'Cú huých' từ nguồn vốn FDI

Bài 2:
TẠO SỨC BẬT TỪ NỀN TẢNG “4 TỐT”

BPO - Từng là điểm sáng trong thu hút vốn FDI, tuy nhiên từ đầu năm 2022 đến nay, kết quả thu hút vốn đầu tư nước ngoài của Bình Phước không đạt như kỳ vọng. Tỉnh chỉ thu hút được 30 dự án, với số vốn trên 107 triệu USD, thuộc diện thấp của khu vực Đông Nam Bộ. Trước thực trạng đó, Bình Phước cần những biện pháp mạnh, tránh “ngủ quên trên chiến thắng” để khơi thông nguồn vốn quan trọng này trong thời gian tới. Trong đó, đầu tư cơ sở hạ tầng được xem là yếu tố then chốt.

Bình Phước đang nỗ lực đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính để phục vụ tốt hơn người dân và doanh nghiệp

Bình Phước đang nỗ lực đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính để phục vụ tốt hơn người dân và doanh nghiệp

“Lãnh đạo tỉnh Bình Phước luôn coi sự thành công của doanh nghiệp (DN) là thành công của tỉnh. Với nền tảng “4 tốt” gồm: hạ tầng tốt, nhân lực tốt, chính sách tốt, dịch vụ công tốt, Bình Phước cam kết luôn đồng hành với DN; luôn lắng nghe, chia sẻ và tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện thuận lợi cho DN đầu tư sản xuất, kinh doanh trên địa bàn”.

Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh
Trần Tuệ Hiền

“Thay áo” cho hạ tầng giao thông

Hiện nay, toàn tỉnh có tuyến quốc lộ 14 đi qua, 15 tuyến đường tỉnh, 325 tuyến đường đô thị, 2.135 tuyến đường xã, 241 tuyến đường chuyên dùng và tuần tra biên giới với tổng chiều dài 9.102km, tỷ lệ nhựa hóa đạt 64,17%. Tuy nhiên, các tuyến đường hiện hữu chưa đáp ứng được yêu cầu liên kết vùng, nội tỉnh để phát triển kinh tế - xã hội địa phương. Để hiện đại hóa hệ thống hạ tầng giao thông, làm cơ sở tiếp tục đón tiếp các nhà đầu tư nước ngoài, UBND tỉnh vừa có quyết định phê duyệt Đề án phát triển giao thông giai đoạn 2021-2025 với 34 dự án, kinh phí dự kiến khoảng 16,6 ngàn tỷ đồng. Cùng với đó, Bình Phước đã được Thủ tướng Chính phủ thống nhất chủ trương cho thực hiện một số dự án giao thông trọng điểm như: Dự án đường cao tốc TP. Hồ Chí Minh - Thủ Dầu Một - Chơn Thành; dự án đường sắt Dĩ An - Lộc Ninh kết nối đến cảng Cái Mép - Thị Vải, tương lai sẽ kết nối với Vương quốc Campuchia qua Cửa khẩu quốc tế Hoa Lư; đường cao tốc Gia Nghĩa (Đắk Nông) - Chơn Thành (Bình Phước); cầu Mã Đà kết nối với tỉnh Đồng Nai và Sân bay quốc tế Long Thành.

Tuyến ĐT741 được đầu tư mở rộng nhằm đáp ứng tốt hơn nhu cầu đi lại của người dân và doanh nghiệp

Tuyến ĐT741 được đầu tư mở rộng nhằm đáp ứng tốt hơn nhu cầu đi lại của người dân và doanh nghiệp

Nhận diện “điểm nghẽn” lớn nhất cản trở sự phát triển chung của tỉnh liên quan đến hạ tầng giao thông, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành cho rằng: Bình Phước muốn phát triển đột phá cần tập trung phát triển hạ tầng giao thông. Trong đó dồn lực vào các công trình giao thông trọng tâm, trọng điểm, bởi thực tế thời gian qua giải ngân vốn đầu tư công của tỉnh đạt thấp. “Bình Phước đầu tư phải có chọn lựa, hạn chế tối đa đầu tư dàn trải. Cùng với đó, tỉnh cần làm tốt công tác quy hoạch, đẩy nhanh quy hoạch tổng thể, từ đó thu hút nhà đầu tư bằng các dự án quy hoạch tốt” - Phó Thủ tướng Lê Văn Thành lưu ý.

Trên thực tế, việc xây dựng hạ tầng giao thông kết nối vùng, liên vùng thì một tỉnh, thành không thể thực hiện được mà cần sự chung tay của cả vùng, các tỉnh liên vùng. Ðể gỡ "nút thắt" về hạ tầng giao thông, xây dựng mối liên kết vùng đồng bộ, chặt chẽ, tạo tiền đề huy động các nguồn lực thúc đẩy kinh tế vùng Ðông Nam Bộ phát triển nhanh, bền vững, ngày 7-10-2022, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 24-NQ/TW về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Đông Nam Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Nghị quyết số 24-NQ/TW chỉ rõ "điểm nghẽn" ảnh hưởng đến liên kết vùng Ðông Nam Bộ chính từ mạng lưới kết cấu hạ tầng cấp vùng, liên vùng, nhất là hạ tầng giao thông kết nối nội vùng và liên vùng còn thiếu, yếu, chưa đồng bộ, ảnh hưởng đến sự phát triển và sức lan tỏa của vùng. Từ đó chỉ rõ 3 giải pháp trọng tâm là: xây dựng, thể chế hóa cơ chế điều phối và kết nối phát triển vùng; thực hiện thí điểm phân cấp, phân quyền và thí điểm một số cơ chế, chính sách đột phá, vượt trội.

Nhận diện "điểm nghẽn" lớn nhất là hạ tầng giao thông, thời gian qua, Bình Phước tăng cường đầu tư các tuyến đường giao thông kết nối. Trong ảnh: Công nhân đang thi công tuyến đường số 4 thuộc thị trấn Tân Phú, huyện Đồng Phú

Chính phủ cũng đã ban hành Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 24-NQ/TW với nhiều nhiệm vụ, giải pháp rất cụ thể, rõ đầu việc. Trong đó tập trung chỉ đạo hoàn thiện thể chế, cơ chế điều phối liên kết phát triển vùng, tiểu vùng; điều chỉnh bổ sung các cơ chế, chính sách đặc thù và phát triển vùng Ðông Nam Bộ; huy động và phân bổ các nguồn lực thực hiện các dự án quan trọng bảo đảm vùng Ðông Nam Bộ phát triển hài hòa giữa kinh tế - xã hội, bảo vệ tài nguyên - môi trường gắn với quốc phòng, an ninh và đối ngoại.

Quốc hội cũng có Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 24-NQ/TW. Trong đó khẳng định rõ nhiệm vụ trọng tâm là lãnh đạo, chỉ đạo nghiên cứu sửa đổi, bổ sung hoàn thiện hệ thống pháp luật, khuyến khích, hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Ðông Nam Bộ; phối hợp cùng Chính phủ xem xét cân đối bố trí vốn cho các dự án quan trọng quốc gia, các dự án trọng điểm có tính chất liên kết vùng. Ðây là những tiền đề quan trọng để Bình Phước tiếp tục khai thác tốt các lợi thế về điều kiện tự nhiên, vị trí địa kinh tế - chính trị và tăng cường tính liên kết nội vùng, liên vùng. Từ đó tạo bước phát triển bứt phá, phát huy vai trò, vị trí của tỉnh biên giới - cửa ngõ kết nối với Vương quốc Campuchia.

Đích đến tỉnh công nghiệp

Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ 2020-2025 đề ra mục tiêu: Phấn đấu đến năm 2025, Bình Phước cơ bản trở thành tỉnh công nghiệp phát triển nhanh và bền vững, có quy mô kinh tế khá trong vùng Đông Nam Bộ; nâng cao chất lượng cuộc sống người dân, thu hẹp khoảng cách giữa nông thôn, vùng dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng biên giới với đô thị; tăng cường kết nối vùng; hoàn thành chính quyền điện tử, từng bước chuyển dần sang chính quyền số; đảm bảo quốc phòng, an ninh vững chắc. Đến năm 2030, Bình Phước trở thành tỉnh công nghiệp hiện đại, là “điểm đến hấp dẫn”, một trong những động lực phát triển của vùng Đông Nam Bộ. Đến năm 2050, trở thành tỉnh phát triển, giàu mạnh, văn minh.

Bình Phước có 13 khu công nghiệp với tổng diện tích trên 6.000 ha, tỷ lệ lấp đầy đạt 53,5%. Trong ảnh: Đường vào Khu công nghiệp Bắc Đồng Phú

Đồng thời, triển khai Chương trình hành động số 17-CTr/TU ngày 30-9-2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020-2025, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành kết luận về phát triển khu công nghiệp (KCN), khu kinh tế (KTT), cụm công nghiệp (CCN) trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030. Trong đó xác định phát triển các KCN, KKT, CCN đóng vai trò hết sức quan trọng trong phát triển công nghiệp của tỉnh. Phát huy các lợi thế của tỉnh về nguồn lực đất đai và vị trí trong khu vực kinh tế trọng điểm Đông Nam Bộ để phát triển đồng bộ, hiệu quả, nhanh chóng các KCN, KKT, CCN trên địa bàn tỉnh, tạo động lực thu hút mạnh mẽ đầu tư trong và ngoài nước, góp phần đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Trong đó, đặt mục tiêu đến năm 2025 phát triển 8.290 ha KCN, 25.864 ha KKT, 730 ha CCN; suất đầu tư đạt từ 3-3,5 triệu USD/ha; tỷ lệ lấp đầy của các KCN đạt từ 60%. Đến năm 2030, phát triển 11.522 ha KCN, 25.864 ha KKT, 1.279 ha CCN; suất đầu tư đạt từ 3,5-4 triệu USD/ha; tỷ lệ lấp đầy các KCN đạt từ 60-70%.

Một trong những giải pháp được đề ra là tập trung phát triển các KCN với diện tích dự án dưới 500 ha; không phát triển các dự án KCN quá lớn với diện tích trên 1.000 ha; chỉ xem xét mở rộng KCN khi tỷ lệ lấp đầy thực tế đạt tối thiểu 60%, có phương án phân bổ. Phát triển các CCN một cách vững chắc; mỗi địa phương cấp huyện phát triển không quá 3 CCN; chú trọng phát triển một số CCN chuyên ngành. Ưu tiên hàng đầu là giải phóng mặt bằng, hạn chế tối đa nguy cơ thiếu quỹ đất sạch; đầu tư xây dựng nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, nhà ở chuyên gia, thiết chế văn hóa, hệ thống thương mại, bệnh viện, trường học… đáp ứng nhu cầu phát triển KCN, KKT, CCN. Đẩy mạnh đầu tư hạ tầng giao thông kết nối với vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, khu vực Tây Nguyên và đầu tư, nâng cấp mạng lưới đường nội tỉnh; bổ sung nhằm hoàn thiện quy định về chính sách khuyến khích, ưu đãi và hỗ trợ đầu tư.

Bình Phước hiện có 13 KCN với tổng diện tích trên 6.000 ha, tỷ lệ lấp đầy đạt 53,5%, trong đó KCN Becamex - Bình Phước diện tích 2.450 ha và KCN Minh Hưng - Sikico diện tích 655 ha. Đây là 2 KCN mới, có quy mô lớn, hạ tầng được đầu tư đồng bộ, hiện đại và giao thông thuận tiện, rất thích hợp cho các nhà đầu tư đến đầu tư phát triển. Giai đoạn 2021-2030, tỉnh mở rộng thêm 3 KCN với tổng diện tích 2.500 ha, trong đó KCN Bắc Đồng Phú 900 ha, KCN Nam Đồng Phú 600 ha, KCN Minh Hưng - Sikico 1.000 ha; quy hoạch mới 5 KCN với tổng diện tích 6.800 ha, trong đó có KCN Đồng Phú 3.300 ha. Ngoài ra, tỉnh có Khu kinh tế cửa khẩu Hoa Lư với diện tích 28.000 ha.

Xuân Túc

Nguồn Bình Phước: https://baobinhphuoc.com.vn/news/4/138631/cu-huych-tu-nguon-von-fdi