Củ chụp, củ nầng góp phần đánh giặc
Trong tọa đàm Chiến khu Đ xưa và nay với sự tham dự của nhiều cán bộ cách mạng lão thành, cùng hơn 300 đại biểu đại diện cho tuổi trẻ miền Đông Nam bộ, có một đề tài không thuộc đề dẫn, nhưng luôn được nhắc đến rất nhiều và thu hút sự quan tâm của giới trẻ qua những chuyện kể cũng như hồi ức của các nhân chứng từng sống, chiến đấu ở chiến trường miền Đông, mà cụ thể là Chiến khu Đ.
Đó là chuyện về củ chụp - sản vật thiên nhiên rất mộc mạc, bình thường nhưng được khẳng định là có công đáng kể trong thời kháng chiến.
“Anh Năm củ chụp”
Đó là cách cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt thân mật gọi già làng Năm Nổi (Nguyễn Văn Nổi, 1930-2020), người được đồng bào Chơro ở Lý Lịch, Mã Đà (H.Vĩnh Cửu) tôn vinh là Tơ Tơ, khi Thủ tướng về thăm lại chiến khu xưa.
Trong hàng trăm bằng khen, huân - huy chương… treo đầy trong ngôi nhà sàn của già làng Chơro này, Thủ tướng Võ Văn Kiệt còn ghi hàng chữ: “Thân tặng Anh Năm củ chụp”.
Theo lời Tơ Tơ Nổi kể: “Ngày đó, kháng chiến có những giai đoạn khó khăn. Bộ đội bị địch vây hãm, cô lập trong rừng. Thậm chí, người dân trong làng cũng bị những trận càn của địch hành hạ, phải tứ tán chạy vào rừng sâu. Gạo thiếu, muối không, chỉ có củ chụp nấu chín chấm với tro là thứ duy nhất có thể ăn thay cơm. Thứ “mật ngọt” núi rừng này là thức ăn truyền thống phòng khi đói kém của người Chơro. Nó ngon và bổ hơn cả khoai sắn. Nhưng do địch đốt phá, dân chúng đào nhiều, loại củ này cũng trở nên khan hiếm. Thường thì dây cây củ chụp rất nhỏ, củ lại ăn sâu xuống đất đến cả mét. Để nhận ra và đào được củ của nó rất khó khăn, chỉ có người Chơro mới biết được bí quyết".
Ngoài lúa rẫy, bắp, khoai, củ mì, củ từ… vùng rừng miền Đông, bao gồm các khu chiến, căn cứ cách mạng còn có củ chụp, củ nầng là những kho lương thực “trời cho” dành cho người tham gia kháng chiến.
Vào đầu năm 1959, khi chính quyền Sài Gòn tiến hành việc phong tỏa kinh tế và tung Sư đoàn 5 Bộ binh càn quét Chiến khu Đ, Đại đội C59 của ta làm nhiệm vụ bảo vệ căn cứ phải đưa Đảng ủy và Ban Quân sự miền Đông rút vào rừng sâu, lương thực cạn kiệt. "Với tư cách là Bí thư Chi bộ làng Lý Lịch, tôi biết có một cái đồi trong khu rừng Bằng Lăng mọc rất nhiều củ chụp nên hô hào bà con đi đào để cứu đói cho bộ đội. Và sau đó hướng dẫn anh em cách chế biến củ chụp làm lương thực thay cơm. Đảng ủy và Ban Chỉ huy quân sự miền Đông mừng quá lập hẳn bộ phận chuyên trách việc quy hoạch khu vực củ chụp để tổ chức đào và chế biến lương thực dự trữ” - già làng Tơ Tơ Nổi cho hay.
Giải quyết được vấn đề lương thực, đơn vị bộ đội “no bụng” trở lại bắt đầu chống càn, tiến công địch. Đặc biệt là khi tham gia đánh thắng lớn trận Tua Hai trở về, gặp già làng Năm Nổi và bà con ra đón mừng, cán bộ, chiến sĩ bộ đội ôm chầm lấy “cây đại thụ của đồng bào Chơro giữa đại ngàn Lý Lịch - Mã Đà” reo hò gọi: “Ông Năm củ chụp”.
Cái tên này có từ đó, chứ trước kia, già làng Năm Nổi được dân vùng Mã Đà gọi là “Vua diệt cọp” nhờ sở trường bài quyền “đả hổ”.
Ông Năm củ chụp cho biết, do dây củ chụp nhỏ và tàn lụi vào mùa khô, mà củ thì nằm sâu dưới cả mét đất; nên phải là người sống lâu năm ở vùng rừng này mới có kinh nghiệm tìm kiếm. Thường thì củ chụp mọc dựa vào các hốc đất do heo rừng tạo ra. Chúng rất thích ăn củ chụp, nhưng do củ ở sâu trong lòng đất nên chỉ ủi đất lấy được khúc đầu. Với người Chơro bản địa, để đào củ chụp, ngoài cuốc, xẻng, mai, còn có một dụng cụ khá đặc biệt được làm bằng tre phần đầu chuôi chẻ thành cái chụp; đào đến đâu thì chụp dọc theo thân củ mới kéo toàn bộ củ khoai này lên nguyên vẹn.
Có lẽ đào củ với cách này nên bà con quen miệng đặt tên là... củ chụp. Theo các tài liệu khoa học, củ chụp chính là củ mài (tên khoa học là Dioscorea persimilis prain burk, thuộc họ củ nâu). Người dân Chơro thì cho rằng củ chụp và củ mài là 2 loại khác nhau. Kỳ thực, củ mài có nhiều giống như: mài nếp, mài tẻ, mài cơm, mài cọc, mài cao sản… và là một vị thuốc được chế biến thành “hoài sơn” với rất nhiều công dụng; nên sự ngộ nhận này cũng là điều dễ hiểu.
Cũng theo ông Năm củ chụp, rừng miền Đông nơi nào cũng có loại dây này mọc rải rác, nhưng nhiều nhất là ở rừng Mã Đà; trong đó nhiều hơn cả là ở đồi Củ Chụp. Theo ông: “Tại quả đồi này, có những khu vực dây củ chụp mọc tua tủa, bám vào những thân cây ken dày, củ rất to. Có ngày tôi đào được cả bao tải”. Và ông rất hãnh diện khoe: “Khi Thủ tướng Võ Văn Kiệt về thăm lại chiến trường xưa, già cũng dẫn lên thăm đồi Củ Chụp và đào củ chụp về nấu cùng ăn nữa đấy!”.
Duyên nợ với củ chụp
Không phải chỉ có ông Năm củ chụp gắn bó với loại sản vật rừng độc đáo này bằng việc lưu giữ bộ đồ nghề đào củ chụp được chế tạo từ thời kháng Pháp, mà rất nhiều nhân vật từng có mặt ở Chiến khu Đ, rừng Mã Đà vẫn… không thể nào quên.
Cố trung tướng Nguyễn Thới Bưng, nguyên Thứ trưởng Bộ Quốc phòng từng bồi hồi xúc động: “Những năm tháng ở rừng cuộc sống khó khăn, gian khổ bộn bề. Nhân dân trong vùng chiến khu đã thay nhau đi đào củ chụp, củ mài làm lương thực nuôi bộ đội chiến đấu”.
Anh hùng - đại tá Hai Cà (Trần Công An) vào năm 1962 là Đoàn trưởng Đoàn Hậu cần U50 và U81, Đảng ủy viên Cục Hậu cần Miền cho biết: “Tiết kiệm gạo dành cho phía trước, chúng tôi ăn khoai mì, củ chụp, củ từ, lá bép, rau tàu bay…”.
Có loại củ “tương cận”
Là điện báo viên, từng dạy khóa 1 lớp điện báo theo hình thức một ngày học lý thuyết và thực hành, một ngày đi đào củ chụp; nên “thầy” Giang Thanh Trà, nguyên Phó giám đốc Bưu điện Đồng Nai được bố trí vào Đoàn C200 do Khu ủy miền Đông tổ chức với nhiệm vụ bí mật là soi đường lên hướng Đông Bắc đón Đoàn 559 từ miền Bắc vào chi viện.
Ông Trà nhớ lại: “Đầu tháng 7-1960, sau hơn 20 ngày cắt rừng, đoàn chúng tôi đã đến được bên bờ sông Đạ Đờng (tức Đồng Nai thượng)… Cái khó, cái khổ nhất, gian nan nhất của Đoàn ở thời điểm đó là gạo muối sắp hết. Gạo còn vài lít, phải để nấu cháo cho anh em bệnh ăn. Muối phải giao cho y tá Thanh Bon quản lý, thực hiện chế độ phân phối, cứ sau một bữa ăn, mỗi người được phát vài hột muối (y như phát thuốc ) để ngậm cho đỡ bợn dạ. Để có cái ăn, đảm bảo sức khỏe đi tiếp, lãnh đạo Đoàn luôn vận động anh em… vừa đi vừa quan sát tìm rau rừng, củ rừng, cái nào ăn được thì tranh thủ hái… nhưng nhìn qua nhìn lại chỉ thấy toàn củ nầng. Anh em định ngừng lại moi, nhưng anh B. Ren (người dân tộc, làm nhiệm vụ phiên dịch) can: “Củ này ăn không được, mày ăn mày chết đó!”… Trong cơn đói, dù biết vậy, các anh chỉ huy đoàn vẫn phải cho lấy về, làm ăn thử với phương pháp luộc và xả nước nhiều lần. Chiều hôm ấy, đoàn dừng quân bên cạnh một con suối nhỏ chảy ra sông Đạ Đờng. Các anh em người lo đốn tre chẻ nan đan giỏ, người lo làm nầng. Nầng được xắt mỏng, đem luộc sơ rồi đem xuống suối xả nước, xả xong lại luộc, luộc và xả đến năm, sáu lần mới đem ra ăn thử. Tưởng làm như vậy chất độc sẽ không còn. Bụng đang đói, ai cũng xáp lại ăn thử và rồi tất cả đều bị say. Người ăn ít say ít, người ăn nhiều thì vừa say vừa ói, phải lập tức về võng leo lên nằm cho qua cơn. Sáng hôm sau. Mọi người đều uể oải, cả đoàn phải nằm lại tại chỗ, ai còn khỏe thì tiếp tục lủi rừng đi tìm bất cứ cái gì ăn được ăn cho đỡ dạ. Trưa hôm đó một tin vui đã đến với đoàn, không phải tin đã tìm được cái ăn mới, mà tin anh em vừa khám phá ra số nầng dư thừa đêm qua đem bỏ giỏ ngâm dưới suối chảy, trưa vớt lên ăn không còn bị say nữa.
Một công thức mới làm nầng đã được đúc kết ngay: Nầng xắt mỏng, luộc sơ, bỏ vô giỏ ngâm dưới dòng nước chảy, cử một người một giờ xuống đảo một lần, tách các miếng nầng còn dính nhau, thì chỉ cần một đêm đã có thể ăn được. Cái ăn đã được giải quyết, từ hôm đó cả đoàn đều phấn khởi, tiếp tục cất bước lên đường”.