Cứ 10 trẻ sinh ra thì có 1 trẻ sinh non
Sinh non là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu ở trẻ em dưới 5 tuổi. Mỗi năm trên toàn thế giới có khoảng 15 triệu trẻ sinh non (cứ 10 trẻ sinh ra thì có 1 trẻ sinh non).
Ngày 17-11, Vụ Sức khỏe bà mẹ - trẻ em (Bộ Y tế), Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) phối hợp với Bệnh viện Từ Dũ tổ chức lễ hưởng ứng Ngày thế giới vì trẻ sinh non (17-11) với thông điệp: “Da kề da ngay sau sinh - Thực hành đơn giản, tác động tối ưu“ nhằm kêu gọi mọi người cùng chăm sóc phụ nữ có thai dự phòng sanh non và ghi nhận những đóng góp của nhân viên y tế trong công tác chăm sóc, điều trị trẻ sinh non.
Theo đại diện UNICEF, sinh non là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu ở trẻ em dưới 5 tuổi. Mỗi năm trên toàn thế giới có khoảng 15 triệu trẻ sinh non (cứ 10 trẻ sinh ra thì có 1 trẻ sinh non). Tại Việt Nam khoảng 60% trường hợp tử vong ở trẻ là các bé mới sinh.
Các nghiên cứu gần đây cho thấy, việc tiếp xúc da kề da có thể được bắt đầu ngay sau sinh, ngay cả trước khi trẻ sơ sinh được coi là ổn định về mặt lâm sàng. Tiếp xúc da kề da ngay sau sinh giúp trẻ: ổn định thân nhiệt; điều hòa nhịp thở, nhịp tim; phòng hạ đường huyết; giảm mắc các bệnh nhiễm khuẩn; kích thích tiêu hóa và giúp trẻ tăng cân; giúp não bộ trẻ phát triển tối ưu; tăng kết nối, gắn kết tình cảm mẹ con và giảm 40% nguy cơ tử vong sớm ở trẻ sơ sinh.
Mặc dù chăm sóc da kề da cho trẻ sinh non và nhẹ cân mang lại các lợi ích to lớn, nhưng việc thực hiện phương pháp này một cách thường quy vẫn là thách thức trên toàn cầu. Phương pháp này cần sự thay đổi đáng kể trong mô hình chăm sóc trẻ sơ sinh “truyền thống” là tách trẻ mới sinh ra khỏi mẹ, đặc biệt nếu trẻ sinh ra quá nhỏ hoặc quá ốm yếu. UNICEF Việt Nam đang hợp tác với Bộ Y tế để hỗ trợ và mở rộng các can thiệp hỗ trợ cứu sống trẻ sơ sinh, bao gồm phương pháp chăm sóc Kangaroo (KMC) trên khắp cả nước.
“Ngày Thế giới vì Trẻ sinh non hướng tới việc nâng cao nhận thức về những khó khăn của việc sinh non, cũng như giáo dục cộng đồng về những rủi ro và hậu quả của sinh non. Chúng tôi hy vọng sẽ tăng cường khả năng phát hiện sớm các nguy cơ trong thai kỳ, thúc đẩy các lựa chọn điều trị y tế tiên tiến, trao quyền cho các ông bố, bà mẹ trong việc chăm sóc trẻ sơ sinh và giảm đáng kể những hậu quả lâu dài cho trẻ em và gia đình”, đại diện UNICEF thông tin.
Theo BSCK2 Trần Ngọc Hải, Giám đốc Bệnh viện Từ Dũ, phương pháp da kề da được thực hiện tại bệnh viện trên 90%, trừ trường hợp gây mê. Bệnh viện dành trên 90 giường bệnh trên tổng số gần 200 giường bệnh sơ sinh dành cho KMC.
“Sinh non tháng không khó nhưng nuôi dưỡng trẻ non tháng rất khó”, BSCK2 Trần Ngọc Hải thông tin và cho biết, tại bệnh viện việc thực hiện KMC từ năm 1997 trải qua hơn 26 năm triển khai thực hiện với trung bình mỗi ngày khu KMC phải chăm sóc và điều trị trung bình 147 ca sinh non.
Bệnh viện đã từng bước hoàn thiện và hỗ trợ nuôi thành công các bé sinh non từ 24 tuần tuổi. Bên cạnh hoạt động điều trị chăm sóc các bé sinh non, Bệnh viện Từ Dũ còn là nơi đào tạo, hướng dẫn cho các tỉnh trong việc thực hiện KMC.
Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/cu-10-tre-sinh-ra-thi-co-1-tre-sinh-non-post714528.html