Cụ bà 92 tuổi truyền cảm hứng đến trường
Dù đã ở tuổi xế chiều, bà Amma, sống tại Ấn Độ, vẫn đi học mỗi ngày và chuẩn bị tham gia kỳ thi đọc viết quốc gia.
Mong muốn xóa mù chữ của bà đã truyền cảm hứng cho nhiều bé gái và phụ nữ trong làng.
Trong 2 năm qua, học sinh, giáo viên Trường Tiểu học Chawli, làng Bulandshahr, phía Bắc Ấn Độ, đã quen với hình ảnh cụ bà Amma, 92 tuổi, và cháu dâu, Firdaus, 35 tuổi, học đọc và viết. Đều đặn mỗi ngày, cả hai dậy sớm, đi bộ đến trường với khao khát tìm kiếm con chữ.
Bà Amma sống tại làng Bulandshahr, nơi tỷ lệ mù chữ ở phụ nữ và trẻ em gái lên tới 30%. Khi còn nhỏ, bà cụ không có cơ hội được đi học và kết hôn ở tuổi 14. Hai vợ chồng bà cùng nhau làm nông để nuôi lớn 4 người con trai và một con gái.
“Thời đó không có nhiều trường học. Các con tôi cũng đi học rất ít nhưng đến thời của cháu tôi lại khác. Đứa trẻ nào cũng được tiếp cận con chữ. Nhìn các cháu hào hứng đi học, tôi cũng muốn được đến trường”, bà Amma cho hay.
Giáo viên hướng dẫn bà Amma cách nhận biết con chữ, con số, cách cầm bút... dù bà đã lớn tuổi, chậm chạp hơn so với những đứa trẻ lớp Một. Theo “học viên lớn tuổi”, sự hỗ trợ ân cần, nhiệt tình của giáo viên lẫn hiệu trưởng khiến bà thích đến trường. Đến nay, bà Amma đã có thể đếm và đọc các đoạn văn cơ bản.
Sự chăm chỉ của bà Amma đã trở thành nguồn cảm hứng cho nhiều cô gái trẻ và những người phụ nữ đã có gia đình đăng ký đi học. Đơn cử, cả 2 con dâu của bà Amma đều đi học lại để xóa mù chữ.
Anh Navinoor Khan, cháu trai bà Amma, cho biết tại Bulandshahr, bà Amma là “người nổi tiếng”. Nhiều bé gái đi học vì tò mò khi thấy một cụ bà lớn tuổi, tóc bạc trắng, lưng còng nhưng vẫn đến trường. Thi thoảng, các bé gái đến trước nhà đợi bà Amma để cùng đi học.
Tuy nhiên, vì tuổi tác đã cao, bà Amma cũng gặp một số khó khăn trong học tập. Anh Khan cho biết khả năng viết của bà bị hạn chế vì bà mắc bệnh đục thủy tinh thể.
Bà Pratibha Sharma, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Chawli, khẳng định câu chuyện của bà Amma đã giúp cải thiện tỷ lệ người lớn biết chữ trong khu vực.
Là người đầu tiên gợi ý Amma đi học lại, bà Sharma kể: Thời gian trước, bà Amma thường đến trường xin thức ăn thừa vì gia đình không khá giả. Bà thường nán lại trò chuyện với tôi và hỏi về việc học tập.
Thấy bà có vẻ hứng thú với việc học, tôi động viên bà đến trường. Những buổi đầu, tôi trực tiếp hướng dẫn bà, sau đó khi bà đã quen dần thì chuyển sang học cùng các bé lớp Một.
Theo nữ hiệu trưởng, khác với trẻ em lớp Một học qua hình ảnh, bà Amma học bằng miệng và có thể phát âm rất tốt. Vì vậy, giáo viên thúc đẩy thế mạnh của bà Amma để bà học cách phát âm rồi chuyển sang học đọc.
Bên cạnh đó, giáo viên liên tục khen ngợi, khích lệ và khơi gợi tinh thần học tập của bà Amma. Cụ bà chuẩn bị tham gia kỳ thi đọc viết quốc gia.
“Chúng tôi hy vọng bà Amma có thể vượt qua kỳ thi và tiếp tục truyền cảm hứng cho người dân địa phương trên con đường học tập, dù có bất kỳ điều gì xảy ra”, Hiệu trưởng Sharma chia sẻ.
“Càng lớn tuổi, thính giác và thị giác của bà càng suy giảm nhưng điều đó không ngăn cản bà tôi đến trường. Tôi rất tự hào về bà nội mình”, anh Khan cho hay.
Theo TG
Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/cu-ba-92-tuoi-truyen-cam-hung-den-truong-post668304.html