Cư dân 'nhà quan tài' ở Hong Kong khổ sở khi mắc Covid-19
Không thể cách ly tại nhà, nhiều F0 sống trong 'căn hộ quan tài' phải lên sân thượng hoặc ra đường ở để tránh lây virus cho người thân.
Sau khi phát hiện mắc Covid-19, Chan (38 tuổi), công nhân xây dựng ở Hong Kong (Trung Quốc), và vợ phải đối mặt với hoàn cảnh khó khăn: làm thế nào để cách ly khi họ sống với 6 người thân trong căn hộ vỏn vẹn 18,5 m2.
Để tránh nguy cơ lây lan virus, vợ chồng Chan quyết định ngủ trên sân thượng của tòa chung cư 6 tầng ở Sham Shui Po trong hơn 2 tuần, chịu đựng thời tiết lạnh giá của mùa đông, theo SCMP.
“Chúng tôi được yêu cầu tự cách ly ở nhà, nhưng làm sao có thể thực hiện khi không đủ không gian? Trời lạnh và ẩm ướt, nhưng tôi lo lây nhiễm cho người thân hơn”, anh nói.
Thiếu chỗ cách ly
Sau khi số ca mắc Covid-19 tăng theo cấp số nhân trong tháng qua, Hong Kong gần như hết chỗ điều trị F0. Khoảng 60.000 người dương tính với SARS-CoV-2 vẫn đang chờ được chuyển đến các cơ sở cách ly, buộc chính quyền phải thông báo cho cư dân có triệu chứng nhẹ hoặc không có triệu chứng chờ ở nhà cho đến khi có chỗ trống.
Tuy nhiên, trong thị trường bất động sản đắt đỏ nhất thế giới, việc làm theo chỉ dẫn đó có thể rất khó khăn và nguy hiểm.
Hiệp hội vì Tổ chức Cộng đồng (SoCO) đã biết về trường hợp 10 cư dân sống trong những ngôi nhà chật chội, tồi tàn buộc phải ngủ ngoài đường sau khi mắc Covid-19. Số khác cho biết cả gia đình nhiễm bệnh sau khi bị nhốt chung ở nhà.
Vợ chồng Chan ở chung phòng với con gái 5 tuổi và con trai 2 tuổi. Anh trai, chị dâu và con gái 5 tuổi của họ ở phòng khác. Bố của Chan (66 tuổi) ngủ ở phòng thứ 3.
Sau khi thấy mệt, Chan đi kiểm tra vào ngày 4/2. Anh được xác nhận là F0 4 ngày sau đó.
Để đề phòng, ngay khi có triệu chứng, Chan đã chuyển lên tầng thượng của chung cư. Hai ngày sau, vợ anh cũng tới đây khi bị sốt và test dương tính cùng hôm 8/2.
Hơn 2 tuần qua, vợ chồng Chan ngủ trên tấm tôn mỏng và chỉ dọn vào gầm cầu thang khi trời mưa. Họ thường đốt than củi để sưởi ấm.
Không có phòng tắm, hai người nhờ gia đình đặt xô nước trên cầu thang để vệ sinh cá nhân. Họ đi tiểu trong túi nhựa.
Chan gọi điện cho cơ quan y tế xin đi cách ly, nhưng lần nào cũng được thông báo là phải đợi.
“Tôi gọi điện cầu xin họ nhưng không có sự hỗ trợ nào”, anh nói.
Cặp vợ chồng chỉ có thể trở lại căn hộ chật chội của họ hôm 23/2, sau khi test nhanh âm tính.
Tuy nhiên, cả 3 đứa trẻ trong nhà họ đều sốt cao ngay đêm hôm đó. Con gái của Chan bị tiêu chảy và nôn mửa. Qua test nhanh, chúng đều bị nhiễm bệnh.
Chan gọi đến đường dây nóng của cơ quan y tế nhưng không ai bắt máy.
Trong gia đình, chỉ có bố, anh trai và chị dâu của Chan là không mắc Covid-19.
Bố và anh trai của Chan lên sân thượng ở kể từ hôm 23/2, trong khi người chị dâu vẫn ở nhà để chăm sóc con gái nhiễm bệnh.
“Tôi rất lo lắng cho bọn trẻ. Bố tôi cũng đã già. Làm sao ông ấy có thể chịu đựng được cái lạnh ngoài kia? Chúng tôi bất lực và phải tự cứu mình”, Chan nói.
Ngày 25/2, các quan chức tiết lộ Hong Kong ghi nhận 21.979 ca mắc Covid-19. Tính đến nửa đêm hôm trước, có 51 F0 nặng và 48 bệnh nhân nguy kịch. Số người chết vì virus lên tới 529 người.
Gần đây, các bệnh viện đều quá tải bệnh nhân Covid-19. Không ít người, bao gồm cả người già, phải chờ đợi ngoài trời lạnh giá hàng giờ, thậm chí nhiều ngày để được nhập viện. F0 nhẹ được yêu cầu ở nhà, cách ly trong phòng riêng và tránh tiếp xúc với các thành viên khác trong gia đình.
Tự xoay xở
May (58 tuổi), nhân viên rửa bát tại nhà hàng, nằm cuộn tròn trong hầm đi bộ trên đường Canton suốt 5 đêm, sau khi có kết quả dương tính vào 18/2.
Bà và ông chồng thất nghiệp (ngoài 50 tuổi) sống trong căn chung cư xập xệ với hơn 20 người khác ở Tsim Sha Tsui. Sau khi phát hiện nhiễm virus hôm 12/2, chồng May bỏ nhà ra đường ở cho đến khi được đưa đến trại cách ly 4 ngày sau đó.
Sau khi gọi đến cơ quan y tế mà không được, May xin nghỉ làm, rời nhà vào đêm 18/2 và mua chiếc chăn để ngủ ở hầm đi bộ - nơi nhiều người vô gia cư tụ tập. Bà đeo nhiều lớp khẩu trang và giữ khoảng cách để tránh lây nhiễm cho họ.
May bị cảm lạnh và sốt do ngủ li bì. Bà chỉ rời đi hôm 23/2, khi một người bạn cho ở nhờ trong căn nhà thuê ở Yau Ma Tei.
“Tôi chưa bao giờ sống như thế này. Tôi cảm thấy sợ hãi mỗi ngày”, May nói.
Sze Lai-shan, Phó giám đốc SoCO, cho biết tổ chức phi chính phủ của bà đã nhận được lời kêu cứu từ hơn 500 gia đình sống trong các “căn hộ quan tài” và “nhà lồng” bị nhiễm bệnh nhưng không có chỗ để cách ly.
Một số bỏ nhà đi sau khi xét nghiệm dương tính nhưng không có nơi để ở. Họ trở về nhà vài ngày sau đó và lây nhiễm cho cả gia đình.
“Do không gian sống chật chội và tồi tàn, không có phòng riêng để cách ly, việc lây nhiễm chéo khiến cả gia đình nhiễm bệnh là khó tránh khỏi”, bà nói.
Sze cho biết SoCO đã phát kit test nhanh và thực phẩm cho người nghèo. Tuy nhiên, bà kêu gọi chính phủ tăng cường cơ sở cách ly và ưu tiên tiếp nhận cư dân của các “căn hộ quan tài”, “nhà lồng”.
Kenny Ng Kwan-lim, thành viên của Liên minh Cư dân Căn hộ Phân khu Kwai Chung, cho biết người mắc kẹt trong “nhà quan tài” chờ đến khi được đi cách ly sẽ gặp nhiều khó khăn.
“Các nhà chức trách nên lưu tâm đến điều kiện cho những cư dân này và hỗ trợ họ”, ông nói.
*Tên các nhân vật trong bài được thay đổi.