TP HCM: Độc đáo trẻ mầm non quét mã QR vừa học vừa chơi
Mỗi trẻ có 1 iPad quét mã QR để nhập tên mình vào trò chơi. Qua mỗi phần câu hỏi, tên em nào trả lời nhanh và chính xác nhất sẽ hiện lên màn hình
Với bài kể chuyện "Ba chú heo con" nhằm làm quen với văn học, giờ học của các trẻ mầm non 4-5 tuổi Trường Mầm non quận 3 (TP HCM) khiến nhiều người tham dự bất ngờ trước giờ học sôi động, thú vị khi trẻ bắt đầu bằng cách tự quét mã QR.
Với robot heo con và video minh họa truyện kể "Ba chú heo con" được chính giáo viên thiết kế từ nền tảng trí tuệ nhân tạo (AI), những nhân vật, tình huống trong câu chuyện qua nền tảng số đến với trẻ bằng những cách thú vị, bất ngờ.

Trẻ tham gia các trò chơi từ bài giảng ứng dụng AI của giáo viên

Trẻ chia theo các nhóm ráp tranh theo trình tự câu chuyện, gắn nhân vật vào đúng tình huống...
Từ câu chuyện được trình chiếu, với mỗi chiếc iPad trên tay, trẻ được dẫn dắt tiếp vào nội dung thứ hai là trò chơi "Trí nhớ siêu phàm". Trò chơi này cũng thiết kế từ nền tảng AI.
Ở trò chơi này, trẻ gọi đúng tên các nhân vật và trả lời đúng các nội dung, tình tiết diễn biến chuyện kể "Ba chú heo con”. Mỗi trẻ có 1 iPad quét mã QR để nhập tên mình vào trò chơi. Qua mỗi phần câu hỏi, em nào trả lời nhanh và chính xác nhất sẽ hiện lên màn hình.
Hoạt động thứ 3 là trò chơi củng cố. Trẻ được chia theo các nhóm chơi ráp tranh theo trình tự câu chuyện, gắn nhân vật vào đúng tình huống câu chuyện...

Mỗi trẻ có 1 iPad quét mã QR để nhập tên mình vào trò chơi. Qua mỗi phần câu hỏi, em nào trả lời nhanh và chính xác nhất sẽ hiện lên màn hình.
Cô Nguyễn Thị Doan, giáo viên lớp chồi 2 - người thiết kế bài dạy, cho biết thay vì giảng dạy truyền thống là đọc truyện cho bé và nêu câu hỏi liên quan, cô đã ứng dụng AI, nền tảng số để tạo nên giáo án khác. Theo cô Doan, mất khoảng 2-3 ngày cho tiết dạy nhưng cách tạo những bài giảng số này khiến trẻ rất hào hứng trong mỗi giờ học. Trẻ được tương tác nhiều, ghi nhớ lâu hơn bởi được học thông qua các trò chơi.
Tiết học như trên là một trong số nhiều tiết học đang được triển khai ở Trường Mầm non quận 3 để các cán bộ quản lý, giáo viên tại quận học tập tại chuyên đề “Ứng dụng Steam và Al trong thiết kế các hoạt động nâng cao chất lượng thực hiện chương trình giáo dục mầm non" năm học 2024-2025, tổ chức ngày 21-2.

Qua mỗi phần câu hỏi, em nào trả lời nhanh và chính xác nhất sẽ hiện lên màn hình
Tại ngày hội, trẻ mầm non còn được tham dự nhiều trò chơi, học thông qua chơi từ việc ứng dụng công nghệ thông tin, STEM trong thiết kế các trò chơi, bài học...

Trẻ được trải nghiệm quy trình sản xuất hạt gạo, từ khi trồng lúa đến thu hoạch, qua máy xay lúa để ra hạt gạo. Máy xay lúa do cô, trò cùng ứng dụng STEM tự thiết kế từ các vật dụng
Cô Trần Thị Mỹ Dung, hiệu trưởng nhà trường, cho biết chuyên đề nhằm nâng cao hiệu quả xây dựng trường học số, đầy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, làm giàu nguồn tài nguyên học liệu số giáo dục của trường. Thầy cô sẽ khai thác hiệu quả nền tảng công nghệ AI trong thiết kế bài giảng, bài tập, trò chơi nhằm nâng cao chất lượng thực hiện chương trình giáo dục mầm non. Chuyên đề còn bồi dưỡng, nâng cao kỹ năng về thực hành tổ chức hoạt động trải nghiệm, khám phá Steam trong tổ chức hoạt động ngoài trời cho trẻ mầm non.

Trẻ mầm non hào hứng tham gia ngày hội
Ông Phạm Đăng Khoa, Trưởng phòng GD-ĐT quận 3, cho biết chuyên đề chính là quả ngọt từ phong trào đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số trong dạy học, kiểm tra, đánh giá của ngành GD-ĐT quận thời gian qua. Đội ngũ giáo viên được tập huấn thường xuyên về đổi mới phương pháp giảng dạy, ứng dụng hiệu quả công nghệ thông tin, hướng đến chuyển đổi số mạnh mẽ, sử dụng nhuần nhuyễn các công cụ AI trong xây dựng học liệu số, bài kiểm tra số, thiết bị dạy học số, trò chơi STEM.
"Qua đó, giảng dạy và giáo dục kỹ năng số cho công dân số quận 3, công dân toàn cầu, góp phần xây dựng nguồn nhân lực STEM cho tương lai. Thiết thực nhất là giúp mỗi tiết học luôn mang hơi thở hiện đại, công nghệ, vui tươi và hấp dẫn, không chỉ tạo được động lực học tập cho trẻ mà còn khích lệ đội ngũ giáo viên hăng say, đam mê hơn qua từng tiết dạy" - ông Khoa nhấn mạnh.