'Cú hích' cho sự chuyển đổi dài hạn khỏi nhiên liệu hóa thạch

Các quyết định chính sách năng lượng có thể mang lại hy vọng về sự chuyển đổi nhanh chóng khỏi nhiên liệu hóa thạch trên thế giới.

Một cơ sơ khai thác dầu của Iran ở đảo Khark. Ảnh: AFP/TTXVN

Một cơ sơ khai thác dầu của Iran ở đảo Khark. Ảnh: AFP/TTXVN

Chuyên gia Shiloh Fetzek thuộc Viện Nghiên cứu các vấn đề chiến lược quốc tế IISS cho rằng, cảnh báo mới nhất của Ủy ban liên chính phủ về biến đổi khí hậu (IPCC) về tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu đối với an ninh toàn cầu đã bị lu mờ bởi cuộc khủng hoảng Ukraine.

Dù vậy, các quyết định chính sách năng lượng trong những tuần qua có thể mang lại hy vọng về sự chuyển đổi nhanh chóng khỏi nhiên liệu hóa thạch trên thế giới.

Báo cáo của IPCC được công bố bốn ngày sau khi xung đột Nga-Ukraine nổ ra đã phần nào bị lu mờ. Nhưng những thay đổi đáng kể trong chính sách năng lượng để đối phó với cuộc khủng hoảng Ukraine về cơ bản có thể thay đổi bối cảnh của báo cáo, thậm chí có thể đưa ra lý do lạc quan rằng một số biến đổi nguy hiểm hơn về khí hậu mà IPCC dự kiến và tác động kép của chúng về môi trường an ninh, có thể tránh được bằng sự chuyển dịch nhanh chóng khỏi nhiên liệu hóa thạch.

* Cảnh báo của IPCC về rủi ro khí hậu và an ninh

Công việc của IPCC, bao gồm đánh giá và tổng hợp các tài liệu khoa học về biến đổi khí hậu thành các báo cáo toàn diện, có một số ý nghĩa đối với an ninh và môi trường chiến lược. Báo cáo mới nhất này vạch ra những tác động có thể xảy ra trong tương lai của biến đổi khí hậu và cách thế giới có thể thích ứng; đồng thời minh họa một bức tranh đầy quan ngại về những thay đổi đã và đang diễn ra.

IPCC phát hiện ra rằng, hệ thống khí hậu Trái Đất đang trải qua sự mất ổn định sâu sắc và đang nhanh chóng đạt đến các ngưỡng và điểm giới hạn.

Thích ứng - hay điều chỉnh theo tác động của biến đổi khí hậu - luôn là một phần của phản ứng chính sách. Báo cáo của IPCC cũng chỉ ra rằng, có những giới hạn đối với việc thích ứng và những thay đổi cần thiết để tránh ảnh hưởng đến chúng cần phải được phòng ngừa và thực hiện trước nhiều năm, nếu không muốn nói là nhiều thập kỷ.

Điều này giờ đây còn rất ít thời gian để chuyển đổi các hệ thống năng lượng và chuẩn bị đối phó với một tương lai khí hậu khắc nghiệt hơn. Báo cáo của IPCC cũng nêu chi tiết mức độ sai số hiện nay là bao nhiêu để thực hiện chính sách khí hậu hiệu quả.

Tác động của biến đổi khí hậu đối với an ninh trong một môi trường an ninh và địa chiến lược đang phát triển nhanh chóng là rất đáng kể. Những thay đổi về thời tiết khắc nghiệt, nguồn nước, lương thực, sự di chuyển của con người và tính dễ bị tổn thương, cùng với tất cả các hệ thống khác mà biến đổi khí hậu sẽ ảnh hưởng, sẽ định hình lại môi trường vật lý.

Điều này cũng sẽ thay đổi động lực tài nguyên và năng lượng, và có thể ảnh hưởng đến các tác nhân gây bất ổn và xung đột.

* Những bước đột phá trong độc lập năng lượng của phương Tây

Cũng như tác động vật lý của khí hậu đối với các tác nhân gây ra xung đột, động lực của việc tái định vị hệ thống năng lượng toàn cầu để tránh điều tồi tệ nhất của biến đổi khí hậu có thể đi kèm với các mối quan tâm địa chính trị và các tương tác phức tạp với cách thức diễn ra xung đột, như chúng ta đang thấy trong các phản ứng toàn cầu đối với cuộc xung đột Nga-Ukraine.

Mặc dù trong ngắn hạn, châu Âu có thể cần tìm các nguồn nhiên liệu hóa thạch khác và có thể trì hoãn kế hoạch ngừng hoạt động của các nhà máy nhiệt điện than, nhưng nhìn chung, cuộc khủng hoảng Ukraine có khả năng đẩy nhanh sự chuyển dịch sang các nguồn năng lượng phi nhiên liệu hóa thạch. Sự kiện này cũng có thể tiếp thêm sinh lực cho quá trình chuyển đổi năng lượng đang diễn ra - được thúc đẩy với lý do chi phí tăng cao nhiều hơn là lý do khí hậu.

Nhà máy khí thiên nhiên hóa lỏng (LNG) Bắc Cực 2 trị giá 21 tỷ USD do công ty sản xuất khí đốt tư nhân Nga Novatek dẫn dắt. Ảnh: Reuters

Nhà máy khí thiên nhiên hóa lỏng (LNG) Bắc Cực 2 trị giá 21 tỷ USD do công ty sản xuất khí đốt tư nhân Nga Novatek dẫn dắt. Ảnh: Reuters

Các nước châu Âu và các đồng minh đang công nhận rõ ràng những lợi ích chiến lược của việc giảm thiểu khí cacbon cho nền kinh tế. Sự đan xen giữa các mối quan ngại về an ninh năng lượng và an ninh quốc gia được thể hiện đầy đủ trong thông báo của Ủy ban châu Âu (EC) rằng, Liên minh châu Âu (EU) sẽ đẩy nhanh các kế hoạch giảm sự phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch, bắt đầu với khí đốt của Nga. Các nhà lãnh đạo EU đã thỏa thuận sau cuộc họp tại Versailles vào ngày 11/3 để “loại bỏ dần sự phụ thuộc vào khí đốt, dầu và than nhập khẩu của Nga càng sớm càng tốt”.

Trước đó, những hành động này dường như không khả thi về mặt chính trị. Chiến lược năng lượng REPowerEU đã bị trì hoãn và sửa đổi để giảm sự phụ thuộc vào khí đốt, với mục tiêu giảm 2/3 lượng khí đốt nhập khẩu của Nga trong năm nay. EU sẽ phát triển một đề xuất vào giữa tháng Năm tới để loại bỏ hoàn toàn sự phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch của Nga vào năm 2027.

Mỹ, Anh và Australia đã công bố lệnh cấm nhập khẩu dầu của Nga, trong đó Mỹ cũng cấm LNG và than đá (nhưng không cấm nhiên liệu hạt nhân uranium). Đức sẽ chi 200 tỷ euro (220 tỷ USD) cho chuyển đổi công nghiệp để hỗ trợ “chủ quyền năng lượng”, bao gồm cả việc thúc đẩy năng lượng tái tạo.

Chính phủ Anh dự kiến sẽ sớm tiết lộ một chiến lược năng lượng mới, theo định hướng năng lượng tái tạo và hạt nhân. Bộ trưởng Kinh doanh Anh nêu rõ “đảm bảo sự độc lập về năng lượng sạch của Vương quốc Anh là vấn đề an ninh quốc gia”. Cuộc khủng hoảng Nga-Ukraine đã dẫn đến nhu cầu đảm bảo tự chủ về an ninh năng lượng và tăng giá trị chiến lược của quá trình chuyển đổi năng lượng.

* An ninh năng lượng và quá trình chuyển đổi năng lượng quốc phòng

Những quyết định như vậy sẽ có những tác động đến tầm nhìn hoạch định chiến lược dài hạn và tương tác với bối cảnh thay đổi của các tác động khí hậu do IPCC đưa ra. Quá trình giảm thiểu cacbon có thể sẽ tiếp tục nằm trong chương trình nghị sự của quân đội trên toàn thế giới, vì các lý do chiến lược cũng như giảm thiểu khí hậu - chẳng hạn như giảm phát thải trong công tác hậu cần.

Hợp tác quốc phòng chặt chẽ hơn trong bối cảnh giảm bớt sự phụ thuộc vào một công ty dầu khí có thể thúc đẩy quá trình xanh hóa quân đội Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) và châu Âu. Các quốc gia như Đức, đã cam kết tăng chi tiêu quốc phòng, có thể sẽ được hướng dẫn bởi Lộ trình Quốc phòng và Khí hậu của EU, cũng như các nỗ lực của NATO về khả năng chống chịu với khí hậu và chuyển đổi năng lượng quốc phòng.

Tuy nhiên, cuộc xung đột Nga-Ukraine đang chứng minh rõ ràng, các khả năng thông thường vẫn còn quan trọng và quân đội sẽ cần sử dụng nhiên liệu hóa thạch để vận hành các hệ thống vũ khí trên chiến trường, vì các công nghệ “xanh” thay thế vẫn chưa được phát triển. Sự chuẩn bị thống nhất hơn giữa giữa NATO và các đồng minh cho một tương lai an ninh đang biến đổi có thể dẫn đến việc ưu tiên cho nghiên cứu và phát triển (R&D) để hỗ trợ quá trình chuyển đổi năng lượng quốc phòng.

* Biến đổi khí hậu vẫn sẽ tác động đáng kể đến môi trường an ninh toàn cầu

Báo cáo của IPCC có thể phần nào bị lu mờ trong chương trình tin tức khi các sự kiện diễn ra ở Ukraine. Nhưng trong bối cảnh không chắc chắn về môi trường địa chiến lược đang biến đổi, IPCC đã cung cấp thông tin tốt về các điều kiện vật lý và hệ thống Trái Đất đang thay đổi trong tương lai.

Chúng ta vẫn chưa biết liệu hệ thống quốc tế sẽ được củng cố hay suy yếu trước các sự kiện hiện tại để đối phó với những thách thức này, nhưng các nhà khoa học rõ ràng rằng biến đổi khí hậu tác động đáng kể đến môi trường an ninh, bất kể chúng ta đang làm gì hiện nay./.

Vân Hải (P/v TTXVN tại London)

Nguồn Bnews: https://bnews.vn/cu-hich-cho-su-chuyen-doi-dai-han-khoi-nhien-lieu-hoa-thach/237345.html