Cú đấm 'vàng'
Khi Nguyễn Văn Đương bắt đầu tập boxing (quyền anh) năm 2009, võ sĩ Chatchai Decha Butdee (Thái Lan) đã là nhà vô địch SEA Games. Lúc võ sĩ Việt Nam tham dự các giải trẻ toàn quốc thì Chatchai đã thành tượng đài của boxing Đông Nam Á, từng giành Huy chương đồng giải boxing nghiệp dư thế giới 2013.
Trong những lần đối đầu với Chatchai, Văn Đương đều thua chóng vánh đối thủ, mà gần nhất là tại SEA Games 30 năm 2019...
Nói thế để thấy, chiến thắng bằng knock-out của Văn Đương trước Chatchai ở hạng 57kg nam vừa giành được tại tứ kết vòng loại Olympic Tokyo 2020 khu vực châu Á-Thái Bình Dương là một bất ngờ quá lớn. Văn Đương thừa nhận: “Trong những chuyến tập huấn, thi đấu, tôi thường hay đối đầu với Chatchai. Anh ấy là một đối thủ đẳng cấp, kỹ thuật điêu luyện. Lần nào so găng, tôi cũng bị anh ta đánh cho tơi bời. Trước khi lên đài, tôi tự nhủ bản thân muốn thắng Chatchai chỉ có cách dùng sức mạnh để hạ knock-out đối thủ. Tôi đã làm tốt mục tiêu mình đề ra và giành chiến thắng nhờ những pha ra đòn cực mạnh”.
Đúng như tính toán, võ sĩ Văn Đương với những cú đấm móc đầy uy lực chỉ mất 30 giây để hai lần hạ gục đối thủ xuống sàn và buộc trọng tài dừng trận đấu. Theo luật thi đấu mới, trọng tài sẽ tuyên thắng knock-out nếu đối thủ bị hai lần nằm sàn trong một hiệp (tương đương với knock-out kỹ thuật trong quyền anh chuyên nghiệp). Do hạng cân 57kg nam lấy tới 6 võ sĩ dự Olympic Tokyo 2020 nên Văn Đương đã chắc suất đi thế vận hội. Trước Văn Đương, boxing Việt Nam từng có võ sĩ Đặng Hiếu Hiền dự Olympic Seoul 1988, nhưng theo diện được bổ sung thành viên. Còn với việc thi đấu vòng loại để tính chuẩn dự Thế vận hội thì Văn Đương là võ sĩ đầu tiên trong lịch sử của boxing Việt Nam dự Olympic kể từ khi boxing được khôi phục tại Việt Nam năm 1982.
Việc Văn Đương đoạt vé dự Olympic Tokyo 2020 là một điều bất ngờ. Trong nhóm những võ sĩ nổi bật nhất ở hạng 57kg, cùng với Trần Phú Cường và Nguyễn Văn Giới, Nguyễn Văn Đương được biết đến muộn nhất. Trước ngày lên đường đi thi đấu vòng loại Olympic, hy vọng lớn nhất được đặt lên vai của hai nữ võ sĩ Nguyễn Thị Tâm (51kg) và Nguyễn Thị Hương (75kg). Nguyên do là tại Olympic 2020, boxing nữ được tăng thêm hai hạng cân, trong khi boxing nam bị giảm hai hạng cân. Khi Nguyễn Thị Tâm, Nguyễn Thị Hương được đánh với những võ sĩ đồng cân đồng lạng, Nguyễn Văn Đương phải đối đầu nhiều đối thủ có lợi thế thể hình do ép cân. Đánh giá về kết quả ấn tượng trên của Văn Đương, ông Hoàng Vĩnh Giang, Phó chủ tịch Thường trực Ủy ban Olympic Việt Nam cho biết: “Tấm vé đi Olympic của Văn Đương thật sự bất ngờ. Nó quy tụ nhiều yếu tố từ việc Văn Đương chơi thăng hoa, đối thủ thi đấu không đúng sức và tác động từ luật mới. Thành tích ấn tượng trên của Văn Đương khiến những người làm boxing rất đỗi vui mừng bởi sau bao nhiêu năm boxing khôi phục (1982), rồi tái đầu tư có mục đích (2001) thì boxing Việt Nam mới có thành tích lịch sử này”.
Ở tuổi 13, Văn Đương mới bắt đầu tập boxing. Khi ấy, anh chỉ nặng 32kg và được đồng đội gọi với biệt danh là “gà con”. Biệt danh ấy như một dự báo cho lối đánh tấn công chủ động, hệt như những chú gà con đi tìm mồi của võ sĩ người Hà Nội. Cú đấm hạ Chatchai của Văn Đương không chỉ tạo nên lịch sử cho boxing Việt Nam mà còn là bước ngoặt cho chính sự nghiệp của võ sĩ sinh năm 1996 này. Sau khi gây ấn tượng ở Victory 8 Legends of Hoan Kiem năm 2019, Văn Đương đã được Trung tâm VSP Boxing Gym ký hợp đồng. Trung tâm này hiện sở hữu một phòng tập boxing đẳng cấp 5 sao tại TP Hồ Chí Minh, được sở hữu bởi ông “bầu” người Hàn Quốc đặt mục tiêu đưa Văn Đương trở thành võ sĩ nhà nghề, thi đấu ở các giải chuyên nghiệp trong năm 2020. Sau tấm vé lịch sử dự Olympic Tokyo 2020, tương lai của Văn Đương vẫn còn rất sáng.
Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/the-thao/quoc-te/cu-dam-vang-612051