'Cú hích' góp phần nâng cao chất lượng giáo dục

Thời gian qua, hoạt động dạy thêm, học thêm ngoài nhà trường diễn ra đa dạng, phức tạp khiến các cấp quản lý khó kiểm soát.

Học sinh Trường TH&THCS Đông Ngàn (TP Từ Sơn, Bắc Ninh) trong một giờ học.

Học sinh Trường TH&THCS Đông Ngàn (TP Từ Sơn, Bắc Ninh) trong một giờ học.

Việc Thông tư 29/2024/TT-BGDĐT của Bộ GD&ĐT (Thông tư 29) có hiệu lực không chỉ là bước tiến trong quản lý mà tiếp tục tạo “cú hích” đổi mới, cùng Chương trình GDPT 2018, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục.

Học ở trường là đủ kiến thức

Là đơn vị 3 năm học liên tục (từ năm học 2022 - 2023 đến 2024 - 2025) dẫn đầu kỳ thi chọn học sinh giỏi (HSG) cấp tỉnh Bắc Ninh, ông Nguyễn Văn Dũng, Trưởng phòng GD&ĐT TP Từ Sơn bày tỏ, Thông tư 29 cho thấy quyết tâm rất lớn của Bộ GD&ĐT. Đây là bước tiến quan trọng trong quản lý, hạn chế dạy thêm, tiêu cực cho các cấp quản lý. Bước tiến này nhận được sự đồng tình, ủng hộ từ nhiều nhà giáo, phụ huynh và học sinh.

Theo ông Nguyễn Văn Dũng, hiện nay toàn ngành đang triển khai hiệu quả Chương trình GDPT 2018 với việc thời lượng học trên lớp đủ để trang bị cho học sinh kiến thức và kỹ năng để hình thành năng lực phẩm chất của một người công dân bình thường. “Học sinh phổ thông học tốt ở trường, không cần đi học thêm...”, Trưởng phòng GD&ĐT TP Từ Sơn, Bắc Ninh nhấn mạnh.

Trước băn khoăn về việc bồi dưỡng, dạy thêm cho đội ngũ HSG, học sinh cuối cấp (lớp 9 chuẩn bị vào lớp 10), ông Nguyễn Văn Dũng nhắc lại, có 3 đối tượng học sinh được học thêm ở nhà trường (học sinh điểm học kỳ liền kề chưa đạt, bồi dưỡng học sinh giỏi, thi chuyển cấp), nhưng không thu tiền.

“Việc bồi dưỡng học sinh giỏi là trách nhiệm, nhiệm vụ của nhà trường và các thầy cô giáo. Chúng ta phải tạo ra được nhận thức đồng bộ của cha mẹ học sinh, cái gốc của vấn đề là không có cầu thì sẽ không có cung. Các bậc phụ huynh yên tâm với thời lượng, chất lượng học tập trên lớp. Mỗi nhà trường cần tạo ra các hoạt động cho học sinh tham gia ngoài phần học, đừng để các em suốt ngày (sáng, chiều, tối) vùi đầu học…”, Trưởng phòng GD&ĐT TP Từ Sơn, Bắc Ninh, thẳng thắn.

Lãnh đạo Phòng GD&ĐT TP Từ Sơn, Bắc Ninh nhìn nhận: Còn có những băn khoăn về việc con em không theo kịp bạn học và kỳ thi vào lớp 10 THPT ở các bậc phụ huynh. Vì vậy, câu chuyện ở đây là phải chú trọng dạy thật - học thật, xem lại cách thi cử để việc học phải đi đôi với việc thi. Bên cạnh đó, các cấp các ngành phải chú trọng đầu tư cơ sở vật chất đáp ứng đủ nhu cầu học tập của nhân dân.

“Không thể học một đằng lại thi một cách… trên trời - đây cũng là nguy cơ tạo ra việc dạy thêm, học thêm. Chúng ta đang thực hiện phổ cập giáo dục mà thi vào THPT công lập bị loại nhiều quá, trong khi nhu cầu lớn mà trường lớp chưa đáp ứng được buộc phải học thêm để cạnh tranh suất vào lớp 10. Vì vậy chú ý cách thi cử, quy mô trường lớp...”, ông Nguyễn Văn Dũng thể hiện quan điểm.

Được biết, ngay từ đầu năm học 2024 - 2025 (ngày 14/10/2024) lãnh đạo UBND TP Từ Sơn cùng các Phòng (GD&ĐT, Nội vụ...) trực tiếp đối thoại với phụ huynh học sinh (mầm non, tiểu học, THCS) để lắng nghe và giải đáp các ý kiến phát biểu của đại diện cha mẹ học sinh. Qua đó cùng trao đổi, giải đáp những kiến nghị, đề xuất để góp phần nâng cao chất lượng GD&ĐT TP Từ Sơn.

Tại hội nghị này, Trưởng phòng GD&ĐT TP Từ Sơn đã nhấn mạnh đến hiệu quả của Chương trình GDPT 2018, việc học ở trường là đủ kiến thức, đồng thời lưu ý phụ huynh không nên cho con đi học thêm.

 Cùng với nâng cao chất lượng, Trường Tiểu học Đoàn Thị Điểm - Hà Nội triển khai nhiều hoạt động ý nghĩa giúp học sinh rèn kỹ năng.

Cùng với nâng cao chất lượng, Trường Tiểu học Đoàn Thị Điểm - Hà Nội triển khai nhiều hoạt động ý nghĩa giúp học sinh rèn kỹ năng.

Đồng bộ các giải pháp

Về Thông tư 29, NGƯT Đào Thị Thủy, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Đoàn Thị Điểm, Hà Nội cho biết, công tác dạy và học ở nhà trường không có gì thay đổi so với trước khi Thông tư 29 có hiệu lực vì nhà trường không tổ chức dạy thêm học thêm.

“Trước khi Thông tư 29 có hiệu lực, hoạt động dạy thêm, học thêm ngoài nhà trường diễn ra đa dạng, khá phức tạp, các cấp quản lý khó kiểm soát (học tại nhà học sinh, học tại nhà giáo viên, học tại các địa điểm có giấy phép dạy thêm hoặc không có giấy phép, học online,...).

Đối với Trường Tiểu học Đoàn Thị Điểm - Hà Nội, khi bắt đầu mỗi năm học, tất cả giáo viên đều phải viết tay bản cam kết với nhà trường về việc không vi phạm về quy định dạy thêm, học thêm của trường cũng như của ngành. “Vì vậy khi Thông tư 29 đi vào cuộc sống, các hoạt động dạy và học của trường không có gì thay đổi...”, bà Đào Thị Thủy chia sẻ.

Để giảm áp lực cho học sinh về việc phải đi học thêm ngoài giờ học chính khóa ở trường mà vẫn đảm bảo được hoạt động phụ đạo học sinh chưa theo kịp chương trình của lớp, đảm bảo việc bồi dưỡng học sinh giỏi, Trường Tiểu học Đoàn Thị Điểm - Hà Nội triển khai nhiều giải pháp.

Đơn cử, với việc dạy và học tại trường thì đầu mỗi năm học, Ban Giám hiệu nhà trường có đưa ra quy chế thực hiện hoạt động chuyên môn trong nhà trường. Trong đó có hướng dẫn và quy định cụ thể về kế hoạch bài dạy (giáo án của giáo viên) trước khi lên lớp phải đảm bảo đủ nội dung kiến thức, dạy bám sát khung Chương trình GDPT 2018.

Với các tổ/nhóm chuyên môn tổ chức nghiên cứu sắp xếp nội dung lại cho gọn theo từng mạch kiến thức/từng chuyên đề hoặc chủ đề phù hợp với điều kiện dạy học trực tiếp hay trực tuyến (đã được thảo luận và thống nhất trong cuộc họp chuyên môn của tổ/khối). Tất cả kế hoạch bài dạy phải thể hiện rõ nội dung bổ sung rèn kĩ năng, nội dung mở rộng, nâng cao và bài tập thực hành vận dụng sau tiết dạy.

Tương tự đối với nội dung mở rộng, nâng cao và bài tập thực hành vận dụng sau tiết dạy phải thống nhất chung trong cả khối và chia theo 3 mức độ từ dễ đến khó. Trong thời gian tiết dạy chính khóa, nếu học sinh nào hoàn thành nhiệm vụ trước, giáo viên phát thêm bài cho học sinh luyện kĩ năng hoặc nâng cao, mở rộng thêm kiến thức tùy theo từng nhóm mức độ.

Đối với nhóm những học sinh chưa theo kịp chương trình của lớp (mức độ 1), giáo viên phải có trách nhiệm kèm thêm trong chính giờ học đó. Đặc biệt dối với học sinh các lớp (3, 4 và 5) nhà trường còn tổ chức thêm 2 buổi phụ đạo sau giờ/1 tuần không thu phí để giáo viên củng cố kiến thức, kĩ năng cơ bản cho những học sinh. Khi giáo viên dạy các lớp phụ đạo này, nhà trường có chế độ bồi dưỡng bằng 120% mức lương giờ chính khóa trích từ nguồn kinh phí của trường.

Đối với nhóm HSG (nhóm học sinh mức độ 3), ngoài việc được giáo viên cung cấp thêm bài tập mở rộng nâng cao trong mỗi tiết học, nhà trường còn lựa chọn những học sinh có năng khiếu thành các lớp bồi dưỡng riêng vào 1 buổi chiều trong tuần (thời gian đó, các bạn khác ở lớp cũng được học mở rộng nâng cao nhưng ở mức độ 1 và 2).

Ở góc độ quản lý chuyên môn, ông Nguyễn Như Tùng, Phó Trưởng phòng GD&ĐT quận Ba Đình (TP Hà Nội) cho hay, phòng đã ban hành văn bản gửi hiệu trưởng các trường THCS trên địa bàn để phổ biến và rà soát thực hiện quy định về dạy thêm, học thêm theo đúng tinh thần Thông tư số 29.

Theo đó Phòng GD&ĐT quận Ba Đình đã yêu cầu các trường tuyên truyền, phổ biến toàn văn nội dung Thông tư số 29 tới toàn thể giáo viên, nhân viên và phụ huynh, học sinh. Đồng thời tổ chức việc dạy thêm, học thêm trong nhà trường theo quy định tại thông tư và các quy định khác của pháp luật có liên quan.

Bên cạnh đó quản lý giáo viên đang giảng dạy tại nhà trường khi tham gia dạy thêm ngoài nhà trường bảo đảm thực hiện đúng quy định, phối hợp theo dõi và kiểm tra hoạt động dạy thêm ngoài nhà trường của giáo viên đang giảng dạy tại nhà trường.

Phòng GD&ĐT quận Ba Đình, Hà Nội cũng lưu ý tới các nhà trường, sẽ xử lý theo thẩm quyền hoặc kiến nghị cơ quan có thẩm quyền xử lý các vi phạm quy định về dạy thêm, học thêm (nếu có). Hiện toàn quận Ba Đình, học sinh cấp 1 học buổi chiều theo Chương trình GDPT 2018, học sinh lớp 9 ôn thi lớp 10 và một số trường học 2 buổi/ngày theo đúng quy định.

Đăng Chung

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/cu-hich-gop-phan-nang-cao-chat-luong-giao-duc-post720044.html