PJICO đang làm ăn ra sao?

Bảo hiểm xe cơ giới tiếp tục giữ vai trò chủ lực trong cơ cấu doanh thu của PJICO, chiếm tỷ trọng cao nhất và đóng góp ổn định cho kết quả kinh doanh.

PJICO làm ăn ra sao?

Tổng công ty Cổ phần Bảo hiểm Petrolimex (PJICO, mã CK: PGI) hoạt động trong lĩnh vực bảo hiểm phi nhân thọ. Doanh nghiệp này nằm dưới sự lãnh đạo của Chủ tịch Hội đồng quản trị Phạm Thanh Hải và Tổng giám đốc Nguyễn Thị Hương Giang.

Một trong những dấu ấn đáng chú ý nhất trong hành trình phát triển của PJICO là việc lần đầu tiên vượt mốc doanh thu 5.000 tỷ đồng vào năm 2024. Cụ thể, doanh thu cả năm đạt 5.279 tỷ đồng, tăng 8,9% so với năm 2023. Lợi nhuận trước thuế đạt 291,2 tỷ đồng.

Cơ cấu doanh thu các mảng bảo hiểm PJICO ghi nhận cuối năm

Cơ cấu doanh thu các mảng bảo hiểm PJICO ghi nhận cuối năm

Báo cáo tài chính quý I/2025 , PJICO ghi nhận doanh thu phí bảo hiểm, đạt 1.167 tỷ đồng – tăng 4,1% so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, tổng chi phí bồi thường cũng tăng mạnh, lên mức 425 tỷ đồng, tương đương mức tăng 24%.

Doanh thu thuần từ hoạt động kinh doanh bảo hiểm trong kỳ đạt 894 tỷ đồng – gần như không đổi so với quý I/2024, trong khi chi phí kinh doanh bảo hiểm tăng nhẹ 0,8% lên 652 tỷ đồng. Đáng chú ý, doanh thu tài chính giảm 19%, chỉ còn 26 tỷ đồng.

Tại buổi họp báo về kết quả công tác 6 tháng đầu năm 2025 do Bộ Công an tổ chức ngày 7/7, Thượng tá Vũ Thanh Tùng – Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu (C03) – cho biết cơ quan điều tra đã tiến hành khởi tố và bắt tạm giam ông Phạm Thanh Hải và bà Nguyễn Thị Hương Giang để điều tra về hành vi “Nhận hối lộ”, theo quy định tại Điều 354 Bộ luật Hình sự.
Ngoài hai lãnh đạo cấp cao trên, C03 cũng đã thực hiện lệnh tạm giam đối với ông Trần Hoài Nam – Phó Tổng giám đốc Tổng công ty Cổ phần Bảo hiểm Petrolimex (PJICO); ông Đặng Quang Dũng – Phó Giám đốc phụ trách Ban Giám định bồi thường xe cơ giới; và ông Đinh Quốc Thịnh – Phó Giám đốc Ban Giám định bồi thường xe cơ giới, cùng về tội danh tương tự.
Bên cạnh đó, cơ quan điều tra cũng đã khởi tố 4 cá nhân khác đang công tác tại Ban Giám định bồi thường xe cơ giới của PJICO với vai trò đồng phạm trong vụ án .Hiện vụ việc đang được tiếp tục điều tra, làm rõ theo quy định của pháp luật.

Tuy nhiên, lợi nhuận ròng của PJICO vẫn đạt 71,2 tỷ đồng, tăng 5,2% so với cùng kỳ, nhờ vào khoản thu nhập khác tăng 144% và chi phí quản lý doanh nghiệp tiết giảm 4,5%. Tính đến hết quý I, doanh nghiệp đã hoàn thành 23,2% kế hoạch lợi nhuận trước thuế cả năm (306 tỷ đồng).

Tại thời điểm 31/3/2025, tổng tài sản của PJICO đạt 8.489 tỷ đồng, trong đó tài sản ngắn hạn chiếm tới 84%. Lượng tiền mặt ở mức 135,5 tỷ đồng, giảm gần 10% so với đầu năm.

Dòng tiền thuần từ hoạt động kinh doanh đạt 63,95 tỷ đồng – cho thấy khả năng tạo tiền mặt vẫn còn, dù đã giảm mạnh so với con số 152,7 tỷ đồng cùng kỳ năm 2024. Trong khi đó, dòng tiền đầu tư âm 60,9 tỷ đồng do chi đầu tư vào tài sản cố định dài hạn, còn dòng tiền tài chính đạt 46,2 tỷ đồng. Việc vay mới (397,85 tỷ đồng) vượt xa khoản trả nợ (289,56 tỷ đồng) và chi phí thuê tài chính (52,97 tỷ đồng) cho thấy PJICO vẫn đang sử dụng đòn bẩy tài chính để duy trì dòng tiền.

Tiền và tương đương tiền cuối kỳ chỉ còn 135,38 tỷ đồng – mức sụt giảm này đặt ra cảnh báo về tính thanh khoản nếu có biến động bất thường về dòng tiền bồi thường hoặc nhu cầu đầu tư đột xuất.

Đến cuối quý I/2025, tổng nợ phải trả của PJICO đạt 6.573 tỷ đồng, tương đương 78% tổng nguồn vốn. Trong đó, khoản vay ngắn hạn lên đến 667,28 tỷ đồng – chiếm gần như toàn bộ nợ vay – trong khi nợ dài hạn chỉ ở mức 2,57 tỷ đồng.

Điểm đáng chú ý là phần lớn khoản nợ không phải từ vay thương mại mà là dự phòng nghiệp vụ bảo hiểm, lên tới 4.640 tỷ đồng. Dù điều này phản ánh đúng đặc thù ngành bảo hiểm, nó cũng khiến cấu trúc tài chính của PJICO phụ thuộc nhiều vào nghĩa vụ thanh toán ngắn hạn.

Đáng lo ngại hơn, dòng tiền hoạt động kinh doanh hiện tại chưa đủ để đáp ứng nhu cầu chi trả nợ ngắn hạn, tạo áp lực lớn lên khả năng thanh toán và duy trì hoạt động ổn định nếu thị trường biến động.

Trong 8 nghiệp vụ bảo hiểm tạo doanh thu cho PJICO, bảo hiểm xe cơ giới chiếm tới 36,5% tổng doanh thu phí quý I/2025. Còn trong cả năm 2024, tỷ trọng của mảng này đạt 37,3%, tương đương gần 1.640 tỷ đồng. Điều này cho thấy bảo hiểm xe cơ giới vẫn là nguồn thu chủ lực của công ty, bất chấp việc mở rộng sang các lĩnh vực như bảo hiểm cháy nổ, công trình hay sức khỏe.

Năm 2024, PJICO trúng gần 600 gói thầu sử dụng ngân sách, và chỉ trong 5 tháng đầu năm 2025, công ty tiếp tục giành chiến thắng ở hơn 200 gói thầu – chủ yếu trong lĩnh vực bảo hiểm cháy nổ và công trình.

Sự phụ thuộc vào Petrolimex

Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) hiện là cổ đông chiến lược lớn nhất của PJICO, nắm giữ 40,95% vốn điều lệ. Tỷ lệ sở hữu này đủ điều kiện để Petrolimex đưa PJICO vào nhóm công ty liên kết và ghi nhận khoản đầu tư theo phương pháp vốn chủ sở hữu. Tại thời điểm 31/12/2024, giá trị khoản đầu tư của Petrolimex tại PJICO đạt 781,07 tỷ đồng.

Không chỉ là cổ đông lớn, Petrolimex còn là khách hàng và đối tác kinh doanh quan trọng của PJICO. Trong năm 2024, tập đoàn này đã chi hơn 602,7 tỷ đồng cho các dịch vụ bảo hiểm do PJICO cung cấp – con số tương đương với năm 2023 (600 tỷ đồng). Ngoài ra, Petrolimex còn thu về khoảng 54,5 tỷ đồng cổ tức và ghi nhận lợi nhuận từ công ty liên kết PJICO ở mức 95 tỷ đồng trong năm 2024.

Tuy nhiên, chính mối liên hệ chặt chẽ này cũng đặt ra những rủi ro tiềm tàng cho hoạt động của cả hai doanh nghiệp. Với tỷ trọng đáng kể trong doanh thu của PJICO đến từ Petrolimex, bất kỳ sự điều chỉnh nào trong chiến lược mua bảo hiểm của tập đoàn xăng dầu – dù là cắt giảm ngân sách, thay đổi nhà cung cấp hay tái cấu trúc nội bộ – đều có thể tác động tiêu cực đến kết quả kinh doanh của PJICO.

Trong bối cảnh ngành bảo hiểm ngày càng cạnh tranh, với chi phí bồi thường gia tăng và áp lực điều chỉnh phí từ các đối thủ, việc phụ thuộc vào một khách hàng lớn càng khiến PJICO đối mặt với thách thức duy trì biên lợi nhuận và tăng trưởng ổn định. Ngược lại, nếu PJICO không đảm bảo hiệu quả tài chính như kỳ vọng, Petrolimex cũng có thể bị ảnh hưởng về hiệu quả đầu tư.

Một yếu tố quan trọng khác là định hướng thoái vốn của Petrolimex tại PJICO. Theo thông tin từ Ban Tổng Giám đốc Petrolimex, doanh nghiệp đã tiến hành rà soát và đánh giá các quy định pháp lý hiện hành liên quan đến hoạt động đầu tư vào lĩnh vực bảo hiểm, và đang triển khai kế hoạch thoái vốn tại PJICO phù hợp với chủ trương tái cơ cấu danh mục đầu tư theo các nghị định của Chính phủ.

Động thái này phản ánh chiến lược của Petrolimex trong việc tập trung nguồn lực vào các lĩnh vực cốt lõi, tối ưu hiệu quả sử dụng vốn và giảm thiểu rủi ro từ những khoản đầu tư không thuộc trọng tâm. Tuy nhiên, việc thoái vốn của cổ đông chiến lược có thể kéo theo hệ lụy đối với PJICO, đặc biệt là nguy cơ mất đi nguồn doanh thu từ khách hàng nội bộ cũng như giảm sút vị thế trên thị trường bảo hiểm doanh nghiệp.

Đến nay, tiến độ thoái vốn vẫn chưa được hoàn tất, cho thấy quá trình này có thể gặp phải những vướng mắc về pháp lý, kỹ thuật hoặc điều kiện thị trường. Ở chiều ngược lại, phía PJICO trong các báo cáo thường niên gần nhất cũng chưa đưa ra thông tin cụ thể về các phương án ứng phó hoặc định hướng hoạt động trong trường hợp Petrolimex không còn là cổ đông lớn.

Mối quan hệ giữa Petrolimex và PJICO là một ví dụ điển hình về cấu trúc sở hữu chéo trong các tập đoàn đa ngành tại Việt Nam. Mô hình này có thể tạo ra lợi thế cạnh tranh nhất định, nhờ vào sự hỗ trợ từ các cổ đông chiến lược và sự cộng hưởng lợi ích trong chuỗi giá trị. Tuy nhiên, đi kèm với đó là những yêu cầu ngày càng cao về quản trị rủi ro, chiến lược độc lập và năng lực thích ứng trước các biến động trong cơ cấu sở hữu

Nhị Hà

Nguồn Thị Trường Tài Chính: https://thitruongtaichinh.kinhtedothi.vn/tai-chinh/pjico-dang-lam-an-ra-sao-146332.html