CSGT giải quyết sự cố, xảy ra ùn tắc xử lý thế nào?

Khi ùn tắc trở nên nghiêm trọng, các tổ trưởng phải xác định nguyên nhân và phân công các thành viên của đội thực hiện các biện pháp điều hướng.

Hỏi:

Vừa qua, khi đi trên đường, tôi thấy có vụ va chạm giữa 2 xe máy. Tuy nhiên, khi lực lượng CSGT làm việc thì trên đường xảy ra ùn tắc nghiêm trọng. Vậy xin hỏi, theo quy định thì CSGT giải quyết sự cố, có cần đảm bảo giao thông?

Đặng Quang Khánh (phường Lê Thanh Nghị, TP Hải Dương)

Ảnh minh họa.

Luật sư Tô Thị Phương Dung, Đoàn Luật sư TP Hà Nội trả lời:

Theo Thông tư 32/2023/TT-BCA, CSGT có trách nhiệm giải quyết và xử lý các sự cố giao thông theo các hình thức khác nhau.

Khi phát hiện hoặc nhận thông tin về tai nạn giao thông, các đơn vị CSGT phải nhanh chóng triển khai lực lượng tới hiện trường và thực hiện các quy trình điều tra, giải quyết.

Ngoài việc xử lý tai nạn, CSGT cũng phải giải quyết tình trạng ùn tắc giao thông. Với những tình huống ùn tắc không quá nghiêm trọng và giới hạn trong phạm vi nhỏ, các tổ trưởng có thể phân công nhiệm vụ cụ thể cho các thành viên của đội để điều hướng giao thông và giải tỏa ùn tắc.

Tuy nhiên, khi ùn tắc trở nên nghiêm trọng và ảnh hưởng đến hoạt động giao thông trên diện rộng, các tổ trưởng phải xác định nguyên nhân và phân công các thành viên của đội thực hiện các biện pháp điều hướng, điều hòa giao thông để giảm thiểu. Đồng thời, thông báo và hợp tác với các cơ quan, đơn vị và chính quyền địa phương để tổ chức phân luồng và điều tiết từ xa.

Ngoài ra, khi xảy ra sự cố về đường bộ, như ùn tắc giao thông hoặc các tình huống gây cản trở, CSGT cần thực hiện các biện pháp như đặt biển báo số 245a "Đi chậm" hoặc biển báo số 245b (trong trường hợp tuyến đường là tuyến đối ngoại). Đồng thời, cần bố trí cán bộ hướng dẫn điều tiết để hỗ trợ phương tiện qua lại một cách an toàn và hiệu quả.

.

Nguồn Giao Thông: https://www.baogiaothong.vn/csgt-giai-quyet-su-co-xay-ra-un-tac-xu-ly-the-nao-192240521000054301.htm