Cụ bà Hà Nội mất gần 18 tỷ đồng vì bị công an 'rởm' dọa
Công an Hà Nội vừa thông tin, một cụ bà ở quận Tây Hồ bị mất gần 18 tỷ đồng do bị kẻ gian giả mạo công an gọi điện lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Cụ bà ở quận Tây Hồ bị mất gần 18 tỷ đồng
Cụ thể, vào ngày 5/5/2024, Công an quận Tây Hồ tiếp nhận thụ lý đơn tố giác của cụ bà T. (SN 1947; trú tại Tây Hồ, Hà Nội) về việc bị chiếm đoạt tài sản.
Theo đơn trình báo, bà T có nhận được điện thoại của một đối tượng tự xưng là cán bộ Công an quận Hoàn Kiếm nói bà đang nợ ngân hàng 63 tỷ đồng. Sau đó đối tượng yêu cầu bà chuyển tiền vào tài khoản của đối tượng để xác minh.
Do lo sợ bà T đã chuyển khoản 6 lần với tổng số tiền là gần 18 tỷ đồng cho đối tượng. Sau đó, bà P biết mình bị lừa nên đã cơ quan Công an trình báo.
Mặc dù cơ quan chức năng đã liên tục cảnh báo về thủ đoạn giả danh cơ quan Công an gọi điện để lừa đảo chiếm đoạt tài sản nhưng nhiều người vẫn mất cảnh giác, sập bẫy.
https://congan.hanoi.gov.vn/tin-antt-va...
Việc cụ bà ở quận Tây Hồ trên đây đã bị mất gần 18 tỷ đồng khi sập bẫy thủ đoạn trên không còn là trường hợp hiếm gặp, tuy nhiên nhiều người vẫn dính bẫy.
Nhìn chung, kẻ gian thường dựa vào tâm lý lo lắng vi phạm pháp luật, sợ hãi do nợ nần và mong muốn giải quyết nhanh chóng của nạn nhân... của người dân để thực hiện các bước lừa đảo khá bài bản, các bước thường bao gồm:
Tiếp cận nạn nhân qua điện thoại: Kẻ gian thường sử dụng một số điện thoại có đầu số gần giống số tổng đài thật và gọi điện cho nạn nhân, giả vờ là công an hoặc người làm việc trong cơ quan pháp luật.
Đe dọa và tạo ra tình huống khẩn cấp: Kẻ gian thông báo rằng nạn nhân đang bị điều tra hoặc liên quan đến một vụ án nghiêm trọng như rửa tiền, buôn bán ma túy, hoặc tham nhũng khiến nạn nhân lo sợ gặp phải rắc rối và muốn giải quyết ngay lập tức.
Yêu cầu thông tin cá nhân và tài chính: Khi nạn nhân hoảng sợ và tin tưởng, kẻ gian sẽ yêu cầu nạn nhân cung cấp thông tin cá nhân như số CMND/CCCD, số tài khoản ngân hàng, mã OTP, hoặc các thông tin bảo mật khác để "giúp" gỡ khó khăn.
Yêu cầu chuyển tiền: Cuối cùng, kẻ gian yêu cầu nạn nhân chuyển tiền vào tài khoản do chúng cung cấp nếu muốn đảm bảo sự an toàn hoặc không còn dính líu tới các rắc rối. Người dân sẽ tin tưởng và chuyển tiền là sẽ bị mất trắng!
Công an thành phố Hà Nội đề nghị người dân cần cảnh giác, tuyên truyền đến người thân, bạn bè về thủ đoạn trên, tránh mắc bẫy của đối tượng xấu.
Để làm việc với người dân, cơ quan Công an sẽ trực tiếp gửi giấy mời, giấy triệu tập hoặc gửi qua Công an địa phương; tuyệt đối không yêu cầu người dân chuyển tiền vào tài khoản ngân hàng.
Khi phát hiện các trường hợp có dấu hiệu lừa đảo như trên, người dân cần báo ngay cho cơ quan Công an nơi gần nhất.