'Cú đấm kép' của mẹ thiên nhiên

Từ Pakistan đến Texas (Mỹ), lượng mưa kỷ lục sau những đợt nắng nóng và hạn hán khắc nghiệt đã gây ra những thiệt hại nặng nề.

Trong khi người dân Pakistan tính toán tổn thất sau một trong những trận lũ lụt tồi tệ nhất được ghi nhận tại nước này, mưa lớn đang đổ bộ vào phía tây nam Trung Quốc.

Giữa lúc đó, thành phố Dallas của Texas (Mỹ) vẫn đang phục hồi sau trận mưa lịch sử xảy ra vào tháng trước, theo Reuters.

Mỗi thảm họa do mưa gây ra đều theo sau một đợt nắng nóng. Điều đó cho thấy nhiều khu vực đang "dao động dữ dội giữa hai thái cực trái ngược nhau".

Các nhà khoa học nhận định nhiệt độ rất cao và lượng mưa rất lớn có liên quan mật thiết với nhau, và điều đó được thúc đẩy bởi biến đổi khí hậu.

Lũ lụt theo sau hạn hán

Nhiệt độ mùa xuân oi bức ở Nam Á, lên tới 50 độ C, có khả năng đã khiến Ấn Độ Dương ấm lên. Việc nước ấm lên sẽ thúc đẩy đợt gió mùa tồi tệ ở Pakistan, gây ra lượng mưa gấp hơn 3 lần so với mức trung bình trong 30 năm vào tháng 8. Bên cạnh đó, khoảng 1/3 đất nước này cũng rơi vào tình trạng ngập lụt.

Tại Pakistan, hơn 1.100 người đã thiệt mạng, mùa màng bị tàn phá và nhà cửa bị phá hủy, khiến người dân phải khẩn cấp kêu gọi viện trợ.

Reuters nhận định sẽ mất nhiều tuần, nếu không phải là vài tháng, để xác định chính xác vai trò của biến đổi khí hậu trong những trận lũ lụt năm nay. Tuy nhiên, các nhà khoa học đồng ý rằng những hiện tượng thời tiết cực đoan đang mạnh lên.

 Một người lội qua dòng nước lũ tại Pakistan. Ảnh: Reuters.

Một người lội qua dòng nước lũ tại Pakistan. Ảnh: Reuters.

Các đợt nắng nóng đã xảy ra thường xuyên hơn và dữ dội hơn trên toàn thế giới, làm tăng lượng bốc hơi từ đất liền và đại dương. Do một bầu khí quyển ấm hơn cũng có thể giữ nhiều độ ẩm hơn, hơi nước sẽ tích tụ cho đến khi các đám mây cuối cùng tan vỡ và gây ra mưa lớn hơn.

“Những nơi tương tự có thể trải qua cả lũ lụt và hạn hán giữa lúc khí hậu nóng hơn”, nhà khoa học khí hậu Deepti Singh tại Đại học Bang Washington cho biết.

Khu vực xung quanh Dallas đã khô cằn trong ba tháng, với hơn một nửa bang Texas phải nếm trải hạn hán nghiêm trọng. Những cây bông khô héo trên cánh đồng. Những người chăn nuôi buộc phải giết gia súc của mình vì thiếu thức ăn cho chúng. Trong khi đó, mặt đất khô cứng và nứt nẻ.

Cuối cùng, trời đã mưa vào ngày 21/8. Lượng mưa được ghi nhận lên đến gần 250 mm trong vòng 24 giờ, nhưng mặt đất quá cứng để hấp thụ cơn mưa lịch sử này. Điều này khiến phần lớn nước chảy vào thành phố.

Giao thông giữa các tiểu bang bị đình trệ. Các chuyến bay đã bị hủy bỏ. Nhiều ngôi nhà trong khu vực Old East Dallas cũng bị nước tràn vào.

Nhà khoa học khí hậu Liz Stephens tại Đại học Reading ở Anh cho biết tại một khu vực bị hạn hán, "mặt đất có thể hoạt động giống như bê tông trong môi trường đô thị".

Không giống như lũ lụt đến từ các con sông dần dần tràn bờ, lũ quét gây ra bởi những trận mưa dữ dội trong thời gian ngắn - thường là dưới sáu giờ. Điều đó khiến việc cảnh báo trở nên khó khăn, trước khi những dòng nước dữ dội xuất hiện.

Ở một trung tâm dân cư đô thị, chúng gây ra nhiều rủi ro nhất. Tuy nhiên, lũ quét cũng thường xuyên qua các hẻm núi sa mạc ở Utah và Arizona, đe dọa những người đi bộ đường dài.

Bốn trận lũ quét lớn khác đã xảy ra ở Mỹ kể từ tháng 7 - ở Kentucky, phía đông Illinois, thung lũng Chết của California và thành phố Missouri của St. Louis. Mỗi trận mưa đều có thể được coi là “sự kiện nghìn năm có một”, theo xu hướng mang tính lịch sử.

Ảnh hưởng của biến đổi khí hậu

Tuy nhiên, vẫn chưa rõ tần suất của những sự kiện này sẽ tăng lên như thế nào, khi thế giới tiếp tục ấm lên.

Lưu vực sông Trường Giang đang phải vật lộn với tình trạng thiếu điện và nước, sau khi nếm trải đợt nắng nóng tồi tệ nhất trong 6 thập kỷ. Một số tỉnh trong lưu vực đã bắt đầu gieo mưa nhân tạo.

Tuy nhiên, khi những cơn mưa cuối mùa hè đến, các quan chức đang lo lắng về lượng nước quá lớn. Hơn 119.000 người đã được sơ tán khỏi các khu vực có nguy cơ lũ lụt ở phía tây nam Trung Quốc, theo truyền thông nước này.

Bộ Quản lý Khẩn cấp Trung Quốc hôm 29/8 cảnh báo rằng nhiều khu vực của nước này đang "xen kẽ giữa hạn hán và lũ lụt". Họ kêu gọi cảnh giác trong việc giám sát việc các dòng sông khô cạn có thể bị ngập do mưa dữ dội vào tuần này.

Bộ này cũng yêu cầu chính quyền địa phương tích trữ nước mưa, để có thể giúp giải tỏa các khu vực bị hạn hán khác của đất nước.

 Hạn hán ở Trung Quốc khiến mực nước sông Trường Giang xuống mức thấp. Ảnh: Reuters.

Hạn hán ở Trung Quốc khiến mực nước sông Trường Giang xuống mức thấp. Ảnh: Reuters.

Các sự kiện thời tiết trên khắp Bắc bán cầu cũng có thể được kết nối bởi dòng tia ở cực - một luồng không khí di chuyển nhanh có thể đưa các hệ thống thời tiết từ nơi này sang nơi khác của thế giới.

Tuy nhiên, các nhà khoa học phát hiện ra rằng xu hướng ấm lên cùng với những xáo trộn gần đây trong hoàn lưu khí quyển có thể làm tăng nguy cơ xuất hiện đồng thời các hiện tượng thời tiết cực đoan.

Sự xáo trộn của dòng tia vẫn là một chủ đề được nghiên cứu kỹ lưỡng. Tuy nhiên, một nghiên cứu gần đây cho rằng những yếu tố này kết hợp với nhau đã khiến sóng nhiệt có khả năng xảy ra đồng thời ở Bắc bán cầu cao gấp 7 lần so với 40 năm trước, theo nghiên cứu được công bố vào tháng 1 trên Journal of Climate.

“Xu hướng ấm lên là nguyên nhân chính dẫn đến sự gia tăng các đợt nắng nóng đồng thời”, nhà khoa học khí hậu Kai Kornhuber tại Đại học Columbia ở New York, thành viên của nhóm thực hiện nghiên cứu, cho biết.

Tuy nhiên, có bằng chứng, bao gồm cả nghiên cứu xung quanh dòng tia, "để tin rằng động lực học trong khí quyển đã góp phần vào xu hướng tăng này".

Lũ lớn khiến hàng chục triệu người Pakistan mất nhà cửa Khoảng 1.000 người chết và hơn 33 triệu người mất nhà cửa khi mưa lớn khiến nhiều khu vực ở Pakistan ngập lụt từ tháng 6.

Vân Đinh

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/cu-dam-kep-cua-me-thien-nhien-post1351558.html