Cụ bà suýt mất thị lực vì glôcôm, cách nhận biết sớm căn bệnh nguy hiểm này
Glôcôm là một nhóm bệnh lý gây tổn hại thần kinh thị giác qua cơ chế làm tăng áp lực (nhãn áp) trong mắt. Bệnh nếu không chẩn đoán và điều trị kịp thời sẽ làm tổn thương thần kinh thị giác và có thể dẫn đến tình trạng mất thị lực không hồi phục.
Các bác sĩ Khoa Mắt, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội vừa tiếp nhận người bệnh V.T.T. (nữ, 75 tuổi) đến khám với triệu chứng mắt phải nhức, mờ kèm theo đau đầu.
ThS.BSNT Hoàng Thanh Tùng - Khoa Mắt, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội cho biết, người bệnh không có tiền sử chấn thương và bệnh lý đặc biệt. Trên lâm sàng phát hiện thị lực: mắt phải đếm ngón tay 5m, mắt trái 1/10; nhãn áp: mắt phải 40 mmHg, mắt trái 15 mmHg.
Khám sinh hiển vi thấy mắt phải giác mạc phù nhẹ, tiền phòng nông, góc tiền phòng đóng, đồng tử giãn nửa vời, thể thủy tinh đục dày, võng mạc khó soi. Mắt trái giác mạc trong, tiền phòng nông, góc tiền phòng rất hẹp, đồng tử tròn, thể thủy tinh đục dày, võng mạc và gai thị hồng.
Qua quá trình thăm khám, người bệnh được chẩn đoán: Mắt phải glôcôm góc đóng nguyên phát cấp tính nhãn áp không điều chỉnh; mắt trái nghi ngờ glôcôm, hai mắt đục dày thể thủy tinh.
"Với trường hợp này, người bệnh được xử trí hạ nhãn áp cấp cứu bằng thuốc. Sau đó, người bệnh được giải thích về tác dụng hạ nhãn áp của lấy thể thủy tinh và đã đồng ý tiến hành phẫu thuật tán nhuyễn thể thủy tinh bằng phương pháp phaco" - BS. Tùng cho hay.
ThS.BS. Hoàng Thanh Tùng, phẫu thuật viên chính thực hiện ca mổ cho biết, nhờ việc phát hiện kịp thời cùng phương pháp điều trị thích hợp, sau mổ 2 tháng, nhãn áp người bệnh trên tự điều chỉnh về mức mắt phải 11 mmHg, mắt trái 10 mmHg không cần dùng thuốc; thị lực tăng lên 10/10.
Khám nhãn cầu 2 bên thấy giác mạc trong, thể thủy tinh nhân tạo yên cân, võng mạc hồng, đầu thị thần kinh chưa có tổn thương. Người bệnh hết toàn bộ các triệu chứng nhức mờ và sinh hoạt bình thường.
Ai dễ mắc bệnh glôcôm?
Theo ThS.BS Hoàng Thanh Tùng, glôcôm là bệnh không phân biệt lứa tuổi. Một số nhóm người có nguy cơ cao dễ mắc bệnh và cần được bác sĩ chuyên khoa kiểm tra mắt thường xuyên gồm:
Người trên 40 tuổi;
Người bệnh tiểu đường hay người bị tăng huyết áp;
Người có tiền sử gia đình đã có người mắc bệnh glôcôm;
Những người bị viễn thị, giác mạc (tròng đen) nhỏ;
Có tiền sử dùng thuốc nhóm steroid đường toàn thân hoặc lạm dụng thuốc tra mắt trong thời gian dài;
Người cận thị nặng;
Người có tiền căn chấn thương hay phẫu thuật mắt…
Cần phát hiện sớm bệnh glôcôm
Theo BS. Tùng, glôcôm là bệnh lý tiến triển mạn tính, không hồi phục và hiện tại chưa có cách điều trị triệt để, chỉ có thể kiểm soát để làm chậm tiến triển của bệnh.
Trừ trường hợp biểu hiện cấp tính do nhãn áp tăng cao đột ngột, đa phần bệnh glôcôm diễn biến thầm lặng gây mất dần thị lực, từ đó ảnh hưởng tới công việc, chất lượng cuộc sống của bệnh nhân.
Glôcôm là bệnh đặc trưng bởi sự chết dần của tế bào hạch võng mạc (khởi nguồn của thần kinh thị giác để dẫn tín hiệu hình ảnh từ mắt về não bộ) dưới ảnh hưởng của nhãn áp cao, dao động nhãn áp hoặc thiểu năng tuần hoàn do bệnh lý mạch máu.
Bệnh nhân glôcôm mới thường đi khám với biểu hiện nhìn mờ như qua màn sương, nhìn đèn thấy quầng màu kèm đau nhức dữ dội một bên mắt lan lên nửa đầu cùng bên, nôn, buồn nôn khi có cơn tăng nhãn áp cấp tính. Bệnh nhân tăng nhãn áp lâu ngày, diễn biến mạn tính thường ít đau nhức mà chủ yếu là suy giảm thị lực, kém thích ứng khi thay đổi không gian từ ngoài sáng vào trong buồng tối, thu hẹp trường nhìn phía ngoại vi hoặc vấp ngã khi một nửa trường nhìn phía dưới bị tổn hại.
Bệnh được chẩn đoán khi bệnh nhân có 2/3 triệu chứng: tăng nhãn áp, tổn hại thần kinh thị giác, thu hẹp thị trường.
Lời khuyên bác sĩ
Về điều trị, theo BS. Tùng, phẫu thuật Phaco là phẫu thuật an toàn, hiệu quả và mang lại nhiều lợi ích trước mắt cũng như dài hạn trong điều trị các hình thái glôcôm, đặc biệt là glôcôm góc đóng nguyên phát. Đây là phương pháp dùng đầu siêu âm để tán nhuyễn thể thủy tinh đục thành những mảnh nhỏ rồi hút ra ngoài qua một đường mổ nhỏ, và thay vào đó bằng một thủy tinh thể nhân tạo đặt trong túi bao.
ThS.BS Hoàng Thanh Tùng cũng khuyến cáo, để chẩn đoán glôcôm, người bệnh cần đến cơ sở y tế có chuyên khoa mắt để được thăm khám toàn diện. Người bệnh sẽ trải qua một quy trình từ thử thị lực, đo nhãn áp, các thăm dò chức năng, đánh giá tổng thể nửa trước và nửa sau nhãn cầu. Sau đó, người bệnh sẽ được chỉ định các xét nghiệm chuyên sâu như chụp cắt lớp võng mạc - thị thần kinh để phát hiện tổn thương cấu trúc và đo thị trường để phát hiện tổn thương chức năng trong bệnh glôcôm.