'Cú hích' để du lịch Gia Lai phát triển
Gia Lai đón hàng chục ngàn lượt du khách trong Tuần lễ các sự kiện chào mừng 90 năm Ngày thành lập tỉnh. Sự kiện đặc biệt này tạo 'cú hích', cơ hội lớn để quảng bá hình ảnh, sản phẩm giúp ngành du lịch cất cánh sau thời gian trầm lắng bởi tác động của đại dịch Covid-19.
Rộn ràng đón khách
Theo ước tính của ngành du lịch, có khoảng 36 ngàn lượt khách tham quan và lưu trú trên địa bàn tỉnh trong tuần lễ diễn ra các hoạt động chào mừng sự kiện 90 năm Ngày thành lập tỉnh. Công suất sử dụng buồng/phòng của các cơ sở dịch vụ lưu trú trong dịp này đạt 70-100%. Riêng 3 ngày cuối tuần diễn ra chuỗi sự kiện, các khách sạn 1-4 sao, khu nghỉ dưỡng công suất sử dụng buồng/phòng đạt 90-100%.
Lượng người đến Gia Lai dịp này không chỉ là khách du lịch thuần túy, mà còn là các nhà đầu tư, đối tác trong quan hệ ngoại giao và bạn bè quốc tế. Đây là cơ hội lý tưởng để ngành du lịch hành động, quảng bá thế mạnh, giới thiệu sản phẩm đặc trưng chuẩn bị cho một hành trình mới đầy khởi sắc của dịch vụ du lịch thời hậu Covid-19. Gia Lai đã gửi đi thông điệp ấn tượng thông qua chuỗi sự kiện kinh tế, văn hóa, ẩm thực… Trong đó, chỉ riêng Hội chợ triển lãm thương mại và giới thiệu sản phẩm OCOP diễn ra tại đường Anh Hùng Núp (Quảng trường Đại Đoàn Kết, TP. Pleiku) đã thu hút hàng chục ngàn lượt người dân và du khách tham quan, mua sắm mỗi ngày. Chị Nguyễn Thị Hồng Anh-du khách đến từ Đà Nẵng-cho biết: “Tham quan hội chợ triển lãm mà tôi có cảm giác như mình vừa đi một tour du lịch xuyên Việt vậy. Mỗi tỉnh đều có những sản phẩm đặc trưng rất hấp dẫn. Tôi đặc biệt thích kẹo cu đơ của Hà Tĩnh và các loại nông sản tỉnh Gia Lai. Tôi đã mua một số sản phẩm hạt mắc ca, điều của huyện Kbang và cà phê thương hiệu Lamant của tỉnh Gia Lai về làm quà tặng. Ngoài chất lượng tuyệt hảo, cách làm bao bì đóng gói cũng rất đẹp, rất thích hợp để làm quà tặng”.
Tuần lễ cũng trở thành ngày hội đối với các “tín đồ” mê ẩm thực. Trên 80 gian hàng ẩm thực được UBND TP. Pleiku kêu gọi các đơn vị, doanh nghiệp tham gia tổ chức tại thắng cảnh Biển Hồ và Nhà Thiếu nhi thành phố luôn trong tình trạng quá tải. Không chỉ là ẩm thực truyền thống với gà nướng, cơm lam, phở 2 tô… mà còn tràn ngập sắc màu của món ăn đường phố, món chay đáp ứng khẩu vị đa dạng của thực khách. Chị Trần Ngọc Bích-đại diện gian hàng ẩm thực Nhà hàng chay Ánh Quang-cho biết: “Đây là lần đầu tiên chúng tôi tham gia chương trình lễ hội ẩm thực, thực khách hưởng ứng món chay rất tích cực. Trong ngày đầu tiên mặc dù trời mưa nhưng chúng tôi phục vụ không nghỉ tay. Các ngày tiếp theo cũng đón một lượng thực khách đáng kể đủ mọi lứa tuổi. Chúng tôi hy vọng tỉnh tổ chức nhiều sự kiện gắn với ẩm thực để được tham gia, mong muốn mang đến sắc màu mới lạ cho bức tranh ẩm thực và cũng để khuyến khích người dân và du khách ăn xanh, sống xanh để bảo vệ sức khỏe, môi trường”.
Đây không phải lần đầu tiên Gia Lai tổ chức lễ hội ẩm thực, thu hút nhiều đơn vị kinh doanh nhà hàng, quán ăn trên địa bàn thành phố tham gia nhằm quảng bá du lịch địa phương. Anh Trần Chí Công (phường Yên Thế, TP. Pleiku) cho biết: “Hơn 80 gian hàng chưa thể bao quát hết nét nổi bật, giá trị ẩm thực độc đáo của Gia Lai. Ẩm thực đường phố có phần lấn át mảng ẩm thực truyền thống địa phương. Tôi nghĩ đây là cơ hội tốt để có thể làm một food tour (tour du lịch ẩm thực) thật ấn tượng, “đốn tim” du khách. Tôi đưa nhóm bạn đại học ở TP. Hồ Chí Minh tới thưởng thức vài món, rồi tìm thêm những địa chỉ khác trong thành phố để giúp họ trải nghiệm thêm ẩm thực truyền thống”.
“Cú hích” sau đại dịch
Theo ông Hà Trọng Hải-Giám đốc Công ty cổ phần Cao Nguyên Việt, Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Gia Lai, chuỗi hoạt động chào mừng 90 năm thành lập tỉnh tác động rõ rệt đến ngành công nghiệp xanh. Ông Hải phân tích: “Tác động đầu tiên là ảnh hưởng tích cực tới tâm lý của người dân và du khách. Các sự kiện lớn do chính quyền tổ chức sẽ càng tăng thêm sự tin tưởng trong tâm lý du lịch, làm cho xã hội cảm thấy dịch Covid-19 đã được khống chế để trở lại cuộc sống bình thường. Cùng với đó là việc công bố các di tích quốc gia, di sản thiên nhiên thế giới cao nguyên Kon Hà Nừng với cách truyền thông hiệu quả, kịp thời khiến du khách, các nhà đầu tư để ý, quan tâm tới Gia Lai nhiều hơn. Còn đối với doanh nghiệp, đây thực sự là “cú hích” sau đại dịch. Các đơn vị lữ hành sẽ nắm bắt cơ hội này để quảng bá, giới thiệu sản phẩm du lịch đến du khách, nhất là các điểm đến mới gắn với các danh hiệu vừa được trao tặng. Cho dù khách đăng ký tour hay không nhưng đây là điểm nhấn, tác động tới tâm lý để không sớm thì muộn họ cũng sẽ quay lại. Do đó, nhìn xa trông rộng thì chuỗi sự kiện trong tuần lễ vừa qua có ý nghĩa rất kịp thời và tác động lâu dài cho du lịch Gia Lai”.
Trong khi đó, ông Nguyễn Đức Hoàng-Phó Giám đốc Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch-cho biết, chuỗi các sự kiện chào mừng 90 năm thành lập tỉnh là cơ hội để ngành du lịch thực hiện kế hoạch phục hồi sau đại dịch. Đặc biệt, hội thảo về tiềm năng và cơ hội hợp tác đầu tư giữa Gia Lai và các địa phương của Nhật Bản, trong đó có lĩnh vực du lịch giúp các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ, du lịch tìm hiểu thông tin, nắm bắt cơ hội để mở rộng thị trường.
“Đối với di sản thiên nhiên Kon Hà Nừng, Quần thể di tích quốc gia đặc biệt Tây Sơn Thượng đạo, Di tích quốc gia Rộc Tưng-Gò Đá, ngành du lịch sẽ có kế hoạch kêu gọi các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh khảo sát, xây dựng các tour, tuyến mới hấp dẫn liên quan đến các di tích, di sản này để hình thành nên những sản phẩm thực sự mới mẻ, hấp dẫn thu hút du khách trong nước và quốc tế. Thời gian tới, chúng tôi cũng sẽ đẩy mạnh công tác đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực, hướng dẫn kỹ năng đón khách, phục vụ, tạo ra các sản phẩm, dịch vụ đi kèm… cho người dân sống gần di sản, di tích làm du lịch. Với quyết tâm thu hút được các doanh nghiệp và khuyến khích cộng đồng chung tay làm du lịch để sớm đưa ngành du lịch phục hồi, phát triển”-ông Nguyễn Đức Hoàng cho biết.