Cụ bà neo đơn 75 tuổi: 'Day dứt vì mấy chục năm nay không biết con ở đâu'

Ở tuổi 'thất thập cổ lai hy', cụ bà Trần Thị Chi vẫn phải sống lay lắt, cô đơn trong ngôi nhà lụp xụp nơi phố huyện chờ đợi một lần được gặp con.

Theo chia sẻ của lãnh đạo Thị trấn Sơn Dương (Sơn Dương – Tuyên Quang), chúng tôi tìm gặp và được bà Trần Thị Chi, sinh năm 1944 ở tổ dân phố Kì Lâm chia sẻ về câu chuyện của mình.

Trong câu chuyện của mình, bà Chi cho biết, trước đây bà có chồng có con nhưng mấy chục năm nay bà chỉ còn 1 mình cô quạnh trong căn nhà lụp xụp, xiêu vẹo ít người qua lại.

Khi được mọi người đến hỏi thăm, động viên và tặng quà, bà Chi cười móm mém, vui mừng xúc động trước sự quan tâm của Báo Gia đình Việt Nam cùng Quỹ Vì tầm vóc Việt và lãnh đạo UBND thị trấn Sơn Dương.

Bà Trần Thị Chi (75 tuổi) một mình neo đơn trong tuổi già và nghèo khó

Bà Trần Thị Chi (75 tuổi) một mình neo đơn trong tuổi già và nghèo khó

Bà Chi kể lại, bà sinh ra trong gia đình nghèo của miền sơn cước và bị bố mẹ ép lấy chồng năm lên 14 tuổi. Năm 19 tuổi bà sinh được một con trai nhưng vì hoàn cảnh gia đình bên chồng quá khó khăn, lại là người dân tộc nên giữa hai bên thông gia thường xuyên xảy ra mâu thuẫn.

Bị ép cưới rồi lại bị ép bỏ, lúc ấy bà còn quá trẻ nên không có quyền tự quyết định tương lai, hạnh phúc của mình mà luôn phải nghe theo lời bố mẹ. Bà ôm con về nhà đẻ, một mình vất vả nuôi con khôn lớn.

Bà Chi không biết chữ, cũng không nhớ được sự việc xảy ra ngày tháng năm nào. Bà chỉ nhớ anh con trai duy nhất của bà bỏ nhà đi làm ăn cách đây mấy chục năm.

Từ đó bà mất thông tin về con, chỉ thoáng nghe giờ con trai bà đang làm ăn sinh sống mãi miền Nam, mấy chục năm nay không về quê thăm bà. Thương con, nhớ con nhưng bà cũng không biết phải làm thế nào.

Tuổi cao, sức yếu, không có người nương tựa, không có thu nhập, hàng ngày bà Chi phải vào rừng lấy măng, nứa, củi mang về thị trấn đổi lấy gạo, lấy tiền rau cháo qua ngày.

Bà Chi cho hay: “Mỗi lần vào rừng tôi mặc quần áo dày hơn thế này để nhỡ có trượt chân ngã cũng không bị đau nhiều. Nhưng cũng may trời thương, bao nhiêu năm đi rừng mưa nắng tôi cũng chưa bị sao cả”.

Nay đã 75 tuổi, chỉ còn một mình bà sống trong ngôi nhà cũ xiêu vẹo, hầu hết các đồ đạc trong nhà đều cũ kĩ, hư hỏng không có gì giá trị. Những lúc trái gió trở trời ốm đau bệnh tật bà đều cậy nhờ hàng xóm, láng giếng giúp đỡ.

Thương bà sống cô quạnh trong sự buồn tủi, túng thiếu và không có người chăm sóc nên hàng xóm, láng giếng thường xuyên động viên, thăm hỏi trò chuyện về tình hình sức khỏe của bà.

Trong những năm qua, tuy sức khỏe của bà đã yếu nhưng được các cấp chính quyền quan tâm động viên, thăm hỏi nên vơi đi ít nhiều cô đơn tuổi già.

“Tôi già rồi chẳng biết sống chết thế nào, chỉ day dứt vì đứa con trai không biết giờ này đang ở nơi đâu”, bà Chi nói trong sự xúc động.

Nước mắt bà như chực trào ra mỗi khi nhắc đến người con trai. Nguyện vọng của bà là một lần được gặp lại con khi còn minh mẫn nhưng bao nhiêu năm nay người mẹ già đó vẫn chờ đợi trong vô vọng.

Nguồn Gia Đình VN: https://giadinhvietnam.com/cu-ba-neo-don-75-tuoi-day-dut-vi-may-chuc-nam-nay-khong-biet-con-o-dau-d147447.html