Cụ bà 117 tuổi qua đời trong khi ngủ, gia đình tiết lộ điều bất thường trước đó

TÂY BAN NHA - Những ngày cuối đời, bà nói rằng bà cảm thấy mình sắp chết và sẽ nhớ những thói quen hàng ngày như uống cà phê, ăn sữa chua và ngắm nhìn thú cưng của mình.

María Branyas Morera, cụ bà người Tây Ban Nha sinh ra tại Mỹ, đã qua đời trong khi ngủ ở tuổi 117. Gia đình bà cho biết gần đây bà có chia sẻ về cái chết cận kề và việc bà sẽ nhớ những thói quen hàng ngày của mình như uống cà phê.

Bà Branyas được mệnh danh là "người siêu thọ", cũng là người già nhất thế giới. Bà đã tổ chức sinh nhật lần thứ 117 của mình vào đầu năm nay bằng một chiếc bánh nhỏ có cắm nến. Bà nói rằng, "tránh xa những người độc hại" là một trong những lý do khiến bà sống lâu như vậy.

Gia đình bà cho biết, bà đã sống được 117 năm 168 ngày và là người sống lâu thứ 8 trong lịch sử. Nguyên nhân cái chết của bà không được công khai. Tổ chức Kỷ lục thế giới Guinness cho biết, ngoài các vấn đề về thính giác và khả năng vận động, bà không gặp vấn đề sức khỏe nào nghiêm trọng.

"Maria Branyas đã rời xa chúng tôi. Bà đã ra đi như bà mong muốn: trong giấc ngủ, thanh thản và không đau đớn", gia đình bà chia sẻ.

Bà Branyas tổ chức sinh nhật 117 tuổi tại một viện dưỡng lão ở Tây Ban Nha. Ảnh: Reuters

Bà Branyas tổ chức sinh nhật 117 tuổi tại một viện dưỡng lão ở Tây Ban Nha. Ảnh: Reuters

Những ngày cuối đời, bà đã nói rằng bà cảm thấy mình sắp chết và sẽ nhớ những thói quen hàng ngày như uống cà phê, ăn sữa chua và ngắm nhìn thú cưng của mình. “Ta cũng sẽ bỏ lại những ký ức, những suy nghĩ của mình và ta sẽ không còn tồn tại trong cơ thể này nữa”, bà nói trước khi qua đời.

“Ta không biết khi nào, nhưng rất sớm thôi, hành trình dài này sẽ kết thúc. Cái chết sẽ tìm thấy ta trong tình trạng kiệt sức vì ta đã sống quá lâu. Nhưng ta muốn chào đón nó bằng một nụ cười, cảm nhận sự tự do và mãn nguyện”.

Theo Guinness, bà Branyas cho rằng tuổi thọ của bà là nhờ “may mắn và gen tốt”. Ngoài ra, bà cũng nêu một số yếu tố mang đến tuổi thọ cao, gồm có: “sự yên tĩnh, mối quan hệ tốt với gia đình và bạn bè, hòa mình với thiên nhiên, sự ổn định về mặt cảm xúc, không lo lắng, không hối tiếc, suy nghĩ tích cực và tránh xa những người độc hại”.

Sinh ra tại San Francisco vào ngày 4/3/1907, bà Branyas cũng từng sống ở Texas và New Orleans trước khi chuyển đến Tây Ban Nha năm 7 tuổi. Bà sống một thời gian ngắn ở Barcelona và vùng Catalonia.

Bà đã trải qua 2 Thế chiến, nội chiến Tây Ban Nha và 2 đại dịch – đại dịch cúm năm 1918 và đại dịch Covid-19. Theo Guinness, bà đã mắc Covid-19 vào năm 2020 ở tuổi 113 nhưng đã nhanh chóng hồi phục sau khi trải qua các triệu chứng nhẹ.

Bà Branyas “đã ra đi thanh thản tại viện dưỡng lão ở Catalonia, Tây Ban Nha - nơi bà đã sống trong suốt 2 thập kỷ qua”, Guinness cho biết.

“Ngoài khiếm thính và gặp vấn đề về khả năng vận động, bà không gặp vấn đề sức khỏe nào khác và trí óc của bà hoàn toàn minh mẫn”, Tổ chức Kỷ lục Guinness nói thêm.

Năm 1931, bà kết hôn với Joan Moret, một bác sĩ - người đã mất năm 1976. Guinness cho biết, bà làm việc cùng chồng để điều trị cho những người lính bị thương trong nội chiến Tây Ban Nha và làm trợ lý cho chồng trong vài năm sau đó. Họ có với nhau 3 người con, 11 người cháu và nhiều chắt.

Bà Branyas từng đi du lịch đến Ai Cập, Italia, Hà Lan và Vương quốc Anh. Người phụ nữ này cũng thích may vá, đọc sách và âm nhạc. "Ở tuổi 110, bà vẫn đọc báo hàng ngày”.

Sau khi bà Branyas qua đời, người được ghi nhận sống lâu nhất thế giới hiện nay là Tomiko Itakeoka, 116 tuổi đến từ Nhật Bản, sinh năm 1908. Ở Mỹ, Elizabeth Francis, 115 tuổi, là người già nhất còn sống.

"Tôi không làm gì đặc biệt để đạt đến độ tuổi này", bà Branyas từng chia sẻ với tờ báo El Páis của Tây Ban Nha trong một cuộc phỏng vấn hồi đầu năm nay.

Nhưng Waclaw Jan Kroczek, người đã nghiên cứu cuộc đời của Branyas với tư cách là Giám đốc tạm quyền của Bộ phận Nghiên cứu và Cơ sở dữ liệu về người siêu thọ của Tổ chức Kỷ lục Guinness, đã gọi bà là "một trường hợp có tuổi thọ đặc biệt".

"Bà không chỉ duy trì được sự minh mẫn ở độ tuổi rất cao mà còn duy trì được khả năng thể chất tuyệt vời", ông trả lời tờ The Washington Post qua điện thoại. "Bà vẫn có thể đi lại cho đến khi rất già. Bà thậm chí còn sống sót sau đại dịch Covid-19".

Ông gọi việc sống đến 110 tuổi là một "hiện tượng hiếm có", nhưng sống đến 117 tuổi là "minh chứng cho sức bền và sức mạnh của bà".

Ông lưu ý rằng ngoài việc có gen tốt và duy trì lối sống lành mạnh, nhiều người sống thọ cũng có "thái độ tích cực" trong suốt cuộc đời của họ. "Căng thẳng là kẻ thù. Nó làm tăng tốc quá trình lão hóa và có thể khiến bạn qua đời sớm hơn" - Kroczek nói thêm.

Tờ The Washington Post từng nói chuyện với 14 người sống thọ về những yếu tố cần có để sống một cuộc đời khỏe mạnh và hạnh phúc. Nhiều người cho rằng tuổi thọ của họ là nhờ suy nghĩ tích cực, trân trọng tình bạn và sống tử tế.

Giới tính cũng có thể là một yếu tố, David Gems, giáo sư về sinh học lão khoa tại Viện Lão khoa khỏe mạnh, Đại học London (Anh) cho hay. Phụ nữ có xu hướng sống lâu hơn và lão hóa chậm hơn.

Đăng Dương

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/cu-ba-117-tuoi-qua-doi-trong-khi-ngu-gia-dinh-tiet-lo-dieu-bat-thuong-truoc-do-2314964.html