Cù lao Phố - sức sống của di sản văn hóa

Cù lao Phố trong lịch sử Trấn Biên là vùng đất có nhiều lớp dân cư cộng sinh. Đặc biệt là những đợt di dân mạnh mẽ người Việt, người Hoa đến khai khẩn, lập nghiệp trong thế kỷ XVII-XVIII, đã tạo dựng nơi đây trở thành một trung tâm kinh tế, văn hóa vang bóng một thời.

Toàn cảnh di sản văn hóa đền thờ Nguyễn Hữu Cảnh. Ảnh: Văn Thành

Toàn cảnh di sản văn hóa đền thờ Nguyễn Hữu Cảnh. Ảnh: Văn Thành

Hành trình tạo lập cộng đồng dân cư

Thế kỷ XVII, những địa danh như Mô Xoài (Bà Rịa - Vũng Tàu), Đồng Môn, Bến Gỗ, Bình Đa, cù lao Phố, Bến Cá (Đồng Nai) và Tân Uyên (Bình Dương) là những bến đỗ đầu tiên của người Việt khi vào xứ Đồng Nai.

Ngày nay, trên cù lao Phố/phường Hiệp Hòa còn bảo lưu cái tên xóm Chùa, xóm chợ Chiếu, xóm rạch Lò Gốm, có lẽ đó là những xóm tiền thân của các thôn xã thuộc dinh Trấn Biên, huyện Phước Long, phủ Gia Định sau này.

Tháng 6-1679, một nhóm di thần nhà Minh do Trần Thượng Xuyên và Dương Ngạn Địch dẫn khoảng 3 ngàn người đi trên 50 thuyền từ Quảng Đông vào Đàng Trong xin tị nạn. Chúa Nguyễn Phúc Tần cử người dẫn đường cho họ vào định cư ở đất Bàn Lân và Mỹ Tho. Từ đó, nhóm người Hoa đã sát cánh cùng với người Việt đến trước khai phá, phát triển nông nghiệp và giao thương buôn bán dọc Phước Giang từ Bàn Lân đến Bến Gỗ. Đặc biệt là khu vực cù lao Phố, nhờ địa hình bằng phẳng, giao thông thuận lợi, khí hậu ôn hòa, thuận lợi cho các ngành nghề sản xuất trồng lúa, trồng mía, dệt chiếu, làm gốm phát triển, trao đổi hàng hóa nông sản, vật liệu ra bên ngoài.

Trên 300 năm lịch sử hình thành và phát triển, dẫu cù lao Phố có những biến động, xáo trộn dân cư và tụ tán các dòng chảy văn hóa, nhưng bằng sự cố kết cộng đồng và niềm tin tâm linh mãnh liệt, cư dân cù lao Phố đã gìn giữ và phát huy bền vững các giá trị văn hóa, các cơ sở tín ngưỡng, tôn giáo của mình, để phường Hiệp Hòa hôm nay luôn tự hào là địa phương còn bảo lưu không gian di sản văn hóa truyền thống phong phú, đa dạng nhất ở Đồng Nai.

Nhờ vậy, chỉ trong một thời gian ngắn, nơi đây đã khá đông dân cư, nhưng không có sử sách nào ghi chép số người sinh sống trên cù lao Phố thuở ấy là bao nhiêu. Cư dân đến trước, họ cư trú ven rạch Cát, rạch Ông Án, rạch Lò Gốm, vì đây là khu vực có nhiều tôm cá và giao thông thuận tiện. Cư dân đến sau, họ cư trú dọc giồng Bình Hòa, Tân Giám, Tân Mỹ, Hưng Phú, Bình Hoành là những giồng đất tương đối cao ráo, ít bị ngập nước, thuận lợi trồng lúa và hoa màu.

Sự kiện năm 1698, Chưởng cơ Nguyễn Hữu Cảnh vâng mệnh chúa Nguyễn vào kinh lược, xác lập đơn vị hành chính phương Nam. Phủ Gia Định ra đời. Sách Phủ Biên Tạp Lục ghi lại, huyện Phước Long lúc bấy giờ có 250 thôn, dân số ước chừng 8 ngàn người, cù lao Phố lập 7 thôn (Bình Kính, Bình Hòa, Bình Quan, Long Qưới, Bình Xương, Bình Tự, Hòa Quới). Riêng người Hoa, chúa Nguyễn cho lập xã Thanh Hà, phạm vi gồm một phần nhỏ đất cù lao Phố, Bình Tiên, Bạch Khôi, Bến Gỗ. Vì những nơi đó có số ít người Hoa sinh sống và buôn bán. Lập hội quán Phúc Châu và hội quán Quảng Đông ở hai bên miếu Quan Đế (năm 1684) làm trụ sở, để họ làm nghĩa vụ đóng thuế và các sưu dịch khác. Thời gian này, cù lao Phố phát triển thịnh vượng và được xem là một trung tâm thương mại sầm uất/phố lớn Nông Nại của phủ Gia Định.

Lúc lập trấn Biên Hòa (1802-1832), cù lao Phố chỉ còn là vùng nông thôn nằm trong tổng An Thủy, huyện Bình An, có tất cả 12 thôn xã (Bình Kính Đông, Tân Hưng, Long Quới, Bình Xương, Tân Mỹ, Bình Kính Tây, Long Đức, Tân Giám, Bình Hòa, Bình Quan, Bình Quới, Bình Tự). Riêng xã Thanh Hà không còn nhắc đến, vì đa số người Hoa đã kéo nhau về vùng Chợ Lớn làm ăn, lập nên thương cảng Sài Gòn thay thế cảng Nông Nại bị chiến tranh tàn phá năm 1776 khi nhà Tây Sơn đánh chúa Nguyễn.

Đến năm 1836, Địa bạ Nam Kỳ được lập, cù lao Phố chia làm 13 thôn xã (Bình Hoành, Bình Hòa, Bình Quan, Bình Tự, Bình Xương, Hưng Phú, Long Quới, Tân Giám, Tân Hưng, Tân Mỹ, Thành Đức, Vinh Long và Hòa Quới) và các thôn xã này đến đời vua Tự Đức không thay đổi. Sở dĩ chúng ta chỉ bàn tới đây, vì mốc thời gian này thì các thôn xã ở cù lao Phố cơ bản đã ổn định và các cơ sở tín ngưỡng, tôn giáo cơ bản đã được tạo lập đầy đủ.

Vùng đất đậm đặc di sản văn hóa

Cù lao Phố rất phong phú về các dạng thức tín ngưỡng tạo thành một cơ cấu đa dạng, đan xen và hòa trộn vào nhau. Người cù lao Phố vừa duy trì các tập quán và tín ngưỡng gia đình (thờ cúng tổ tiên, các gia thần, lễ Tết trong năm), vừa tham gia thực hành các tín ngưỡng, tôn giáo cộng đồng (đình chùa, miếu vũ).

Bằng chứng cho thấy, cù lao Phố/phường Hiệp Hòa còn tồn tại 11 ngôi đình (Bình Kính, Bình Quan, Bình Tự, Bình Hòa, Bình Xương, Tân Giám, Thành Hưng, Hưng Phú, Tân Mỹ, Long Quới và Hòa Quới), 6 ngôi chùa xưa (Đại Giác, Hoàng Ân, Chúc Thọ, Tịnh Lâm, Phước Hội, Phước Long) và 1 ngôi chùa xây dựng mới năm 2015 là chùa Tỉnh hội/Trụ sở Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Đồng Nai, 3 ngôi tịnh xá (Ngọc Pháp, Ngọc Hiệp, Thắng Liên Hoa), 3 ngôi miếu độc lập (Thất Phủ cổ miếu, miếu Bà chợ Chiếu, miếu Bà gần chùa Phước Hội) và hơn 20 miếu nhỏ lập trong các ngôi đình làng thờ Thổ thần, Ngũ hành nương nương hay Chúa Xứ, Thiên Y A Na…

Một phường tuy chỉ có diện tích gần 700 hécta, nhưng lại có số lượng đình miếu thuộc loại nhiều nhất Đồng Nai. Rất dễ hiểu, vì cù lao Phố trăm năm trước có tới 13 thôn xã, mà theo thiết chế lệ làng xưa, thì mỗi thôn có một đình miếu để sinh hoạt tín ngưỡng kiểu như “Thánh làng nào làng ấy thờ” và thường lấy tên hành chính thôn xã để đặt tên cho miếu. Đa số các miếu đều nằm dọc bờ sông bờ rạch, khu vực đất cao ráo, có phong cảnh đẹp, giao thông thuận lợi. Đối tượng thờ chính ở miếu là Thành Hoàng Bổn Cảnh/thần cai quản đất đai, phù trợ dân chúng trong phạm vi một thôn/làng. Tuy nhiên, ban đầu hình thành đều gọi là miếu thờ, về sau do sự phát triển của thôn/làng và sự dung nạp của nhiều đối tượng thờ cúng mà miếu được mở rộng quy mô, diện tích xây dựng, bá tánh gọi là đình.

Hiện nay, chúng ta còn bắt gặp rất nhiều biển hiệu đề tên kiểu như “Bình Quan võ miếu”, “Thất Phủ cổ miếu”, “Thành Hưng miếu”. Thực ra đó là những gì còn sót lại trong dòng chảy lịch sử, nhưng lại khẳng định sự trường tồn của cơ sở tín ngưỡng dân gian cộng đồng.

Theo điều tra, nghiên cứu, một trong những cơ sở tín ngưỡng dân gian người Việt hình thành sớm nhất trên đất cù lao Phố, là miếu Bình Kính sau này đổi tên thành đền thờ Nguyễn Hữu Cảnh. Sử sách có ghi chép lại, sau khi Lễ thành hầu Nguyễn Hữu Cảnh mất năm 1700, người dân Biên Hòa đã lập miếu thờ tại cù lao Phố để đời đời ghi nhớ công ơn của ông. Có lẽ, mốc thời gian hình thành này là sớm nhất cho đền thờ Nguyễn Hữu Cảnh.

Ngày nay, đền thờ được trùng tu khang trang và còn lưu giữ 4 đạo sắc phong của các vua nhà Nguyễn với tước hiệu “Thượng đẳng thần”. Tiếp nối truyền thống văn hóa, hàng năm vào ngày 16-5 âm lịch, chính quyền và nhân dân Biên Hòa long trọng tổ chức Lễ giỗ đức Ông.

Cù lao Phố một thời là phố lớn phồn thịnh, thu hút nhiều thiền sư từ Trung Quốc sang, vùng ngũ Quảng đến hành đạo, phát triển nơi đây thành trung tâm truyền bá đạo Phật. Ngôi chùa cổ kính và nổi danh nhất là Đại Giác, tọa lạc ở khu phố Nhị Hòa, do thiền sư Giác Liễu kiến lập vào thế kỷ XVII. Trong chùa thờ pho tượng phật Adida bằng gỗ mít lớn nhất ở Nam Bộ do vua Gia Long hiến cúng và một bức hoành phi khắc chữ hán “Đại Giác Tự” treo ở trước cửa chùa do công chúa Ngọc Ánh hiến cúng năm 1820. Với giá trị lịch sử văn hóa tiêu biểu, năm 1990, chùa được Bộ Văn hóa, thể thao và du lịch xếp hạng là di tích lịch sử kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia.

Như đã nói ở trên, cù lao Phố là đất định cư sớm của người Hoa, song song với việc làm ăn buôn bán, họ còn xây dựng cơ sở thờ tự của riêng mình, đó là Quan Đế miếu/Thất Phủ cổ miếu vào năm 1684. Nét độc đáo của miếu là kiến tạo theo kiểu “nội công ngoại quốc”, một tòa nhà chính giữa hình chữ công, ba dãy nhà bao quanh ba mặt hình chữ khẩu, tiền sảnh hoàn toàn bằng đá xanh Bửu Long, không gian kiến trúc sơn một màu đỏ.

Do việc phối thờ theo kiểu “tiền thánh hậu phật” mà Thất Phủ cổ miếu còn được gọi là chùa Ông. Lễ hội chùa Ông diễn ra từ ngày 10 đến 12 tháng Giêng hàng năm là lễ hội dân gian đặc sắc của người Hoa. Chính vì vậy, chùa Ông được Bộ Văn hóa, thể thao và du lịch xếp hạng là di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia năm 2001 và Lễ hội chùa Ông được ghi danh là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia năm 2023.

Xuân Nam

Nguồn Đồng Nai: https://baodongnai.com.vn/dong-nai-cuoi-tuan/202503/cu-lao-pho-suc-song-cua-di-san-van-hoa-301619e/