Sau bão, chuyện cây trong phố
Bão số 3 đã qua, cơn bão cực lớn từ mấy chục năm nay. Các thiệt hại chiều sâu đang được thống kê. Sở dĩ, có sự thống kê chậm vì một số nơi, nhất là ở Quảng Ninh, viễn thông di động bị mất nên chưa thể cập nhật số liệu.
Nhưng, cái mà ai cũng thấy, ai cũng xót xa, ai cũng tiếc, nhiều người kêu tiếc đến đứt ruột, là hàng chục ngàn cây xanh bị gãy đổ.
Hà Nội bị rất nhiều. Một số cổ thụ bị gãy, một số bị đổ.
Còn lại đa phần là cây mới trồng.
17 ngàn cây xanh, chiếm 10% cây Hà Nội bị đổ. Rất nhiều người Hà Nội đã bật khóc khi chứng kiến những cây quen thuộc với mình hằng ngày bị gãy đổ.
Và, khi nó đổ, người ta mới kinh ngạc hỏi nhau, phân tích mổ xẻ về cách trồng, hay nói cách khác, là kỹ thuật trồng.
Thôi thì cổ thụ bị gãy, bị đổ cũng đành, bởi nó đến tuổi thì có khi không bão nó cũng bị. Có điều, nếu cẩn thận và khoa học, thực lòng muốn bảo vệ nó, và cả bảo vệ người, thì cây phải có lý lịch sức khỏe, dạng như y bạ của người, được thăm khám thường xuyên để có phác đồ chăm sóc, kể cả tỉa cành mé nhánh, chống đỡ bảo vệ. Bởi, ai cũng biết cổ thụ ở phố nó khác ở... rừng. Bê tông như thế, môi trường như thế, không khí như thế, nắng gió như thế, nó không trở thành... bonsai là may rồi.
Nhưng, buồn thay, qua cơn bão này, rất nhiều cây mới trồng năm, mười năm cũng bị đổ. Và, khi đổ thì mọi người mới thấy nảy sinh nhiều vấn đề bất cập như: Hố đào để trồng cây rất nông, cây như bị vùi xuống. Thậm chí, có nhiều cây còn chưa kịp mở... bọc nylon gói gốc cây.
Cây vốn dĩ nó sống ở rừng, khi đưa về phố nó phải đáp ứng được rất nhiều yêu cầu về tiêu chuẩn cây đô thị. Và, về phố, nó cũng phải chịu sự khắc nghiệt của phố như những cây cổ thụ nêu trên. Có nhiều khu phố từng phải trồng đi trồng lại nhiều loại cây vì khi trồng tưởng là hợp, một thời gian lại phát hiện không hợp, phải thay.
Nhưng, trồng gì thì trồng, phải có tâm. Nói cách khác, phải làm hết trách nhiệm của mình. Chứ cứ trông những cái cây bị đổ, gốc, rễ bị trói, bị bó nylon, hố trồng nông choèn, bật lên toen hoẻn như thế, thì dẫu chả có kinh nghiệm gì, cũng thấy không thể chấp nhận được.
Một nhà báo ở Hà Nội nhắn cho tôi: “Không thể không thừa nhận công tác dự báo bão của chúng ta rất tốt nên dân phòng ngừa bão chủ động nên giảm thiểu thiệt hại về người và của. Nhưng, cây xanh thì bất lực. Nằm ngoài khả năng chống đỡ. Do con người đã đối xử thiếu tử tế với cây, trồng cây chưa đúng kỹ thuật, không có hệ thống bảo vệ chống đỡ cây, nên khi bão quét, cây mới bật gốc ngã nhào như thế”.
Đại tá, nhà văn Sương Nguyệt Minh viết trên Facebook của mình: “Cây trồng nông choèn choẹt thế này không đổ mới lạ. Bão Yagi đi qua mới biết lòng người làm ăn thật giả”. Nhà báo Đỗ Doãn Hoàng viết: “Hãy nhìn sâu và phân tích những gốc cây vừa bị bật đổ này ở gần nhà tôi (Cầu Giấy, Hà Nội). Tôi thật sự choáng khi thấy cây to thế này mà chúng được/bị đối xử chỉ như những bầu cây con được bó gọn đặt tạm trong bồn gạch bé xíu chít vôi vữa qua loa. Đi qua, lần sau, dù thể dục hô 1-2-3 rất mệt ở tuổi 50, tôi sẽ cân nhắc khi vịn tay vào các hàng cây kiểu này”.
Bên cạnh những ý kiến nêu trên cũng có không ít tài khoản mạng xã hội phản biện cho rằng không thể đổ cho việc cây bị bão đốn ngã, bật gốc là do kỹ thuật trồng. Và, việc để nguyên túi lưới sinh học bọc rễ cây khi trồng là đúng kỹ thuật vì giữ cho rễ cây không bị bung đất, sau này cây phát triển sẽ tự phá tung túi lưới sinh học tự nhiên cắm rễ sâu vào đất mà lớn lên. Trồng cây cũng không nên đào hố quá sâu, cây sẽ nghẹt rễ mà chết. Tuy nhiên, rõ ràng có rất nhiều bức ảnh chụp cây bật gốc còn nguyên cả bọc túi nylon. Mà túi nylon thì vừa kín, vừa không phân hủy dưới đất, chính túi nylon là nguyên nhân rễ cây bị nghẹt ở dưới đất.
Xem xét nguyên nhân cây mới trồng bị bật gốc hàng loạt sau bão thuộc về cơ quan chức năng. Ai đúng ai sai còn phải chờ vào cơ quan chức năng điều tra và kết luận.
Tuy nhiên, cây trồng ở phố một mặt phải “chiến đấu” chiều cao với các nhà cao tầng, một mặt phải “chiến đấu” chiều sâu với hệ thống bê tông, cống rãnh, các loại thiết bị chôn ngầm dưới đất. Nên, ở các đô thị phía Nam, tôi thấy người ta chọn loại cây có rễ cọc, hạn chế rễ chùm và cây không tạo tán lớn.
Đặc biệt nữa, trước mùa mưa bão là các cây lớn đều được “chăm sóc” bằng cách cắt bớt tán, làm sao để ngọn cân bằng với rễ, cẩn thận hơn nữa có giá chống đỡ bảo vệ cây.
Nhưng, tới giờ, tôi lại nhận thấy, thực ra thì cơn bão này dẫu gây ra những thiệt hại rất nặng, nhưng nhờ nó mà ta cũng hiểu thêm một mặt khác của cây và trồng cây trong phố. Bạn tôi - một chuyên gia nói, với những loại cây không có rễ cọc, lớn lên chút nữa, nó phá banh đường và sẵn sàng... đổ, chưa cần gió bão, mà chỉ vì ngọn nặng hơn gốc, dài hơn rễ. Ơ, thế thì là may mắn rồi. Có lẽ sau đây người ta sẽ phải làm một cuộc mổ xẻ rất lớn về cây trong phố, cây đô thị, từ chọn loại cây, kỹ thuật trồng như thế nào, chăm sóc ra sao để nó phù hợp với sự phát triển của đô thị và cả sự khắc nghiệt đô thị, cả khí hậu, thời tiết của vùng đất năm nào cũng có bão, không lớn thì nhỏ.
Gần sáu mươi năm trước, nhà thơ Lưu Quang Vũ đã viết về “vườn trong phố”:
Trong thành phố có một vườn cây mát
Trong triệu người có em của ta
Buổi trưa nắng bầy ong đi kiếm mật
Vào vườn rồi ong chẳng nhớ lối ra.
Bây giờ, khác rồi, thưa nhà thơ đáng kính ạ, dẫu Hà Nội vẫn đang được coi là nơi có cây xanh rất nhiều, là cái vườn rất lớn...
Nguồn VNCA: https://vnca.cand.com.vn/dien-dan-van-nghe-cong-an/sau-bao-chuyen-cay-trong-pho-i743803/