Cú hích cho doanh nghiệp Việt đầu tư 'nâng tầm' giá trị

Thời điểm này có thể trở thành cú hích để các doanh nghiệp Việt đẩy nhanh quá trình đầu tư, 'nâng tầm' giá trị. Nhất là với chiến lược đúng đắn, cùng thời cơ từ Nghị quyết số 68-NQ/TW và loạt chính sách mới, họ hoàn toàn có thể làm nên tính cạnh tranh ngày một mạnh mẽ để chống chọi trước những biến động.

Trong báo cáo cập nhật mới đây về CTCP Hàng tiêu dùng Masan (MCH), Bộ phận phân tích Công ty chứng khoán Bảo Việt (BVSC) cho rằng nhờ đầu tư vào giá trị bền vững nên MCH tạo dựng được thương hiệu mạnh và ít rủi ro thuế quan.

Tiềm năng mới nhờ đầu tư đúng hướng

Cụ thể, phía MCH đang gia tăng thị phần nhờ tiếp tục chiến lược cao cấp hóa sản phẩm và sáng kiến mới cho các nhãn hiệu mạnh (Power Brand). Đây chính là động lực thúc đẩy doanh thu. Công ty có kế hoạch gia tăng lên mức 10-20% tại các ngành hàng chính và tập trung phát triển các nhãn hiệu mạnh hiện hữu, dự kiến ra mắt một số sản phẩm mới thuộc ngành hàng thực phẩm tiện lợi và đồ uống.

Đầu tư đúng hướng vào máy móc, công nghệ và cao cấp hóa sản phẩm trong thời điểm này vừa giúp DN “nâng tầm” giá trị để có tiềm năng mới và vừa tăng sức chống chịu trước những biến động.

Đầu tư đúng hướng vào máy móc, công nghệ và cao cấp hóa sản phẩm trong thời điểm này vừa giúp DN “nâng tầm” giá trị để có tiềm năng mới và vừa tăng sức chống chịu trước những biến động.

Mặt khác, chính sách thuế quan của Mỹ hầu như không có tác động trực tiếp tới doanh nghiệp (DN) này. Hồi quý 1/2025, riêng doanh thu xuất khẩu của MCH đạt 387 tỷ đồng (tăng 73% so với cùng kỳ năm trước), tăng trưởng mạnh mẽ nhờ nhu cầu khả quan tại các thị trường chính là Trung Quốc, Nhật Bản, Đông Nam Á, trong khi thị trường Mỹ đóng góp chưa tới 1% vào tổng doanh thu.

Còn trong báo cáo vừa phát hành về một DN nội địa trong ngành chăn nuôi là CTCP tập đoàn Dabaco Việt Nam (DBC), Bộ phận phân tích Công ty chứng khoán VCBS nhận định công ty này có tiềm năng mới từ hoạt động đầu tư sản xuất vacxin trong ngành chăn nuôi.

Từ tháng 3/2025, DBC đã khánh thành nhà máy sản xuất vacxin với công suất 200 triệu liều/năm. Theo ước tính với công suất ban đầu đạt 16% công suất thiết kế (32/200 triệu liều/năm), sẽ mang lại mức doanh thu và lợi nhuận lần lượt là 1.888 tỷ và 94,4 tỷ đồng trong năm 2025.

Ngoài ra, DBC đang tích cực mở rộng hệ thống trang trại chăn nuôi để nắm bắt thị phần. Trong giai đoạn từ 2025-2030, công ty sẽ xây dựng thêm 6 trang trại với quy mô từ 2.800- 6.200 lợn nái và 35.000-45.000 lợn thịt, với mục tiêu sẽ nâng tổng số đàn nái từ 60.000 lên 80.000 con cho đến năm 2027.

Đó là chưa kể DN này sẽ xây dựng thêm nhà máy thức ăn chăn nuôi tại Hà Tĩnh và Trung tâm nghiên cứu và sản xuất vacxin tại Lạc Vệ, Bắc Ninh để đảm bảo nguồn thức ăn và phòng chống dịch bệnh cho đàn lợn của mình. Tổng mức đầu tư cho các dự án sẽ là khoảng 4.606 tỷ đồng.

Hoặc có thể kể thêm về CTCP FPT, trong tháng 5/2025 đã hoàn tất thương vụ mua lại toàn bộ David Lamm Consulting, một công ty tư vấn công nghệ thông tin của Đức, với kinh nghiệm chuyên sâu trong lĩnh vực năng lượng.

Thông qua thương vụ này, giới quan sát cho rằng David Lamm Consulting sẽ giúp tăng cường năng lực công nghệ và tư vấn của FPT, đồng thời củng cố năng lực cạnh tranh và sự hiện diện của FPT tại thị trường châu Âu, với các giải pháp chuyên biệt dành cho khách hàng trong lĩnh vực năng lượng/tiện ích. Lĩnh vực này hiện đang đóng góp gần 50% doanh thu của FPT tại thị trường châu Âu.

Không những vậy, trong tháng 4/2025, FPT đã hoàn tất triển khai dự án trí tuệ nhân tạo (AI) theo hình thức trọn gói (fixed price) trị giá 1,3 triệu USD với đối tác là công ty hàng đầu tại Mỹ trong lĩnh vực sản phẩm kết cấu xây dựng, đánh dấu bước tiến quan trọng trong việc đưa các giải pháp AI ứng dụng vào ngành xây dựng tại thị trường Mỹ.

Đó là chưa kể hồi năm rồi DN này quyết định rót thêm nhiều triệu USD đầu tư xây dựng trung tâm AI và một cơ sở sản xuất công nghệ cao với trọng tâm phát triển phần mềm, an ninh mạng và AI tạo sinh thế hệ mới.

Có thể thấy việc chú trọng vào khâu đầu tư của những DN kể trên sẽ hứa hẹn mang lại tăng trưởng doanh thu và lợi nhuận khả quan trong thời gian tới. Đây cũng là điều mà các DN Việt nên tham khảo để phát triển chiến lược đầu tư, “nâng tầm” giá trị nhằm đủ sức chống chọi trước mọi biến động.

Thời cơ tạo sức cạnh tranh mạnh mẽ

Như xét riêng về việc đầu tư vào công nghệ mới, theo Ts. James Kang (Đại học RMIT), thách thức từ những biến động thương mại toàn cầu có thể trở thành bước ngoặt một khi DN Việt chủ động hành động để nâng tầm giá trị, trong đó có việc chuyển mình từ công xưởng thành trung tâm sản xuất thông minh. Việt Nam đang từng bước thoát khỏi vị thế “công xưởng giá rẻ” và tiến tới trở thành một lực lượng sáng tạo và kỹ thuật số trên sân khấu toàn cầu.

Ts. James Kang nhận định nhiều DN công nghệ ở Việt Nam đang nhanh chóng thích ứng trước biến động thuế quan bằng cách chuyển hướng sang các công nghệ thông minh, đầu tư vào phần mềm và dịch vụ số, đồng thời tìm kiếm thị trường mới ngoài các kênh truyền thống để tồn tại và giảm thiểu tác động tiêu cực.

Còn theo nhận định gần đây từ Bộ phận phân tích Công ty chứng khoán VCBS, Nghị quyết số 68-NQ/TW của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế tư nhân là một dấu mốc quan trọng, mở ra những cơ hội lớn cho các DN trong nước. Đặc biệt, định hướng phát triển tối thiểu 20 DN lớn tham gia chuỗi giá trị toàn cầu không chỉ khẳng định vai trò của khu vực tư nhân mà còn đặt nền móng cho quá trình hội nhập sâu rộng vào kinh tế thế giới.

Theo VCBS, Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước hiện có nhiều công cụ để hỗ trợ nền kinh tế, từ duy trì môi trường lãi suất thấp đến giảm thuế phí, giải ngân, thúc đẩy đổi mới sáng tạo. Điều này giúp tạo điều kiện thuận lợi cho DN mở rộng sản xuất, cải thiện năng lực cạnh tranh và giảm thiểu tác động từ những bất ổn bên ngoài.

Riêng với góc độ của một DN hàng đầu về xuất khẩu thủy sản, Ts. Hồ Quốc Lực, Chủ tịch HĐQT CTCP thực phẩm Sao Ta (FMC), cho rằng với Nghị quyết số 68-NQ/TW thì có thể thấy đây là thời cơ tốt đẹp nhất để các DN thêm động lực thúc đẩy tăng trưởng.

Chính vì thế, trong góp ý mới đây với Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản (Vasep) khi tiến tới đại hội toàn thể lần thứ 7 (nhiệm Kỳ 2025-2030), ông Lực mong rằng hiệp hội này nên có sự khuyến khích các DN có tốc độ tăng trưởng tốt.

Và hơn thế nữa, như lưu ý của vị chủ tịch FMC, các DN phải quan tâm cho hoạt động chiều dài lẫn bề sâu. Đó là nên có chiến lược, tầm nhìn trong hoạt động và luôn coi phát triển bền vững là bạn đồng hành không thể thiếu. Ngay bây giờ, các DN nên thực thi các nội dung bộ ba trụ cột môi trường – xã hội – quản trị (ESG) cũng như thực thi các chuẩn mực quản trị trong DN nhằm kiểm soát tốt và nâng tầm hoạt động cho mình.

Như vậy có thể thấy trong bối cảnh biến động thương mại quốc tế và cạnh tranh khốc liệt, với chiến lược đầu tư đúng đắn nhằm “nâng tầm” giá trị, cùng thời cơ từ Nghị quyết số 68-NQ/TW và loạt chính sách mới, sẽ là cú hích để các DN Việt hoàn toàn có thể tạo dựng dấu ấn bước ngoặt, làm nên tính cạnh tranh ngày một mạnh mẽ hơn trong thời gian tới.

Thế Vinh

Nguồn Vnbusiness: https://vnbusiness.vn//viet-nam/cu-hich-cho-doanh-nghiep-viet-dau-tu-nang-tam-gia-tri-1107017.html