 34, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về Luật Trật tự, an toàn giao thông (TTATGT) đường bộ.

Báo cáo một số vấn đề lớn của dự thảo Luật TTATGT đường bộ, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Lê Tấn Tới cho biết, nhiều ý kiến nhất trí về quy định cấm điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn.

Tuy nhiên, một số ý kiến đề nghị cân nhắc quy định có ngưỡng tối thiểu và một số ý kiến khác đề nghị đưa hai phương án để xin ý kiến đại biểu Quốc hội.

Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Lê Tấn Tới.

Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Lê Tấn Tới.

Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh cho biết, quy định trên được kế thừa quy định tại khoản 8 Điều 8 của Luật Giao thông đường bộ năm 2008, thống nhất với quy định tại khoản 6 Điều 5 của Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia năm 2019 và quy định cụ thể cho lĩnh vực giao thông đường bộ.

Tại kỳ họp thứ 6, đa số đại biểu Quốc hội (ĐBQH) nhất trí với quy định này và một số ĐBQH đề nghị đưa ra mức giới hạn thấp nhất.

Ủy ban Quốc phòng và An ninh đã phân tích cụ thể, rõ ràng ưu điểm, hạn chế của mỗi phương án để báo cáo hội nghị ĐBQH hoạt động chuyên trách và gửi xin ý kiến các đoàn ĐBQH, các cơ quan của Quốc hội, các cơ quan có liên quan.

Hầu hết các ý kiến đều nhất trí và có góp ý cụ thể đối với phương án quy định cấm "điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn" và đã được thể hiện cụ thể tại báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật TTATGTĐB gửi các vị ĐBQH đầu kỳ họp thứ 7. Không có đoàn ĐBQH nào đề nghị lấy ý kiến ĐBQH hai phương án về nội dung này.

Trong dự thảo Luật, nếu không tiếp tục kế thừa khoản 6 Điều 5 của Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia năm 2019, sẽ làm tăng số vụ tai nạn giao thông, kéo theo làm tăng hậu quả, thiệt hại do tai nạn giao thông gây ra đối với tính mạng, sức khỏe, tài sản của người điều khiển phương tiện, người tham gia giao thông khác, ảnh hưởng đến cuộc sống của gia đình, nguồn lực của đất nước, gây ra nhiều hệ lụy cho xã hội; đi ngược lại những cố gắng, nỗ lực của cả hệ thống chính trị, gây lãng phí công sức, tiền bạc của Nhà nước và nhân dân.

Do vậy, Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho tiếp tục thực hiện quy định cấm điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn.

Đề xuất giao Bộ Y tế quy định về nồng độ cồn nội sinh

Ủy ban Quốc phòng và An ninh cũng cho biết, có ý kiến đề nghị giao Bộ Y tế ban hành quy trình kỹ thuật, định lượng ethanol trong máu đối với các trường hợp không sử dụng rượu, bia mà có độ nồng độ cồn như do bị bệnh dẫn đến tăng chuyển hóa nồng độ cồn nội sinh.

Tiếp thu ý kiến của các vị ĐBQH, Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh đề xuất bổ sung vào khoản 5 Điều 87 của dự thảo Luật giao cho Bộ Y tế quy định về xác định nồng độ cồn và nồng độ cồn nội sinh trong máu để làm căn cứ xác định trường hợp người điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ mà trong máu có nồng độ cồn do sử dụng rượu, bia hoặc đồ uống có cồn khác.

Theo chuyên gia y tế thì cồn nội sinh là cồn tự sinh ra trong cơ thể mà không có bất kỳ tác động nào khác bên ngoài, có nồng độ rất thấp mà các phương tiện thông thường kiểm tra nồng độ cồn hiện nay không thể phát hiện được.

Thực tiễn, qua hoạt động kiểm tra của lực lượng cảnh sát giao thông (CSGT) thời gian qua chưa phát hiện trường hợp nào oan sai về nồng độ cồn.

Toàn cảnh phiên họp thứ 34 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội sáng nay (11/6).

Toàn cảnh phiên họp thứ 34 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội sáng nay (11/6).

Trích một phần tiền xử phạt và tiền đấu giá biển số xe cho CSGT

Về chính sách của Nhà nước về TTATGT đường bộ (Điều 5), ông Lê Tấn Tới cho biết, nhiều ý kiến nhất trí với quy định về trích lại một phần khoản thu từ tiền xử phạt vi phạm hành chính về TTATGT đường bộ sau khi nộp vào ngân sách nhà nước để phục vụ công tác bảo đảm TTATGT đường bộ.

Có ý kiến đề nghị cân nhắc quy định trích lại một phần khoản tiền xử phạt vi phạm hành chính về TTATGT đường bộ sau khi nộp vào ngân sách Nhà nước; đề nghị quy định rõ trích lại bao nhiêu phần trăm; đề nghị bổ sung quy định trích lại tiền thu được từ đấu giá biển số xe.

Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh thấy rằng, triển khai thực hiện Nghị quyết số 12-NQ/TW ngày 16/3/2022 của Bộ Chính trị khóa XIII về "Đẩy mạnh xây dựng lực lượng Công an nhân dân thật sự trong sạch, vững mạnh, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới", nhu cầu trích lại kinh phí từ nguồn kinh phí bảo đảm TTATGT đường bộ để Bộ Công an triển khai thực hiện các dự án để phục vụ công tác bảo đảm TTATGT.

Hiện nay, Bộ Công an đang triển khai thực hiện các dự án tăng cường cơ sở vật chất, phương tiện, thiết bị, hiện đại, nhất là các dự án về chuyển đổi số, đầu tư hệ thống giám sát, trang thiết bị chỉ huy, điều hành giao thông, xử lý vi phạm pháp luật về TTATGT, xây dựng các trung tâm dữ liệu, hiện đại hóa lực lượng CSGT nhằm nâng cao hiệu quả công tác bảo đảm TTATGT.

Thực tế, hằng năm Bộ Công an được Quốc hội phân bổ ngân sách theo hướng bố trí dự toán chi ngân sách từ nguồn thu xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực TTATGT đường bộ sau khi nộp vào ngân sách Nhà nước để tăng cường công tác bảo đảm TTATGT.

Tỷ lệ phần trăm trích lại tùy thuộc vào nhu cầu từng năm của Bộ Công an, cụ thể: giai đoạn 2018 - 2020 trích lại là 70%; năm 2021 trích lại 70%; năm 2022 và 2023 trích lại 79%; từ năm 2024 trích lại cho Bộ Công an 85%, các địa phương 15%. Tuy nhiên, quá trình thực hiện cũng còn có khó khăn, vướng mắc, do chưa được quy định trong luật.

Đến nay, nguồn kinh phí xử phạt vi phạm hành chính năm 2024 trích cho Bộ Công an vẫn chưa được cấp do chưa có văn bản hướng dẫn về chi thường xuyên có tính chất đầu tư.

Còn tiền trích lại tiền thu được từ đấu giá biển số xe đã được quy định tại Nghị định số 39/2023/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Nghị quyết số 73/2022/QH15 của Quốc hội về thí điểm đấu giá biển số xe ô tô đã quy định Bộ Công an được trích lại 30% số tiền thu được từ đấu giá biển số xe, cần được quy định khung trong dự thảo Luật này để bảo đảm tính thống nhất về cơ sở pháp lý.

Tham khảo khoản 3 Điều 112 của Luật Thanh tra năm 2022 và Nghị quyết số 37/2023/UBTVQH15 ngày 06/9/2023 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định các cơ quan thanh tra được trích một phần từ các khoản tiền thu hồi phát hiện qua thanh tra sau khi nộp vào ngân sách Nhà nước; Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho giữ lại nội dung này tại khoản 1 Điều 5 của dự thảo Luật,

Tuy nhiên, nội dung này có chỉnh sửa theo ý kiến ĐBQH như sau: Trích một phần tiền xử phạt vi phạm hành chính về TTATGT đường bộ và tiền đấu giá biển số xe sau khi nộp vào ngân sách Nhà nước theo quy định của Ủy ban Thường vụ Quốc hội để phục vụ công tác bảo đảm TTATGT, tăng cường cơ sở vật chất, phương tiện, thiết bị, hiện đại hóa lực lượng bảo đảm TTATGT.

Sau khi Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành Nghị quyết về nội dung này thì việc quản lý, sử dụng số tiền trích lại được thực hiện theo Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và pháp luật về ngân sách Nhà nước, không phải sửa đổi, bổ sung quy định của Luật Ngân sách Nhà nước.

Phùng Đô

Nguồn Giao Thông: https://www.baogiaothong.vn/csgt-chua-phat-hien-truong-hop-oan-sai-ve-nong-do-con-192240611090516256.htm